Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
Y Nghia Hoa Sen Trong Phat Giao
Y Nghia Hoa Sen Trong Phat Giao
Y Nghia Hoa Sen Trong Phat Giao Y Nghia Hoa Sen Trong Phat Giao
Y Nghia Hoa Sen Trong Phat Giao
Ý nghĩa hoa sen trong Phật giáo
Tải về xem
Y Nghia Hoa Sen Trong Phat Giao
Y Nghia Hoa Sen Trong Phat Giao
Chú Phương gởi


Ý nghĩa hoa sen trong Phật giáo

Niết bàn hay đau khổ, rốt lại ở nơi tâm chúng ta mà thôi.

Hỏi: Kính bạch thầy, mỗi khi vào chùa nhìn lên bàn Phật, thấy tượng Phật ngồi trên tòa sen, nhưng thú thật con không hiểu ý nghĩa của hình ảnh hoa sen như thế nào? Mà khi vào chùa nhìn đâu cũng thấy hoa sen cả. Kính mong thầy giải thích cho chúng con hiểu. Con cám ơn thầy.

Đáp:  Điều thắc mắc của Phật tử về vấn đề ý nghĩa tiêu biểu của hình ảnh hoa sen, thật là hữu lý và rất thú vị. Vì ý nghĩa của hoa sen, trong nhà Phật giải thích rất rộng và rất quý trọng hoa sen. Có thể nói hoa sen là một đặc trưng mà phần lớn rãi rác trong các kinh điển Phật giáo: Nguyên Thủy và Phát Triển đều có đề cập đến. Một bộ Kinh Đại Thừa trọng đại mà hầu hết Phật tử thuộc Phật giáo Bắc Tông ít nhiều đều có đọc tụng qua, chẳng những đọc tụng thôi mà còn quan tâm nghiên cứu học hỏi nữa, đó là bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.   Ngoài ra, hoa sen còn được biểu trưng qua những lãnh vực khác mang tính đặc thù văn hóa của mỗi quốc gia dân tộc theo Phật giáo. Nhứt là đối với các nước Phật giáo Á Châu. Đối với các nước Phật giáo Á Châu, tiêu biểu là Trung Hoa và Việt Nam… hoa sen được trưng bày trong chùa hoặc qua các phù hiệu cờ đoàn hay các phù hiệu khác của một vài đoàn thể trong Phật giáo. Như đoàn thể Gia Đình Phật Tử chẳng hạn. Và trong các Tông phái Phật giáo có một Tông lấy hoa sen mà đặt tên cho một Tông phái, đó là Tịnh Độ Tông, còn gọi là Liên Tông. Như vậy, cho chúng ta thấy một cách khái quát rằng, hình ảnh hoa sen trong Phật giáo cái thâm nghĩa của nó quan trọng đến ngần nào. Vì thế, ở đây, chúng tôi chỉ xin giải thích một cách khái lược qua một vài đặc tính tiêu biểu mang tính ẩn nghĩa trong giáo lý Phật giáo mà thôi.
 
Đại loại hoa sen có 8 đặc tính tuyệt diệu sau đây:

1. Không nhiễm.
2. Trừng thanh.
3. Kiên nhẫn.
4. Viên dung
5. Thanh lương.
6. Hành trực.
7. Ngẩu không.
8. Bồng thực.

1. Đặc tính không nhiễm: Hoa sen dù mọc lên từ bùn nhơ, nhưng tính chất của nó vẫn không mang mùi hôi của bùn. Ca Dao Việt Nam có bài nói về đặc tính không cấu nhiễm nầy:

Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Dù nằm trong bùn trải qua nhiều ngày tháng, nhưng hoa sen vẫn chờ ngày vươn mình lên khỏi mặt nước để nở ra và rồi khoe hương khoe sắc, ngát tỏa hương thơm cùng khắp đất trời. Ta thấy giữa bùn và hoa không dính dáng gì nhau. Bùn là tượng trưng cho phiền não nhiễm ô, còn hoa sen là tiêu biểu cho thanh tịnh. Điều nầy, để nói lên cái ý nghĩa thâm trầm là chư Phật Bồ tát ra đời, các Ngài vẫn sinh hoạt trong dòng đời, nhưng các Ngài không bao giờ bị cấu nhiễm. Cư trần bất nhiễm trần là thế. Ngược lại, chúng ta thì có khác. Chúng ta đụng đâu nhiễm đó. Mặc dù trong mỗi người chúng ta đều sẵn có hoa sen bất cấu nhiễm nầy. Hoa sen là để tiêu biểu ẩn dụ cho mỗi người chúng ta ai ai cũng sẵn có Phật tánh. Mà Phật tánh vốn không cấu nhiễm, vì bản chất của nó thanh tịnh sáng suốt. Nhưng vì chúng ta theo dòng vô minh vọng nghiệp mà tạo ra nhiều tội lỗi để rồi bị dính mắc trong trần lao ô nhiễm. Đó là đặc tính thứ nhứt.

2. Trừng thanh: Trừng thanh là lóng trong. Điểm đặc biệt là chỗ nào có hoa sen mọc, thì chỗ đó nước không bao giờ đục. Do đó, khi chúng ta hái hoa sen, thì khỏi cần phải rửa, bởi hoa sen không dính bùn nhơ. Bởi vì bản chất của nó mang sẵn tính trừng thanh. Điều nầy để nói lên cái ý nghĩa biểu trưng rằng, nơi nào có chư Phật, Bồ tát ra đời, thì nơi đó sẽ đem lại cho chúng sanh có sự an ổn mát dịu. Ngược lại, nơi nào có những phần tử xấu ác bất lương, thì nơi đó chắc chắn là sẽ xảy ra lắm điều phiền phức họa hại bất an. Đặc tính trừng thanh nầy, các loài hoa khác không có. Đặc tánh nầy, nếu chúng ta khéo biết áp dụng vào đời sống thực tế hằng ngày, thì cũng rất là lợi ích. Vì sao? Vì có thường xuyên lóng lặng cấu uế phiền não thì nước hồ tâm của chúng ta mới trong sạch thanh lương được. Mà phiền não không có, tất nhiên là chúng ta sẽ có an lạc hạnh phúc ngay.

3. Kiên Nhẫn: Như chúng ta đã biết, hoa sen là loại túc căn thảo, tức một loại có nẩy mầm từ rễ củ của năm trước. Hoa sen mang đặc tính kiên nhẫn rất là kỳ thú. Rễ củ của nó nằm trong bùn thật lâu để chờ đợi khi hội tụ đầy đủ nhân duyên là nó sẽ nẩy mầm ngay. Sự chờ đợi đó, tức là đức tánh kiên nhẫn. Đức tánh nầy, rất cần thiết trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Người nào có đức tánh kiên nhẫn nầy, thì người đó khi ra làm việc gì chắc chắn sẽ dễ đạt được thành công. Bằng ngược lại, thì khó mong đạt được.
 
Có nhiều khi, vì một việc rất nhỏ nhặt nào đó xảy ra mà chúng ta cũng không đủ sức kiên nhẫn để vượt qua, thì đừng nói chi đến việc trọng đại. Việc đời cũng như việc đạo muốn có kết quả tốt đẹp, tất nhiên, chúng ta phải có đức tánh kiên nhẫn nầy. Nếu không, thì khó mà thành công trong bất cứ lãnh vực nào. Cho nên, đức tánh kiên nhẫn là một đức tánh tối thiết yếu trong đời sống hướng thượng thăng hoa, khác nào hoa sen đã kiên nhẫn vươn lên tìm sự sống cao đẹp vậy.

4. Tánh Viên Dung: Đức tánh nầy, đặc biệt chỉ có hoa sen mới có. Vì hoa sen có những cánh hoa bao bọc gương sen tròn trịa. Đây là tiêu biểu cho tánh viên giác của mỗi chúng sanh sẵn có. Tánh viên giác vượt ngoài phạm trù nhân duyên đối đãi. Hoa sen từ lúc nở cho đến lúc tàn, không bị loài ong bướm làm hư hoại, khác với các loài hoa khác bị ong bướm tìm đến bu đậu và hút lấy nhụy. Điều nầy, nói lên tánh viên giác tròn sáng vô ngại, không bị cảnh nào có thể làm tiêu hoại ô nhiễm nó được.

5. Thanh Lương: Thông thường các loài hoa thi nhau đua nở vào mùa Xuân, vì mùa Xuân là mùa mát mẻ. Ngược lại, chúng không thể nở hoa vào mùa Thu hay mùa Ðông. Vì mùa Thu là mùa hay có mưa phùn còn mùa Ðông thì giá lạnh. Do đó, không thích hợp cho các loài hoa khai hoa nở nhụy. Khác hơn các loài hoa khác, hoa sen lại nở vào mùa Hạ, đây là mùa nóng bức. Điều nầy, để nói lên ý nghĩa chư Phật Bồ tát ra đời trong  cõi đời ngũ trược, chúng sanh dẩy đầy phiền não, bức bách khó chịu, các Ngài mang lại nước cam lồ từ bi để tưới tẩm làm mát dịu cho mọi người.

Giữa mùa hè oi ả nóng bức, nhưng hoa sen vẫn bất chấp sự nóng bức đó mà vẫn vươn mình mọc lên, để nói lên rằng, dù chúng ta đang sống trong nhà lửa tam giới đang bị thiêu đốt bởi những thứ lửa dục vọng tham sân si…nhưng chúng ta vẫn cố gắng bền tâm nhẫn nại chịu đựng để khắc phục vượt qua. Đồng thời dùng nước chánh pháp để tưới tẩm làm mát dịu tâm hồn.

6. Hành trực: Hành trực là chỉ cho thân ngay thẳng. Không có loài hoa nào mọc lên mà có thân hình (cọng sen) ngay thẳng như hoa sen. Điều nầy, để tiêu biểu: “người tu hành cần phải sửa thân và tâm cho ngay thẳng”. Trong Kinh Duy Ma Cật có câu nói: “Trực tâm tức thị đạo tràng”. Dù sống trong bất cứ hoàn cảnh thuận nghịch nào hay ở bất cứ nơi đâu mà tâm ta ngay thẳng, tức không khởi nghĩ hai bên: có, không,  phải trái v.v…dù là ở nơi giữa chợ búa, thì ta cũng biến nơi đó thành đạo tràng. Đạo tràng là nơi thanh tịnh. Như vậy, đức tánh ngay thẳng là đức tánh mà người Phật tử cần phải áp dụng hành trì trong đời sống thực tế. Có thế, thì chúng ta mới có sự lợi lạc, như hoa sen mọc từ bùn thẳng lên và rồi khoe hương khoe sắc vậy.
 
7. Ngẩu không: Hoa sen tuy thân ngay thẳng, nhưng trong ruột thì trống rỗng. Điểm đặc biệt nầy để nói lên một ý nghĩa rất thâm trầm là người tu hành cần phải có tánh hỷ xả. Hai đức tánh nầy Bồ tát luôn thực hiện. Nói đến hạnh hỷ xả, chúng ta liền nghĩ ngay đến Bồ tát Di Lặc.

Đức Di Lặc ngồi trơ bụng đá
Bao bụi trần bám đã rồi rơi
Mặc cho thế cuộc đầy vơi
Dửng dưng như một nụ cười an nhiên.

Đối với Bồ tát Di Lặc mọi việc đến và đi, tất cả chỉ là một nụ cười an nhiên. Một nụ cười khi nhìn thấy:

Mắt trông thấy sắc thì thôi
Tai nghe thấy tiếng nghe rồi thì không
Trơ trơ lẳng lặng cõi lòng
Nhẹ nhàng ta bước trong vòng trần ai.

8. Bồng thực: Các loài hoa khác, khi bông tàn mới kết nụ thành trái và có hột. Ngược lại, hoa sen thì không như thế. Hoa sen nở ra thì đã có gương có hột sẵn rồi. Đó là nhân quả đồng thời. Điều nầy, nói lên một triết lý sống; nhân quả không bao giờ sai khác. Nhân quả như hình với bóng, hình thế nào, thì bóng như thế đó.  Thế nên, muốn cho đời sống được an ổn tươi mát thơm tho như hoa sen, thì chúng ta nên nhớ đến lý nhân quả mà hành xử tu nhân tích đức, làm lợi ích cho mình và người, thì chắc chắn chúng ta sẽ có hạnh phúc an lạc ngay trong đời sống hiện thực, không cần phải tốn công hao sức tìm nơi đâu xa xôi. Niết bàn hay đau khổ, rốt lại ở nơi tâm chúng ta mà thôi.
 
Trên đây, chúng tôi chỉ nêu ra trình bày một cách khái yếu về những đặc tánh của hoa sen mà thôi. Thật ra, ý nghĩa của hoa sen rất thâm thúy, không thể nào giải thích hết được. Tuy nhiên, qua 8 đặc tánh tiêu biểu trên, thiết nghĩ, cũng tạm đủ để chúng ta hiểu được phần nào về triết lý và hình ảnh hoa sen biểu trưng trong Phật giáo.

Y Nghia Hoa Sen Trong Phat Giao
 
Tải về xem
Y Nghia Hoa Sen Trong Phat Giao