Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
Ý NGHĨA NGÀY ĐẠI LỄ RẰM THÁNG MƯỜI, ĐẠI LỄ IL POYA DAY
 


 


Ngày rằm tháng mười hằng năm có những ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Phật giáo. Do đó, chúng ta gọi là ngày đại lễ Rằm Tháng Mười hay đại lễ IL Poya Day.
 
Sau đây là năm ý nghĩa đặc biệt của ngày đại lễ Rằm Tháng Mười.
 
1. DHAMMADŪTA.
 
Đức Thế Tôn phái gởi sáu mươi (60) vị Thánh tăng A La Hán đầu tiên lên đường truyền bá chánh pháp khắp bốn phương.
 
Sau khi chuyển vận pháp luân nơi ngôi vườn Lộc Uyển, Isipatana, Đức Thế Tôn ban phép xuất gia cho năm anh em Kiều Trần Như. Chư vị là năm vị thánh tăng A La Hán đầu tiên trên thế gian.
Sau đó, Đức Thế Tôn tiếp tục tế độ vị công tử Yasa ở kinh thành Bārāṇasī cùng với 54 người bạn của công tử. Cả 55 vị sau đó đều xuất gia và đồng chứng thánh quả A La Hán.
 
Lúc bấy giờ, trên thế gian đã xuất hiện đầy đủ ba ngôi Tam Bảo là Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo, bao gồm 60 vị thánh nhân A La Hán.
Vào đúng ngày rằm tháng mười năm đầu tiên sau khi thành đạo, trước sáu mươi vị đệ tử thánh nhân, Đức Phật có lời kêu gọi lịch sử như sau:
 
“Hãy ra đi, nầy các thầy Tỳ Kheo, để đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người, đem lại hạnh phúc cho nhiều người. Vì lòng bi mẫn, hãy ra đi để đem lại sự tốt đẹp, sự lợi ích và hạnh phúc cho toàn thể Chư Thiên và nhân loại. Mỗi vị Tỳ Kheo hãy đi một ngã đường riêng rẽ.
 
Hãy hoằng dương Chánh Pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa và toàn hảo ở đoạn cuối, toàn hảo trong cả hai tinh thần và văn tự.
Hãy công bố đời sống phạm hạnh thiêng liêng, vừa toàn thiện, vừa trong sạch.
 
Còn Như Lai sẽ đi về hướng ngôi làng Senāni ở Uruvelā để tiếp tục giảng dạy Giáo Pháp”.
Ngày rằm trăng tròn tháng mười kỷ niệm ngày Đức Thế Tôn ban lời kêu gọi sáu mươi vị Thánh Tăng đầu tiên lên đường đi truyền bá Chánh Pháp, Dhammadūta. 
 
Bắt đầu từ đó, những bước chân thánh thiện đã đi khắp mọi miền trên bình nguyên sông Hằng để đem lại hạnh phúc cho phần đông. 
 
Quả thật là:
Đường xa in dấu từ bi.
Thương đàng hậu tấn sá gì gian lao.
 
2. ĀDITTAPARIYĀYA SUTTA
 
Đức Thế Tôn thâu phục các vị đạo sĩ thờ thần lửa.
Ngày rằm tháng mười kỷ niệm ngày Đức Thế Tôn bước chân đến xứ Uruvelā để tế độ nhóm các vị đạo sĩ thờ lửa, đứng đầu là đạo sĩ Uruvelā Kassapa.
 
Sau khi đã gởi 60 vị A La Hán đầu tiên đi hoằng pháp, Đức Thế Tôn một mình tiến bước về ngôi làng Senāni ở Uruvelā.
 
Lúc bấy giờ ở Uruvelā có ba anh em nhà Kassapa xuất gia tu khổ hạnh, thờ thần lửa. Người anh cả có 500 đệ tử theo tu học, đạo tràng đặt tại Uruvelā nên được gọi là Uruvelā Kassapa. 
 
Người em kế có 300 đệ tử, lập đạo tràng bên ven sông (Nadī), nên được gọi là Nadī Kassapa. 
 
Người em út có 200 đệ tử tu học, lập đạo tràng ở một sườn núi Gayā, nên có tên là Gayā Kassapa. 
 
Dân chúng trong vùng rất tín ngưỡng, sùng kính họ. Danh tiếng của ba anh em nhà Kassapa vang dội khắp cả kinh thành Rājagaha (Vương Xá) của Đức Vua Bình Sa Vương.
 
Với uy đức của một vị Phật, Đức Thế Tôn đã thâu phục cả hội chúng đông đảo, bao gồm cả ngàn vị đạo sĩ thờ thần lửa. 
 
Bộ Luật Đại Phẩm (Mahāvagga) ghi chép lại Đức Thế Tôn đã vận dụng cả 3.000 phép lạ để có thể nhiếp phục được hội chúng đông đảo nầy. Quả thật là một kỷ lục! Ngay sau đó, cả hội chúng 1.000 vị đạo sĩ với ba anh em Kassapa là các vị trưởng nhóm đồng xuất gia với Đức Thế Tôn. 
 
Về sau, khi ngự tại vùng đồi Gayāsīsa (Tượng đầu sơn) cùng với hội chúng Tỳ Kheo đông đảo, Đức Thế Tôn đã thuyết giảng cho 1.000 vị Tỳ Kheo bài pháp có tựa đề là “Ādittapariyāya Sutta” hay là Bài Kinh về Lửa.
 
Khi Đức Thế Tôn kết thúc bài pháp, tất cả hội chúng Tỳ Kheo của Đại Đức Kassapa đều đoạn trừ hoàn toàn phiền não và lậu hoặc.
Lúc bấy giờ, trên thế gian có thêm 1.003 vị A La Hán.
 
Chúng ta nên biết sau nầy Đức Bổn Sư có tôn vinh Tôn giả Uruvelā Kassapa giữa Tăng chúng là vị đại đệ tử có hội chúng đông đảo bậc nhất. 
 
Chính nhờ uy tín, thanh danh của mình khi còn là đạo sĩ thờ lửa, Tôn giả Uruvelā Kassapa đã trợ duyên cho thầy của mình rất nhiều khi Đức Thế Tôn quang lâm đến kinh thành Vương Xá của Đức Vua Bình Sa Vương. 

 
Kho Tàng Pháp Học
 
Namo Buddhaya


Hoang Nguyen gởi