18- Am tranh không cháy.
Ba năm hành trì hiếu đạo bên ngôi mộ Mẫu Thân đã gần mãn. Vào một buổi hoàng hôn, người trong làng bỗng nhiên thấy một luồng ánh sáng phát ra từ túp lều của Ngài. Luồng hào quang cao đến ba mươi bộ sáng rực cả một vùng như ban ngày. Họ la lên:
- Lều của Bạch Hiếu Tử đã phát hỏa chắc sẽ có chuyện không may xảy ra cho Pháp sư Độ Luân.
Họ bèn cấp báo cho nhau rồi tức tốc chạy ra nghĩa trang mang theo những bình nước để cứu
hỏa, nhưng khi họ tới nơi, túp lều của Ngài vẫn bình an vô sự và Ngài thì vẫn an nhiên đang ngồi niệm Phật cạnh một ngọn đèn dầu nhỏ; ai nấy cũng cho là chuyện huyền diệu thật khó nghĩ bàn.
19- Mộng gặp Độ công (Thầy Độ Luân)
Mặc dù Ngài thủ hiếu trong một túp lều tranh nhỏ bên phần mộ Mẹ giữa vùng đất hoang vắng, vậy mà người đến cầu kiến Ngài không ngừng. Họ đều thỉnh cầu Quy y Tam Bảo vì hoặc được Ngài chữa lành bệnh, hoặc vì cảm mến oai nghi đức độ và hạnh thủ hiếu của Ngài. Lều tranh nhỏ dần biến thành ngôi miếu tự được dân làng tôn sùng nhất.
Sau khi mãn ba năm, Ngài đến ẩn cư tại Động Di Đà, phần núi Đông Bộ thuộc nhánh Trường Bạch, nơi đây cây cối rậm rạp nhiều chim muôn và dã thú không dấu chân người; thích hợp cho những vị hành tu khổ hạnh. Ngài miên mật tọa thiền và tu hạnh đầu đà, chỉ ăn rau dại uống nước suối, tự tại trong cảnh giới thoát trần này.
Thỉnh thoảng Ngài xuống núi mua nhang dầu và các vật dụng cần thiết. Lần nọ, trên đường đến phố Ngài đi ngang qua Trấn Lạp Lâm, Thôn Bối Âm Hà, dừng nghỉ tại nhà Quan Trạm Hải và người chú là Quan Trung Hỉ. Quan Trung Hỉ là một tà sư thường truyền mật pháp gọi là “Đạo Nhiếp Duyên.” Ông ta có trên bốn ngàn đệ tử. Ông nói với các đệ tử rằng ông có hằng trăm báu vật bán với giá một ngàn đồng mỗi cái, vì những báu vật này chỉ có danh mà không có thực nên Quan Trung Hỉ nói rằng:
- Thời cơ chưa tới cho nên bây giờ ta không giao cho các ngươi những báu vật này được. Đợi thời cơ thuận tiện lúc thế giới này thay đổi thì các ngươi sẽ thọ nhận những báu vật ấy.
Khi đúng năm mươi tuổi, ông Quan Trung Hỉ giác ngộ rằng sự giàu sang phú quý không thể nào bảo đảm cho mạng sống của ông; vì biết rằng mình sắp sửa qua đời và lo không kịp tu Đạo nên cùng người cháu lên đường tìm Minh nhãn Thiện tri thức, người có “mắt sáng” để hướng dẫn họ về thiền quán. Trong suốt ba năm, hai chú cháu đi lang thang khắp nơi tầm Sư học Đạo, họ đã viếng thăm nhiều danh Sư tại các Tu viện nổi tiếng, những Học giả tại các Trường lớn, những nhà tu khổ hạnh trong các sơn động, nhưng chẳng gặp được ai có thể dạy họ tu pháp thiền quán nên thất vọng đành bỏ cuộc và trở về nhà.
Vừa thấy Ngài, Quan Trạm Hải vội kéo người chú sang một bên hỏi:
- Chú ơi! Vị Sư này là ai vậy? Bộ chú có quen hay sao?
- Chú nghe tiếng vị Sư này từ lâu, Ngài chính là Pháp sư An Từ, thủ hiếu nơi mộ phần đó mà!
- Thật kỳ lạ! Đêm qua cháu mơ thấy Pháp sư đến đây và ngồi trên chiếc giường bằng gạch này. Cháu quỳ xuống thỉnh Ngài dạy cho chú cháu mình cách tu đạo. Ngài dạy cháu rằng: Lớp da trên thân cháu cần phải lột vứt đi thì mới có thể tu đạo được. Nói xong, Ngài bèn dùng tay kéo từ trên đầu cháu ra một miếng da và quăng xuống đất. Cháu mới phát hiện ra đó chính là miếng da heo. Ngài còn nói: Ngươi không ăn chay, và đã ăn thịt heo. Trong tương lai, ngươi sẽ chuyển kiếp thành một con heo. Cháu sợ điếng người và thưa rằng: Không, không! Con heo dơ dáy và ngu si lắm! Rồi cháu hoảng hốt giật mình thức dậy. Cháu vừa mơ đêm qua thì hôm nay Pháp sư này đã đến đây vậy không biết là điềm lành hay điềm dữ?
Người Chú kinh ngạc hỏi:
- Thật sao? Thật là cháu đã mơ như vậy phải không? Tất nhiên đó là một điềm tốt rồi. Pháp sư Độ Luân luôn cho việc hoằng dương Phật pháp lợi ích chúng sanh là trọng trách của mình và đối với chúng sanh Ngài tùy thời quán xét căn tánh ban giáo pháp. Chú đã từng đi lễ bái Ngài nhưng chưa bao giờ được gặp mặt. Nào ngờ hôm nay Ngài thân hành đến chắc vì chú hằng ngày kiên thành lễ Phật nên được cảm ứng.
Hai chú cháu quỳ trước mặt Ngài, cầu thỉnh Ngài ban cho yếu chỉ tu đạo, Ngài bèn giới thiệu nhiều thiện tri thức cho họ nhưng họ vẫn nài nỉ được làm đệ tử Ngài; vì còn đang là một chú Tiểu trẻ nên Ngài chưa muốn thu nhận đồ đệ. Sau cùng Ngài bảo họ:
- Thôi trước hết hãy tập ngồi kiết già rồi chúng ta sẽ nói chuyện sau.
Sau đó họ tập ngồi thiền mỗi ngày, người cháu ngồi kiết già rất dễ dàng nhưng người chú gặp khó khăn vì xương xóc đã già nên cứng đơ. Ở miền Đông Bắc Trung Hoa, người miền núi có xương bánh chè rất lớn. Khi họ ngồi xếp bằng, đầu gối và xương bánh chè cách mặt đất đến ba mươi phân. Dù vậy nhưng ông chú vẫn nhất quyết kiên trì cố đè đầu gối xuống cho bằng được, và trong vòng bảy mươi ngày ông ta có thể ngồi kiết già được.
Khi Ngài trở lại thấy chân ông sưng vù, đau đến nỗi không thể bước qua được một cái rãnh nhỏ. Ngài bảo ông ta:
- Ông không nên tập ngồi kiết già. Ông còn tập không?
- Dạ thưa còn.
- Thôi đừng nên tiếp tục nữa.
- Ngài bảo sao? Tôi đã gần đất xa trời và nếu bây giờ tôi không tập thì còn chờ đến bao giờ? Vì vậy bất luận đau đớn thế nào đi nữa tôi cũng ráng ngồi kiết già cho bằng được. Nếu tôi chết, thì đó là một việc khác. Nhưng giờ đây tôi còn sống thì tôi cứ tập.
- Vậy thì tùy ý ông.
Một trăm ngày trôi qua, Ngài trở lại và thấy hai chân của ông chú không còn sưng nữa. Ngài hỏi:
- Chắc ông đã hết ngồi thiền rồi phải không?
Quan Trung Hỉ cười đáp:
- Bây giờ tôi có thể ngồi kiết già được rồi, và bất luận ngồi lâu bao nhiêu, tôi cũng không thấy đau nữa, còn chân của tôi thì cũng không còn sưng nữa.
- Giờ tôi sẽ dạy cho các vị phương pháp tu hành. Tại sao chúng sanh tu mà không đắc đạo? Chính vì vọng tâm quá nhiều. Nếu có vọng tâm thì chân tánh luôn bị nhiễu loạn, ắt sẽ khiến người ta dễ chấp vào sắc dục. Khi tâm đã vướng vào vòng ái dục, sự tham cầu vật chất nối liền phát sanh và tâm chứa đầy phiền não. Khi vọng tưởng khởi, phiền não sanh, khiến thân tâm ưu khổ không được tự tại.
Chúng sanh lặn hụp trong biển sanh tử luân hồi không thoát ra được, nên Chân Đạo ngày một xa vợi. Biển khổ không bờ, nếu mình biết hồi đầu thời sẽ đến bờ giác cứu cánh Niết Bàn, hồi phục bổn lai diện mục của mình. Chủ yếu cần phải tỉnh giác trong mỗi niệm, như gà ấp trứng, mèo rình chuột, rồng giữ hạt châu thì tự nhiên chẳng bao lâu sẽ nhận được tin lành.
Dạy xong Ngài truyền Quy y và chỉ rõ cho hai chú cháu pháp tu TÂM.
Hai chú cháu được như ý nguyện vui mừng khôn tả, họ y theo lời dạy của Ngài tu trì không một chút lơ là hay biếng nhác. Vài năm sau Quán Trung Hỉ gọi tất cả người nhà lại và nói rằng:
- Ngày đó giờ đó tôi sẽ ra đi và điều mong ước cuối cùng của tôi là được gặp mặt Thầy tôi một lần cuối. Nhưng tôi không biết hiện nay Ngài ở đâu?
Rồi đến ngày đã định, ông ngồi kiết già ngay ngắn niệm Phật vãng sanh chẳng mảy may đau ốm chi. Đêm hôm đó nhiều người trong làng cùng có một giấc mơ giống nhau; họ mơ thấy có hai vị Đồng Tử mặc áo xanh, dẫn Quan Trung Hỉ bay về hướng Tây.
Sau đó trên đường đi theo Ngài đến khoảng đất trống người cháu bỗng sụp quỳ xuống nắm lấy tay áo Ngài và xin làm đệ tử. Ngài gỡ tay anh ta ra và định bỏ đi. Người thiếu niên quyết xin cho được, nói rằng: “Còn sẽ không đứng dậy cho đến khi được Thầy nhận làm đệ tử.”
Mặc dầu gia đình không giàu có nhưng mỗi Tết Quan Trạm Hải đều thành tâm dâng lên Sư phụ một chút lễ vật. Anh thật lòng hiếu kính không bao giờ quên ơn huệ Ngài đã giải thoát cái lốt heo của anh ta trong giấc mơ xưa kia.
20- Quả Năng xuất gia.
Quả Năng họ Lô là đệ tử xuất gia đầu tiên theo Ngài, xưa kia ông là một người thợ may. Mặc dầu ông làm được rất nhiều tiền nhưng cô bạn gái của ông ta lại nghiện thuốc phiện cho nên ông làm được bao nhiêu cũng không đủ. Ngày nọ, ông chợt tỉnh ngộ biết mình làm chuyện sai lầm nên quyết định bỏ bạn gái và xuất gia tu đạo. Trong mình ông lúc bấy giờ không có bao nhiêu tiền nên khi đến vài ngôi chùa cầu xin lưu trú đều bị từ chối. Một hôm ông trở về quán trọ tạm trú, nơi đây đang khai trương một tiệm cơm chay. Bà chủ nói với ông:
- Thầy của tôi hiện đang ở đây, ông có muốn bái kiến Ngài không?
Khi tham bái Ngài, ông cảm thấy bối rối, hổ thẹn.
Ngài cố ý hỏi:
- Tại sao con lại buồn rầu như vậy?
- Con không có tiền.... Pháp Sư đến đây có việc gì?
- Thầy đến đây vì con đó.
- Bạch Thầy, sao Thầy lại vì con mà đến?
- Thầy vì muốn độ cho con xuất gia.
Quả Năng giật mình kinh ngạc, vì ông ta chưa từng đề cập việc mình muốn xuất gia cho ai nghe cả.
- Thôi, đi mau lên, nếu không thì bạn gái sẽ đến kéo con về đó.
- Nhưng con không có đến một chiếc y!
Ngài liền cởi ngay y bên ngoài ra cho Quả Năng rồi hai ThầyTrò cùng đạp tuyết đi về Chùa Tam Duyên.
Quả Năng phụ trách những công việc nặng ở chùa mà không ai chịu làm như gánh nước, nấu ăn, giặt giũ... Một ngày kiaThầy tự xây cho mình một cái kháng (giường) bằng gạch khá tốt. Khi Ngài thấy được liền hỏi:
- Ai cho phép con cái giường này?
Không dám ngẩn lên, Quả Năng thưa:
- Dạ không ai cho phép cả, con tự làm lấy.
- Bộ con là Giám viện ở đây sao mà muốn làm gì thì làm. Mau thu xếp lại rồi lên chánh điện quỳ ba cây nhang sám hối.
Lát sau Ngài không thấy Quả Năng quỳ trên chánh điện mà đang vá quần áo. Ngài hỏi:
- Tại sao con không lên chánh điện quỳ?
- Sư phụ bảo con quỳ thật sao?
- Ta thật xấu hổ, con không quỳ là lỗi của ta, nếu ta có đức độ thì đệ tử chắc phải nghe lời, đây là lỗi của ta vậy ta phải quỳ vậy.
Nói xong Ngài liền quỳ trước chánh điện.
Quả Năng hoảng hốt thưa:
- Không, không xin Sư phụ đừng quỳ! Đó là lỗi của con, xin để cho con quỳ, kính thỉnh Sư phụ đứng dậy.
Chẳng màng đến lời van xin của Quả Năng Ngài vẫn tiếp tục qùy; thế rồi cả hai Thầy Trò cùng quỳ.
Kể từ đó các đệ tử của Ngài nhất nhất vâng lời dạy bảo của Ngài, vì từ xưa đến nay Ngài chưa từng nói đùa bao giờ.
21- Tiểu thần thông Quả Tá.
Lúc đang trú tại Chùa Tam Duyên một sáng nọ Ngài bảo Quả Năng:
- Hôm nay sẽ có một đứa bé đến xin xuất gia, khi nó đến con hãy báo cho Thầy biết.
Đến trưa, Quả Năng hăm hở chạy vào phòng thở hổn hển thưa:
- Bạch Sư phụ, đứa bé mà Sư phụ nói hồi sáng đó, nó đến rồi.
Ngài bước ra ngoài thấy một đứa bé trai trạc mười một, mười hai tuổi khuôn mặt bướng bỉnh, áo quần lem luốc nhưng dáng người đoan chánh, tướng mạo giống như một vị Tỳ kheo.
Bé vừa thấy Ngài dường như đã gặp được người thân thuộc, vui mừng không thể cầm được nước mắt.Ngài cố ý hỏi thử:
- Con đến đây làm gì?
Với lòng tin vững chắc em trả lời:
- Con muốn xuất gia.
- Cái gì? Có phải con vì không có cơm ăn, áo mặc, nhà ở mà đến đây nương náu cửa chùa phải không?
- Dạ không phải! Bởi vì con có một chứng bệnh kỳ lạ lắm, làm con nằm ngồi gì cũng không yên, con thật rầu vì tự biết mình đã bị ma chướng.
- Làm sao con biết được?
- Lúc lên năm tuổi, con có thể chữa bịnh cho người khác được, nếu con bảo họ mau hết bịnh, thì họ sẽ mau hết bịnh ngay. Cách đây khoảng hơn một tháng trong ba ngày liên tiếp con đều mơ giống nhau, thấy một Ông Sư như vị này (bé chỉ tượng Ngài Phật Di Lặc). Ông Sư mập này bảo con rằng: Hãy đến chùa Tam Duyên cầu xuất gia với Pháp sư An Từ thì bịnh con sẽ hết. Con đã đi bộ hơn một ngàn ba trăm dặm trong ba tháng trường nay mới đến được đây. Trên đường đi đêm xuống con ngủ trên các cánh đồng hoang. Đêm nọ, có một bầy chó sói đến vây quanh con, con quát chúng rằng: Chúng bây muốn ăn “đạn” không? thì tự nhiên chúng nó bỏ đi ngay. Con thật sự chỉ muốn xuất gia nên tìm đến đây!
Khi ấy quân Nhật mới vừa đầu hàng, vùng Đông Bắc chưa có xe cộ lưu thông. Trên đường đi Quả Tá lượm được quả lựu đạn, nên đuổi được bầy sói. Đây là do chư Phật, Bồ Tát gia hộ cho em.
- Xuất gia không dễ đâu, làm việc mà người ta không thể làm, thọ những gì mà người khác không thể thọ. Tiện tay Ngài với lấy cái bánh bao đang cúng trên bàn Phật, nhai rồi nhả xuống đất mà nói: Nếu con có thể lượm bánh lên ăn thì mình sẽ tính sau.
Không chút nhờm gớm bé bốc bánh đó lên ăn liền tức khắc. Qua sự thử thách này, Ngài chánh thức nhận em làm tiểu Sa Di, pháp danh là Quả Tá. Sau khi xuất gia Qủa Tá không còn bệnh ma chướng nữa, chú nỗ lực dụng công tu hành, chưa đầy nửa năm đắc được thiên nhãn thông cùng tha tâm thông. Chú có thể biết được đời quá khứ và đọc được tư tưởng của người nên mọi người đều gọi chú là Tiểu Thần Thông.
Ngày nọ, có người hỏi chú:
- Chú có thần thông, vậy thầy chú có thần thông không?
Nghe hỏi thế chú kiêu ngạo trả lời:
- Tôi cũng không biết Thầy tôi có thần thông hay không nữa?
Ngay lúc ấy thần thông của chú bị biến mất hết. Bệnh ma chướng lúc xưa nay bỗng trở lại vì lời nói hồ đồ của chú. Ngài vì chú mà tận lực cầu xin chư Phật, Bồ Tát gia hộ nên bệnh ma chướng của chú từ từ tiêu mất. Ngài liền tưởng khởi bốn câu kệ:
Tu đạo như leo sào trăm trượng,
Khi xuống thì dễ, trèo lên khó,
Nếu năng vượt qua đầu ngọn sào,
Mười phương thế giới đều hiện tiền.
Vậy chúng ta sao không luôn cảnh giác?
22- Nước ngập Đông Tĩnh.
Có câu “Đạo cao một tấc, Ma cao một trượng” vì chữa bịnh cho Quả Tá, Ngài phải chống chọi với các loài Hải quái trong nhiều tuần lễ đến khi chúng phải rút lui nhưng đứa bé đã không được thần thông trở lại. Bị bại trận bọn thủy quái hết sức tức tối vì mất một quyến thuộc tương lai nên quyết phải báo thù, làm ngập lụt nhiều nơi rất nguy hiểm đến mạng người. Sau này tàu bè đi từ Thiên Tân đến Thượng Hải, cũng mấy lần bị hải yêu tác quái, mỗi lần đều nhờ sự cảm ứng của Bồ Tát Quán Thế Âm, mà tàu bè đến nơi được bình yên. Có hôm Ngài cùng với các đệ tử đi ngang qua Làng Đông Tĩnh trú tại nhà cư sĩ họ Quách; ông là một đệ tử đã Quy y Ngài. Làng này có tên như vậy vì tọa tạc trên vùng đất trũng, bốn bên có tường cao giống như miệng giếng. Ngài vừa đến đây thì đột nhiên trời chuyển mưa to, và một trận lụt tốc cuốn qua làng với sóng nước chảy cuồn cuộn như vỡ bờ. Đồng thời, nước giếng trong thôn cũng vụt chảy ra. Hơn tám trăm căn nhà bị lụt, nhiều người bị nguy khốn, leo lên nóc nhà ở.
Gặp nạn Ngài bảo các đệ tử và mọi người trong nhà họ Quách đều nên tụng Chú Đại Bi. Tuy chung quanh nhà chỉ có một hàng rào cây cao khoảng tám tấc, vậy mà có thể ngăn được nước lũ chảy xiết. Hàng rào thật sự đã bảo vệ cho mấy thầy trò vì chỉ có một ít nước rỉ vào, cộng thêm nước mưa, trong nhà chỉ bị ngập chừng một tấc nước. Đại lực thần Chú Đại Bi thật thông thiên triệt địa. Chỉ một lát sau mưa tạnh nước từ từ rút xuống nhưng không may trận lụt này có hơn mấy mươi người chết, nhiều người thấy quái vật giống như trâu nước bơi lội man dại trong sóng nước.
Có thể là Ngài và các đệ tử đã được chư Phật và Bồ Tát cùng Trời Rồng bảo hộ. Nhưng lần đó không phải là lần chót mà quái vật muốn trả thù Ngài. Ngài lại gặp chúng một lần nữa, như chúng ta thấy trên chuyến tàu từ Thiên Tân đến Hồ Bắc. Thế nên trị bịnh giúp người đôi khi gặp nguy hiểm, vì có thể làm cho ma quỷ nổi giận, oán hờn, thật không phải là chuyện đùa.
Ngài cũng từng nói: Lúc trẻ chuyện gì cũng can dự vào, tu hành đến giai đoạn bị ma chướng thử thách này; mới phân lường được thấp cao.
23- Long Vũ Mao Bồng.
Tại Đồn Đại Nam Câu, Khu Hương Phường, Phố Hợp Nhĩ Tân, có người họ Diêu mọi người đều gọi ông là lão Diêu. Khi chưa quy y Tam Bảo ông là người giang hồ lãng tử, không những hút nha phiến mà còn chích ma túy cờ bạc rượu chè không tật xấu nào mà ông không có.
Khi ấy Nhật Bổn đang thống trị vùng Đông Bắc, thành lập nước Mãn Châu. Triều Thanh bị phế bỏ và vua Tuyên Thống được tôn làm Hoàng đế Mãn Châu, nhưng ông vua này chỉ là bù nhìn, làm tay sai cho Nhật Bổn, mọi việc trong chánh quyền đều bị người Nhật thao túng lạm quyền. Nhật Bổn lại sợ quân Nga xâm lược vào Mãn Châu, nên xây những công sự phòng thủ dọc theo sông Hắc. Khắp nơi họ bắt lao công phục dịch không trả thù lao. Những người bị bắt đi trại lao công rất ưu sầu vì không biết bao giờ mới được trở về đoàn tụ với gia đình nơi quê nhà ấm cúng. Đời sống trong các trại lao công thống khổ không kể xiết, chẳng khác chi địa ngục trần gian. Những người nghe sợ phát run, giống như địa ngục chốn trần gian, khổ không thể nói. Những người nghe biết điều này không ai khỏi rùng mình ớn lạnh.
Ông Diêu vì không nghề nghiệp nên bị quân Nhật coi là một “âdân lang thang” và bị tống đi sống Hắc thuộc vùng biên giới Mãn-Nga làm lao công. Ban ngày làm việc như trâu ngựa, tối
đắp rơm ngủ. Vì không thể chống nổi đêm băng hàn giá buốt, ông thường nghĩ cách thoát thân. Bốn bề doanh trại đều có dây điện cao thế nếu lở chạm phải sẽ bị điện giựt chết. Tuy vậy, ông luôn tìm cơ hội đào tẩu vì không chịu được sự áp bức và ngược đãi vô nhân đạo của những người cầm quyền. Một đêm nọ ông mơ thấy ông nhất định trốn khỏi doanh trại để tìm tự do không kể thân mạng. Vừa định chạy trốn, đột nhiên có một ông Lão tóc bạc phơ tiến đến nói với ông:
- Giờ không phải lúc trốn vì ông chưa thọ hết khổ. Ông hãy nhẫn nhục thêm một thời gian nữa. Khi đúng thời cơ, tôi sẽ báo cho ông biết. Hy vọng ông luôn đề cao cảnh giác chớ bỏ lỡ dịp may.
Nói xong ông Lão liền biến mất. Ông Diêu tin lời ông Lão và trở vào doanh trại.
Khoảng hai tuần sau, ông Diêu lại mơ thấy ông Lão tóc bạc lúc trước nói đến với ông rằng:
- Hôm nay thời cơ trốn trại của ông đến; ngoài cửa có con chó trắng, ông hãy nhớ cho kỹ là phải đi sát theo sau nó đừng bị lạc. Ông sẽ không bị thất bại đâu! Hãy nhớ!
Ông hết sức mừng rỡ và chợt tỉnh. Đi ra ngoài cửa, quả nhiên thấy con chó trắng đang đứng chờ ông. Nghe lời ông lão, ông đi theo sau con chó. Khi đến hàng rào điện, thoáng một cái con chó đã nhảy qua hàng rào, ông thì lấy rơm phủ trên hàng rào rồi cũng nhảy qua bình an vô sự. Ông cảm thấy như được thoát ra miệng cọp. Đến khi quay đầu lại chẳng thấy con chó trắng đâu cả, ông mới biết là đã được quý nhân giúp đở.
Vì sợ quân Nhật đuổi bắt, ban ngày ông trốn trong lùm cây, đói ăn rau dại, khát uống nuớc suối, tối mới dám tiếp tục hành trình. Trải qua nhiều ngày gian khổ như vậy ông mới về đến quê hương. Biến cố này kích động mạnh tâm thức ông ta. Ông giác ngộ rằng đời người thật là khổ nên quyết định xuất gia tu đạo. Nhưng khi đến chùa nào xin xuất gia, ông cũng đều bị từ chối. Khi tới Chùa Tam Duyên, vì thấy ông áo ăn mặc quần rách rưới, dơ bẩn, người trong Chùa tưởng ông là kẻ ăn xin chỉ vì muốn có cơm ăn mà xin xuất gia, nên không nhận ông. Trong lúc Chùa lớn không thâu, Chùa nhỏ không thâu không chứa, ông ta gặp một quái nhân không biết từ đâu đến, hình dạng giống như người ăn mày. Quái nhân tự xưng là một người tu hành chân chánh, biết ba mươi sáu ngôi sao Thiên cương, bảy mươi hai phép pháp thuật, có thể bay trên không, cỡi mây lướt gió, gọi gió kêu mưa, trị được những bịnh nan y, biết pháp cải lão hoàn đồng. Không ai tin lời người lạ, chỉ trừ ông Diêu tin và lạy y làm thầy. Sau đó ông dùng thủ đoạn bất chánh kiếm tiền để phụng dưỡng ông thầy mới. Mãi sau, ông Diêu mới phát hiện ông “Thầy” chỉ là kẻ vô loại chẳng có tài cán chi nên bỏ đi.
Một thời gian sau, lão Diêu biết được Ngài An Từ Độ Luân đang ở tại Đồn Đại Nam Câu (vì việc Cao Đức Phước nguyện chặt tay cúng Phật, cầu cho bệnh mẹ ông sớm bình phục, bài 16 -Y nguyện cứu người -phần thứ 6.) Ông đến trước mặt Ngài quỳ mãi không đứng dậy, cầu xin xuất gia. Lúc ấy Ngài không màng đến ông, hướng vào vách tọa thiền. Khoảng một giờ sau, Ngài xoay đầu lại nhìn thấy ông Diêu vẫn quỳ nơi ấy. Ngài hỏi:
- Ông làm gì vậy?
- Xin Thầy từ bi nhận con làm đệ tử.
- Ông muốn theo tôi xuất gia à? Nhưng tôi thì không có đức hạnh, lại không có công phu gì để dạy ông, tôi chỉ sợ ông sẽ bị thất vọng đó thôi.
- Con chỉ thỉnh cầu Ngài nhận con làm đệ tử là con mãn nguyện lắm rồi, ngoài ra con không cầu xin gì cả.
- Tại gia tu đạo không dễ, xuất gia tu đạo lại khó hơn. Luận ngữ có câu: “Việc lớn chưa rõ, như để tang cha mẹ, việc lớn rõ rồi, lại như để tang cha mẹ.” Xuất gia là việc khổ nhọc, nhẫn những gì người khác không nhẫn nổi, nhường nhịn những gì người khác không nhường nhịn được, ăn những gì người khác không thể ăn, thọ nhận những gì kẻ khác không thể thọ, quên mình vì người, bỏ việc riêng tư mà lo việc công ích. Vậy ông làm được không? Nếu làm được tôi sẽ nhận ông làm đệ tử; nếu không làm được thì đừng theo tôi xuất gia.
Ông Diêu không chút lưỡng lự, liền thưa:
- Bạch Thầy! Tất cả khổ nhọc con đều nhẫn nổi, xuất gia tuy khổ, nhưng con tin rằng không khổ bằng bị bắt đi làm lao công trong doanh trại Nhật. Con tự tin rằng con sẽ chịu đựng được hết.
Ngài liền nói kệ rằng:
Niệm niệm chớ quên sanh tử khổ
Tâm tâm nghĩ tưởng thoát luân hồi
Rời bến mê trở về nguồn cội
Đập vỡ hư không, Phật tánh minh
Nay chính thời mạt pháp
Kẻ xuất gia tuy nhiều
Chân chánh tu hành đếm được bao nhiêu
Theo đường Đạo, vạn người dưới thế
Mấy ai đặng chứng quả độ đời
Nếu ông thành tâm muốn xuất gia
Hãy nên lập chí nguyện sâu xa
Phát tâm Bồ Đề thù thắng
Thấp đuốc sáng trong bão táp
Như lửa hực luyện tinh kim
Ngày sau đạo nghiệp viên thành
Tinh tấn hoằng dương Phật pháp
Đem Phật giáo soi sáng khắp nơi
Mới không cô phụ nguyện xuất gia.
Qua những lời đối đáp, Ngài biết ông có thể thọ nhẫn được khổ cực, nên dẫn về Chùa Tam Duyên, thế phát xuất gia, thọ giới Sa Di, pháp danh Quả Thuấn; Ngài bảo Chú đảm nhận công việc nhà bếp. Chú siêng năng, làm việc cẩn thận, chân chánh dụng công tu hành, mỗi ngày ăn một bữa, ngủ ngồi, trước khi ngủ đều hành thiền và có thể nhập định suốt đêm. Những khi Ngài có điều gì dạy bảo, chỉ cần dùng tâm tưởng là Quả Thuấn đáp ứng ngay. Có lần, Quả Thuấn thấy bên cạnh miếu Long Vương ở Tây Sơn, vùng Đại Nam Câu, có một mãnh đất trống, và được sự đồng ý của Ngài, nên cất am tranh làm đạo tràng tu hành.
Quả Thuấn đến Chùa Tam Duyên thỉnh Ngài đến làm Lễ Khai Quang, cùng An vị Phật trong am, Ngài dẫn Quả Năng, Quả Trực, Quả Tá đến đó làm lễ. Đêm đó có mười vị Long Thần nơi Miếu bên cạnh am đến đảnh lễ Ngài, cầu thỉnh thọ quy y Tam Bảo. Lúc đó vào mùa Hè, trời nắng không mưa, lúa mạ héo vàng, nông dân nương nhờ thời tiết mà sống, nên buồn rầu than van mạng khổ, chỉ biết cầu trời từ bi thương xót ban nước cam lồ! Ngài nói với chúng Rồng:
- Công việc của các vị là làm mưa, tại sao lại để trời khô hạn thế này mà không cho mưa xuống?
- Bạch Ngài! Vì chưa được lệnh của Ngọc Hoàng Đại Đế, nên chúng con không dám phun mưa, nếu không sẽ bị trừng phạt.
- Các vị hãy lên Bảo điện Lăng Tiêu của Ngọc Hoàng Đại Đế, thỉnh Đại Đế từ bi, cho mưa trong phạm vi bốn mươi dặm. Nếu ngày mai phun mưa thì ngày mốt các vị sẽ được Quy y.
Quả nhiên hôm sau trời đổ mưa đúng trong vòng bốn mươi dặm, nhờ vậy lúa mạ như được
nước cam lộ thấm nhuận nên sinh sôi nẩy nở, đến mùa Thu ngủ cốc được thâu hoạch nhiều hơn năm trước. Ngày thứ ba, chư Thần Rồng đến trước chánh điện nơi am tranh, thọ tam Quy y. Để kỷ niệm việc này, Ngài đặt tên cho Am là Long Vũ Mao Phụng tức Am Rồng vâng lệnh phun mưa và treo tấm biển này trước am để kỷ niệm.
Quả Thuấn vào trú trong am chẳng bao lâu, có hai vị cư sĩ đồng thôn của họ Lưu và Dương An Tử đến ở cùng, cả hai đều là Phật tử thuần thành. Dạo ấy mỗi ngày họ đều cùng Quả Thuấn tụng kinh công phu khuya chiều tinh cần trì Chú Đại Bi. Chẳng bao lâu, Lưu cư sĩ xuất gia, còn Dương An Tử thì tòng quân, tham gia đội Bát Lộ Quân.
Trong hai năm đầu gia nhập quân đội, Dương An Tử thường xuyên thư từ về nhà, đến mùa thu năm Dân Quốc thứ ba mươi bảy (1948), đột nhiên dứt bặt tin tức, đợi cả sáu, bảy tháng sau vào một hôm nọ Quả Thuấn đang ở trong am tụng trì Chú Đại Bi, ngay lúc đó bên cạnh có Cha Cao Đức Phúc là Cao Vạn Phong; đột nhiên Dương An Tử trở về, gọi ở ngoài cửa.
Quả Thuấn nghe tiếng kêu vội ra mở cửa, Dương An Tử vừa vào đến cửa, phóng thẳng vào nhà trong, đến ngay lò lửa nằm xuống rồi nói:
- Tôi đi Hàn Quốc đánh giặc bị thương nặng, giờ đây tôi rất ư mỏi mệt, nên về đây nằm. Quả Thuấn vẫn điềm nhiên tiếp tục trì Chú Đại Bi. Nào ngờ trong giây phút ấy, Dương An Tử đột nhiên biến thành con hồ ly, khoảng trong chốt lát hình dáng con Hồ Ly biến mất.
Thật ra nguyên do của chuyện này ra sao?
Dương An Tử sớm đã vong thân trên chiến trường, hoặc giả não bộ của ông đã bị con hồ ly ăn, nhân đó nó hóa thành hình dáng của ông, cốt đến đây phá hoại sự tu hành của Quả Thuấn. Cũng may là ngay trong lúc ấy Quả Thuấn đang trì tụng Chú Đại Bi, cộng thêm công đức tu hành hằng ngày của Quả Thuấn, nên yêu quái dã thú hồ ly khinh sự rồi lẫn trốn.
Sự kiện này phát sanh chẳng bao lâu, Quả Thuấn cảm thấy đương thời Phật-giáo trong cảnh suy vi, Tăng chúng bị áp bức tra tấn, tượng Phật bị hủy hoại, kinh sánh bị đốt cháy nên Quả Thuấn phát nguyện thiêu thân cúng dường Phật.
Dân Quốc năm thứ ba mươi ba, ngày 15 tháng 7 năm 1944, Quả Thuấn đã phát đại nguyện xin thiêu thân cúng dường Phật. Lúc đó Ngài dẫn số đệ tử đến trước Phật đài thấp hương xin phát nguyện rằng, nếu con sống đến trăm tuổi, nguyện xin thiêu thân cúng dường Phật. Quả Thuấn noi gương Ngài cũng trước Phật đài phát nguyện rằng, chỉ cần thời cơ thích hợp nguyện sẽ thiêu thân cúng dường Phật, như Dược Vương Bồ Tát mà không đợi đến trăm tuổi.
Đến năm Dân Quốc thứ ba mươi tám, ngày 18 tháng 4 năm 1949 là ngày Quả Thuấn thiêu thân, Thầy tự trang bị trăm cân củi và ba cân rưỡi dầu đậu, ngồi kiết già trên đồng củi, châm lửa tự thiêu, thân hóa thành tro. Ngày sau, người trong thôn phát hiện Am Rồng Phun Mưa đã cháy bởi trận lửa lớn, luống khói vẫn còn nghi ngút. Khi đến quan sát, mới hay rằng Thầy thiêu thân cúng dường Phật. Tuy thân thể của Thầy đã thành tro, nhưng trái tim vẫn còn nguyên vẹn, không bị lửa cháy, mọi người đều rơi lệ thương tiếc khôn nguôi, họ đem cốt và trái tim của Thầy mai táng tại nơi đó.
Cái chết của Dương An Tử và việc Thầy Quả Thuấn tự thiêu, do cư sĩ Cao Phúc Đức viết thư cho hay, Nhật báo Hoa Kiều tại Hương Cảng cũng có đăng toàn bộ tin tức vào Ngày 22 tháng 9 năm 1949. Lá thư kể về chuyện họ Dương được một ký giả Nhật báo Hoa Kiều họ Mao lưu giữ.
24- Minh bạch nhân trước.
Lúc còn làm việc trong hội Đạo Đức ở Trấn Lạp Lâm, Ngài có một người bạn thân vừa đồng hương vừa đồng đạo tên Hàn Võng Cát, nhậm chức Tổng vụ trưởng Hội Đạo Đức ở Huyện
Song Thành. Ông luôn làm việc thiện, xả thí gia sản không lẫn tiếc, chỉ cần việc gì mà có ích lợi cho người thì ông đều dốc lòng làm. Sau khi Ngài xuất gia, thì HànVõng Cát vẫn nỗ lực tu hành và khai mắt trí huệ thấy rõ lý nhân quả; biết được là ông cùng Ngài có duyên thầy trò trong tiền kiếp nên thỉnh cầu Quy y và làm môn đệ của Ngài, thật không lầm nhân đời trước, nhưng Ngài không đáp ứng. Chẳng bao lâu ông lại lần nữa cầu xin làm đệ tử, Ngài cũng không trả lời. Lần thứ ba tại nhà lão cư sĩ Hạ Tôn Tường, ông quỳ mãi không chịu đứng dậy, cầu khẩn Ngài nhận ông làm đệ tử, Ngài thấy ông thành tâm khẩn thiết nên nói:
- Ông Quy y tôi, trước tiên chúng ta phải xóa bỏ tình bè bạn thuở xưa, mới không đi ngược lại giới luật Phật chế, trong mọi hành vi ông phải y theo giáo pháp phụng hành, giúp tôi hoằng dương chánh pháp.
Ông Hàn liền đảnh lễ Ngài thọ giới Quy y. Từ đó, ông giúp Ngài hoằng dương Phật Pháp khắp bốn phương, là cánh tay phải đắc lực của Ngài.
25- Ma nữ Như Ý.
Tại Làng Sương Bách Kỳ, Huyện Song Thành, có Lão cư sĩ Hạ Tôn Tường tánh tình hiền hòa đức độ được dân làng tôn kính; mùa Xuân ngày 25 tháng 2 năm 1945 Ngài làm Lễ Quy y cho bảy mươi hai người tại nhà ông, đồng thời cũng dạy họ phương pháp trì Chú Đại Bi và rằng : Nếu các vị gặp cảnh nguy nan chỉ cần chuyên tâm thành ý niệm thì nhất định sẽ được cảm ứng. Ngay hôm sau nhân vì Phật sự Ngài phải rời khỏi đây để tới Huyện Song Thành. Vào mồng 9 tháng 3, có một bà Lão ngồi trước nghĩa trang của làng thúc thít khóc. Trong làng có Hạ Phu nhân thấy thế liền đến an ủi:
- Bà ơi! Thôi đừng khóc nữa!
Bà vẫn không nghe, cứ khóc mãi, Bà lão này mặc chiếc áo vải màu xanh lam, quần vàng, chân mang đôi giày màu vàng, trong tay cầm chiếc nón đen, tóc đánh thành hai bính. Bà khóc một hồi rồi nín, sau đó đến trước cổng làng, ngồi ngay giữa con đường lớn; Khi ấy Hạ Tôn Tường đang đánh xe ngựa trở về làng, ngựa thấy trên đường có người, nên kinh hãi rống to vang lộng tứ phía, thừa dịp này bà Lão lẻn vào làng.
Dân làng thấy Bà tướng mạo quái dị với cách ăn mặc lạ thường nên tò mò xúm quanh hỏi chuyện:
- Bà tên gì? Nhà ở đâu?
Bà đều trả lời rằng: Không biết. Lát sau Bà đứng dậy tập tễnh đi về phía trước, dân làng vì hiếu kỳ, nên đi theo. Khi đến phía sau nhà Hạ Văn Sơn, bà đột nhiên liệng nón vào trong vách tường cao chín thước, rồi nhảy vụt qua tường. Mọi người thấy tận mắt đều sửng sốt và kinh hãi. Vào tới nhà Bà định lên giường nằm, nhưng vợ của Hạ Văn Sơn ngăn lại, hỏi rằng:
- Bà định làm gì vậy?
Bà lão không trả lời. Bà Hạ và đứa con gái là đệ tử Quy y Ngài, nhớ lại lời dạy của Ngài về sự diệu dụng không thể nghĩ bàn thần Chú Đại Bi nên hai mẹ con đồng thanh niệm, Bà lão nghe niệm Chú Đại Bi bỗng ngã lăn trên giường giống như xác chết Dân làng chứng kiến mọi sự liền báo cho cảnh sát, nhân viên cảnh sát đến khiêng bà đi về bót tra hỏi:
- Bà từ đâu đến?
- Tôi là thây chết không biết việc đời.
Dân làng nghe thế đều run sợ nên yêu cầu Bà lão hãy rời khỏi làng, nhưng bà không nghe,
cuối cùng rồi Bà chịu rời. Sau khi Bà đi khỏi thì cô gái họ Hạ đột nhiên phát bệnh quái dị, đầu nhức kịch liệt, thần trí hôn mê, không ăn không ngủ, không nói năng, cả nhà đều lo lắng cuống cuồng. Đến ngày 22 tháng 3, Ngài rời Huyện Song Thành đi đến làng ấy và trú tại nha
Ông Hạ Tôn Tường. Vợ Hạ Văn Sơn nghe tin liền chạy đến cầu cứu. Ngài bảo:
- Tôi không biết trị bệnh nhưng Hàn Võng Cát biết xem nhân quả.
Lúc bấy giờ Hàn Võng Cát cũng có mặt, ông đang tọa thiền. Ngài bèn nhờ ông quán xét nhân duyên sanh bệnh của cô gái.
Hồi lâu Hàn Võng Cát bạch:
- Bạch Thầy, không thể giúp họ được, vì nếu nhúng tay vào sẽ nguy hiểm đến tánh mạng của mình. Cô ấy đã bị Quỷ Cái Như Ý nhập vào. Quỷ này tu luyện lâu năm nên tà thuật và ma lực rất thâm hậu, e rằng Thầy không đủ bản lãnh để hàng phục nó.
- Vậy bệnh tình của cô ta như thế nào?
- Bạch Thầy! Nhất định sẽ chết!
- Cô ta đã Quy y Tam Bảo, Ta không đành lòng nhắm mắt làm ngơ để cô ấy bị ma nữ hại chết. Ta phải cứu cô ta, dầu có chết ta cũng vui lòng vì không những cứu người mà còn cứu ma nữa. Nếu không sau này lại sẽ có người bị ma hại nữa. Vậy ông hãy theo ta xem sự việc này ra sao?
Ngài cùng Hàn Võng Cát đến nhà họ Hạ và biết chắc rằng tà không thể thắng chánh. Quả nhiên phép tà của Ma nữ không thể thắng được Chánh Pháp, Ma nữ muốn chạy trốn mà không được, nên quỳ xuống cầu Ngài tha thứ. Ngài thuyết pháp Tứ Thánh Đế, Mười Hai Nhân Duyên cho Ma nữ nghe. Nghe xong Ma nữ liền giải ngộ, nguyện bỏ tà quy chánh, cầu Ngài truyền Tam Quy, phát nguyện hộ trì Tam Bảo. Ngài bảo Ma nữ hãy qua Tỉnh Cát Lâm, Huyện Giao Hà, núi Lỗi Pháp, Động Linh Long mà tu hành, cùng ban pháp hiệu là “Kim Cang Như Ý Nữ.”ï
Ma nữ đi rồi thì bệnh nhân được bình phục ngay. Bao ngày qua dân làng mục kích những cảnh trạng như thế nên càng tin sâu Phật pháp. Sau đó đã có hơn trăm người cầu xin Quy y phát tâm thọ trì Chú Đại Bi.
26- Cảm ứng đạo giao.
Trong Làng Tam Tánh, Huyện Song Thành có Dương Thiếu Anh, con thứ ba của Dương Dục Côn một tướng quốc đời Mãn Châu, đang đóng quân tại Tỉnh Tam Giang (nay là Tỉnh Hợp Giang.)
Năm Dân Quốc thứ ba mươi mốt, Dương Thiếu Anh cùng mẹ và em gái đồng trú trong doanh trại. Cô em tên Thục Lan chưa lập gia thất, Dương Thiếu Anh rất nôn nóng tìm đối tượng cho em, không lâu thì đính hôn cô cho bạn đồng sự là Bạch Giáo Quản. Trong ngày hôn lễ, Dương Thục Lan đột nhiên bị bệnh liệt giường hôn mê bất tỉnh cả mấy ngày, người nhà đành chịu bó tay. Ngày nọ Dương Thục Lan chợt tỉnh lại, nói với mẹ:
- Mẹ ơi! Ngài Quán Âm mặc áo trắng đang đến kìa, mau đi đốt nhang đi mẹ!
Nói xong, cô liền đứng dậy lễ lạy. Mẹ cô thấy cô dường như đang nói chuyện với ai, rồi chập sau vẫy tay ra dạng như đang tiển biệt một vị khách quý. Sau đó, cô xoay đầu lại nói với mẹ:
- Bồ Tát Quán Âm vừa bảo con rằng; Nếu con không kết hôn mà xuất gia tu hành thì con sẽ khỏi bệnh, con đã vâng chịu rồi. Vả lại Ngài cũng đồng ý cho con xuất gia sau khi cha mẹ đã qua đời. Tiếp đó cô nói:
- Ngày mai sẽ có vị Sư đến trị bệnh cho con.
Ngày thứ hai Dương Thục Anh nghe có ba tiếng khánh kêu trên bàn Phật. Ngay lúc đó lại thấy có một vị Tăng bước vào nhà. Vị Tăng này mặc một chiếc Tăng y rách nát, đầu đội nón vải, đi chân không, tay cầm cây phất trần và quất lên thân cô. Cứ thế mỗi ngày vị Tăng ấy đến ba lần trong chín ngày liên tiếp. Sau cùng vị Tăng đó hỏi cô:
- Cô có thật tâm, thật ý muốn xuất gia tu đạo không?
- Sau khi hết bịnh con quyết định sẽ xuất gia tu hành.
Vị Tăng bèn cho cô một viên thuốc. Cô ta uống và quả nhiên hết bệnh.
Trong khi Thục Lan đau nặng, bà mẹ liền đánh điện tín về nhà báo cho cha cô hay nên ông vội đến thăm; nhưng đến lúc ấy bệnh cô đã thuyên giảm rất nhiều nên khi nghe vợ thuật lại những việc đã xảy ra, cha cô phẩn nộ nói:
- Vì do hỏa khí trong người nó quá nóng nên mới mê sảng như thế, chớ làm gì có chuyện một người bình thường có thể thấy được Bồ Tát Quán Âm?
Nói xong ông còn trách mẹ cô sao quá mê tín như vậy. Dương Thục Anh nghe cha nói thế đâm nghi ngờ giấc mộng xưa. Cô vốn sự cương quyết xuất gia nay bị dao động, không lâu sau cô theo cha mẹ trở về làng Tam Tánh. Đêm nọ cô lại mơ thấy BồTát Di Lặc bảo: “Thọ mạng của cha con chỉ còn có bảy ngày thôi! Con hãy niệm Phật để tiêu giảm tội nghiệp cho cha.”
Sáng hôm sau, cô thuật lại giấc mộng đêm qua cho cha nghe, không những ông không tin mà lại còn mắng cho cô một trận. Vì thế cô cứ nơm nốp lo sợ không yên. Đến ngày thứ sáu, khi người cha chuẩn bị ra Huyện Song Thành mua chút vật dùng, Cô một mực ngăn cản ông đừng nên ra khỏi nhà, nhưng ông kiên quyết không nghe vẫn cố chấp ra ngoài.
Sau khi mua bóng đèn và các vật cần thiết, ông ra bến xe Song Thành để trở về. Vừa qua trạm xét vé, ông chợt xây xẩm mặt mày, té lăn hôn mê bất tỉnh. Nhân viên trạm kiểm soát liền sai người cấp tốc đến nhà ông thông báo. Người nhà đến khiêng ông về và ông đã từ trần đúng vào ngày thứ bảy như trong giấc mơ của con ông.
Người con trai thứ hai của ông là Dương Thế Siêu, cũng không tin bất cứ lời gì của em mình nói. Người này không những ngăn cản không cho em gái xuất gia, mà thường hay phỉ báng Tam Bảo. Đêm nọ anh ta mộng thấy Bồ Tát bảo anh ta rằng:
- Trong vòng một tháng ông sẽ chết.
Anh ta tỉnh dậy biết đây là giấc mộng kỳ dị nhưng tâm anh ta vẫn không chút ăn năn hối cải. Quả nhiên đúng một tháng sau, ngày 13 Tháng 5 năm Dân Quốc thứ ba mươi bốn, anh tạ thế.
Đến ngày 25 tháng 12 có dịp Ngài bèn ghé đến nhà họ Dương, khi thấy Ngài bước vào cửa, cô Dương Thục Anh liền nói với mẹ:
- Vị Tăng trị bệnh cho con ở Tỉnh Tam Giang chính là vị này đây, hôm nay Ngài lại đến.
Cô liền chạy ra nghinh tiếp và cung kính đảnh lễ Ngài.
Ngài hỏi:
- Con vẫn còn nhận ra ta à?
- Bạch Thầy, vâng ạ!
- Con có còn muốn xuất gia nữa không?
- Bạch Thầy! Xưa kia vì trong lúc bệnh hoạn, tâm trí con ngu muội, lại không có chứng thể, nên tâm sanh nghi hoặc. Nay con biết được rằng tất cả mọi việc đúng thật, đương nhiên con vẫn muốn xuất gia.
Từ đó cô ăn chay niệm Phật, chân thành khẩn thiết tu hành. Cô xin Quy y Tam Bảo rồi sau đó khuyến hóa thuyết phục được ba người anh và các bà con quyến thuộc đồng Quy y Ngài.
27- Cầu con được mãn nguyện.
Phan Tế Thời là người giàu có ở Huyện Song Thành, hai vợ chồng đã ngoài bốn mươi mà vẫn chưa có mụn con nối nghiệp nên rất buồn rầu. Vì ngưỡng mộ đức hạnh của Ngài nên họ
tìm đến Quy y và chuyên cần học Phật pháp với Ngài. Ông bà thường cầu nguyện trước Bồ Tát Quán Thế Âm gia bị cho họ có một đứa con để nối dõi. Ông Phan cũng thành tâm khẩn thiết cầu Ngài dìu dắt, Ngài bảo:
- Ông phải nên làm nhiều việc lành, ông có thể bố thí phân nửa gia tài của ông không? Nếu làm được như thế ông sẽ tích tụ được nhiều công đức. Khi nhân duyên thành thục, tôi tin chắc rằng ông sẽ được mãn nguyện.
Nghe Ngài nói thế ông liền y lời, đem tiền của ra tu sửa chùa chiền, tạo tượng Phật, cúng dường Tam Bảo, bố thí vật thực cho các hội từ thiện, giúp người nghèo khổ không nơi nương tựa. Một năm sau quả nhiên vợ ông sanh được một bé trai, đặt tên Thí Đức. Đứa bé chóng lớn, thiên tánh thông minh lanh lợi. Sau khi sanh được con trai, ông lại càng tin tưởng Phật Pháp, ngày ngày tụng kinh niệm Phật chuyên cần tu hành thiện pháp.
28- Thấu suốt nhân quả.
a) Sám hối giải nghiệp.
Theo lời dạy của Lão Hòa Thượng Thường Nhân, Ngài trở về Chùa Tam Duyên giúp đỡ tăng chúng xây cất Tự viện. Tất cả vật liệu như cây cối, ngói gạch đều phải chuyên chở bằng xe, nhưng nhằm vào mùa thu hoạch, nên Chùa không thể mướn xe được. Ngài đích thân lặn lội tìm đến nhà ông Trưởng khu Lưu Trung Cần mượn xe, tiếc thay ông Lưu từ chối rằng:
- Bạch Thầy đây là việc thiện con muốn làm lắm, nhưng ngặt vì lúc này đúng vào mùa gặt lúa, nên con không có cách chi giúp Thầy!
Khi ấy người em dâu của ông từ trong phòng bước ra thấy Ngài, bà liền cầu Ngài cứu vớt con bà, thằng bé đang bệnh nặng sắp chết.
Sau một hồi quán sát Ngài nói:
- Bà có biết vì sao con bà sắp bị chết không?
- Dạ con không biết.
- Vì bà không hiếu thảo với cha mẹ chồng, nếu bà tin lời tôi mà đến trước cha mẹ chồng quỳ lạy sám hối tội lỗi, thì mới mong cứu vãn tánh mạng đứa nhỏ.
Vì thương con nên bà đã làm y theo lời dạy, nhưng bệnh tình con bà vẫn không thuyên giảm. Ngài bảo rằng hãy đem đứa bé đến, khi bà mang con đến, Ngài vỗ trên đầu đứa bé ba lần và đứa bé bắt đầu khóc. Bệnh của bé cũng tự nhiên phục hồi. Ông Lưu chính mắt thấy rõ sự tình lòng rất thán phục nên chủ động chiêu tập tất cả xe cộ lớn nhỏ trong toàn khu để chở vật liệu xây cất cho Chùa luôn mấy ngày liền. Sau đó bất luận Ngài đi đâu cũng có người tranh nhau cho mượn xe chở. Chỉ trong vòng một tháng người ta đã cho mượn đến tám trăm chiếc xe.
b) Tiên đoán.
Chuyện Ngài cứu sống em bé truyền ra rất mau nên Lý Thanh Sơn ở thôn Dương Gia Điềm, có một người em bị bệnh nặng bèn đến cầu Ngài cứu giúp. Ngài đáp ứng, cùng theo về nhà ông; khi vừa vào đến cửa, Ngài liền nói với Lý Thanh Sơn:
- Ám khí trong nhà ông quá nặng, tôi không đủ khả năng để cứu giải. Vài ngày tới đây e rằng trong nhà ông sẽ xảy ra chuyện không may.
Qua bảy ngày sau, quả nhiên Lý Thanh Sơn vì bực tức người em mà tự tử. Chẳng bao lâu, người em của ông và người cháu gái cũng bị bệnh mà chết.
c) Tiền căn.
Cùng Thôn Dương Gia Điềm có em Vương Thân mười hai tuổi bị bệnh lao đã ho ra máu và còn bị đau bụng. Cha mẹ em tìm đến Ngài xin cứu sống con mình.
Sau khi xem đứa bé, Ngài bèn hỏi ông Vương một câu hỏi lạ lùng:
- Ông có muốn cho con ông sống không? Tôi không thể cứu con ông được, chính ông phải cứu nó.
- Tôi muốn nó sống nhưng làm cách nào mà tôi có thể cứu nó? Tôi không biết phải làm sao đây?
- Đây là phương pháp: nếu ông muốn con ông sống thì ông phải cho nó xuất gia, quy y cửa Phật. Nếu nó xuất gia, nó sẽ sống bằng không nó sẽ chết. Hai đường phải lựa một và chẳng có cách nào khác.
Cha mẹ em liền đồng ý. Chẳng bao lâu sau, em hết bệnh hẳn. Thấy con mình mạnh khỏe trở lại, hai vợ chồng hối tiếc và không cho em đi tu, mặc dầu Ngài viết thơ ba lần khuyên họ phải giữ lời hứa. Trong lá thơ cuối cùng Ngài cảnh tỉnh họ: Nếu ông bà không tức khắc cho con mình xuất gia tu đạo thì e rằng bệnh tình của em sẽ bộc phát trở lại, khi ấy khó mà trị được. Cha mẹ em vẫn không quan tâm đến lời nhắc nhở trong thơ.
Qua hơn một năm sau bệnh của em bỗng tái phát, cha mẹ em lo lắng, chạy chữa biết bao bác sĩ, thuốc men nhưng đều vô phương cứu chữa, mấy ngày sau em qua đời.
Dù hai ông bà có khóc lóc thảm thiết thế nào đi nữa, đứa bé cũng không sống lại. Cả hai người lại khẩn cầu Ngài cứu sống cho đứa con họ một lần nữa, nhưng Ngài nói:
- Cái phương pháp làm cho nó sống là của ông bà. Tôi đã cho ông bà cái phương pháp ấy. Chính ông bà đã không dùng, tôi không không thể làm gì khác hơn.
Cha mẹ em Vương Thân thật tâm hối hận vì trước kia đã không tin lời của Ngài.
Tại sao Ngài dạy đứa trẻ xuất gia? Vì nó có cái đức tướng của một người xuất gia, và trong các kiếp trước, nó đã phát nguyện sẽ xuất gia trong mỗi kiếp sống.
29- Tham phương hành cước.
Sau khi Nhật Bổn đầu hàng, sự giao thông giữa vùng Đông Bắc và nội địa Đại lục được dễ dàng, nên Ngài đến Quảng Đông đảnh lễ Hòa Thượng Hư Vân, vị Hòa Thượng mà Ngài đã ngưỡng mộ từ lâu. Đến mùa thu năm 1946 từ Chùa Tam Duyên tại Hợp Nhĩ Tân, Ngài cất bước đi tham bái vị đại thiện trí thức, không quản đường xá xa xôi vạn dặm. Khi đến Chùa Bát Nhã ở Trường Xuân, hai đệ tử của Ngài là Quả Năng và Quả Thuấn ở lại nơi đó thọ giới Tỳ-kheo, còn Ngài một mình tiếp tục trên cuộc hành trình mà thẳng bước về phương Nam, Ngài chỉ mặc một bộ y phục, ngoài ra không có hành trang chi, tiền thì chỉ đủ chi tiêu vào vé tàu. Khi đến Thiên Tân, Ngài tạm trú tại Viện Đại Bi. Nơi đây có Lão Hòa thượng Đàm Hư, đang giảng Kinh Lăng Nghiêm và Lão Hòa Thượng Định Tây (Như Quang) thì từ Viện Đại Bi trở lại Đông Bắc.
Hoàn mãn các thời kinh này, Ngài cùng với Lão Pháp sư Thể Kính và mười ba vị Tăng khác đáp tàu đi Thượng Hải. Khi thuyền đi ngang qua Hoàng Hải, bỗng nhiên một cơn bão lớn thổi đến; những đợt sóng vĩ đại đánh vào làm thuyền chao động không thể tiến tới mà cơ hồ như sắp lật úp. Mưa bão và sóng bể kéo dài mười mấy ngày làm cho thức ăn, nước uống trên thuyền đều cạn. Tám phần mười người trên thuyền đều bị say sóng ngất xỉu kể cả Ngài. Ngài nôn tất cả thức ăn và mửa ra cả mật xanh mật vàng. Ai ai cũng đều hoảng hốt lo sợ và nghĩ rằng: Chắc không thoát khỏi cơn hoạn nạn này.
Dưới đây Ngài làm bài “Kệ Nôn Mửa” (Ẩu Thổ Tụng) để tường thuật lại cảnh hiểm nạn lúc bấy giờ. Xem đây cũng sẽ rõ được lòng từ cảm ứng của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Kết bạn nam hành thập tứ tăng
Hồ tử trưởng lão, Sa di thanh
Bích hải tiếp thiên thiên vạn lý
Hắc ba trục lãng lãng thiên trùng
Pháp hàng yêu tà chu vị phúc
Luân phụng thánh trợ ẩu phương ninh
Hỉ chỉ Hỗ Hãi trừ cơ khát
Võ Xương Chánh Giác bảo loa minh.
Tạm dịch:
Kết bạn nam hành mười bốn Tăng
Trưởng lão râu dài, Sa di trẻ
Biển trời xanh biếc tiếp vạn dặm
Sóng đen lớp lớp lắm thiên trùng
Đối pháp hàng tà thuyền không ngã
Ân triêm thánh đức ói mửa ta
Mừng đến Hỗ Hải trừ đói khát
Võ Xương Chánh Giác bảo âm vang.
Kết bạn nam hành mười bốn Tăng nghĩa là: Trên thuyền đi từ Thiên Tân đến Thượng Hải có mười bốn vị Tăng gồm mười vị Tỳ kheo và bốn Sa di.
Trưởng lão râu dài Sa di trẻ: Ngài là một trong bốn Sa di trẻ trên tàu. Trưởng lão râu dài tức Lão Pháp sư Thể Kính, Trưởng chúng của nhóm này, ra lệnh cho chư Tăng phải nộp tất cả tiền bạc cho Sư trước khi lên tàu. Sư bảo:
- Không ai được giữ tiền riêng.
Biển trời xanh biếc tiếp vạn dặm: Khi ấy biển trời đồng một màu xanh, nhìn xa không bờ mé, chỉ có thuyền lướt trên sóng gió thôi.
Sóng đen lớp lớp lắm thiên trùng: Đột nhiên, sóng nước biến thành màu đen, sóng nổi cuồn cuộn cao năm, sáu thước. Theo bình thường cuộc hành trình từ Thiên Tân đến Thượng Hải mất khoảng một tuần lễ, nhưng lần này đi phải mất hai tuần vì nạn phong cuồng bão táp này.
Đối pháp hàng tà, thuyền không ngã: Trước kia vì phải cứu bệnh cho Quả Tá và loài Thủy quái bị động nên mới oán ghét Ngài. Xưa kia ở làng Đông Tĩnh chúng muốn trả thù Ngài và đã muốn Ngài cùng cả dân làng đều bị chết trong cơn lụt. Nào ngờ nay chúng muốn lật úp chiếc tàu và nhận chìm Ngài để báo thù. Ngài đã bị say sóng mửa ra mật xanh, mật vàng, mất hết sức lực và gần như sắp chết, nhưng Ngài vẫn âm thầm không ngừng niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm, cầu nguyện Bồ Tát cứu giúp: “Nếu con sống mà không lợi ích chi cho chúng sanh thì con nguyện tiếp thọ tất cả.” Trong cơn bão tố thuyền lung lay thế nào cũng không lật được.
Ân triêm Thánh đức ói mửa tan: Bồ Tát Quán Âm thật đại từ, đại bi, đáp ứng sự thành khẩn vô bờ của Ngài, cơn bão đã ngưng, Ngài và mọi người trên thuyền được bình an vô sự.
Mừng đến Hỗ Hải trừ đói khát: Khi thuyền vừa cập bến, Lão Pháp Sư Thể Kính bảo mua mì về cùng ăn. Lúc mọi người đã ăn no rồi còn dư lại chút ít, họ định đổ xuống biển. Thầy trai soạn liền hỏi Ngài có muốn ăn không? Ngài tuy không ăn quá Ngọ nhưng lại nghĩ: Đã hơn mười mấy ngày trời trên thuyền không có đủ để ăn, nay họ có ý đổ thức ăn xuống biển, chắc sẽ gieo thêm nghiệp dữ. Nghĩ thế mà Ngài bưng uống luôn hai tô canh mì. Vị thầy kia thấy thế liền vội báo với lão Hòa Thượng: Ông Thầy nó đó nói là không ăn quá Ngọ, thế mà ổng lại trộm ăn vụng đó.
Ngài bị Lão Hòa Thượng la mắng thậm tệ nhưng không hề biện giải.
Võ Xương, Chánh Giác bảo âm vang: Từ Thượng Hải Ngài đến tỉnh Võ Xương, Hồ Bắc và tạm trú tại chùa Chánh Giác, ngày đêm mặc bộ y phục củ trăm miếng vá, ngồi thiền ở cạnh cánh cửa ra vào chánh điện, lúc bấy giờ Ngài phụ trách hương đăng khi rảnh việc thì dụng công tu thiền. Chánh điện nơi đây thường tỏa mùi hương lạ. Tất cả công việc trong chùa Ngài đều từng đảm trách như: nấu ăn, gánh nước, lau nhà, quét dọn nhà vệ sinh...
Năm 1947 Ngài đến Đạo tràng của Bồ Tát Quán Thế Âm ở núi Phổ Đà thọ Cụ-túc giới. Sau khi thọ giới xong Ngài đi về miền Tây và tu tại Chùa Linh Nham Sơn gần Tô Châu. Nơi đây Ngài tham dự các lớp thuyết giảng và nghiên cứu kinh điển. Mùa Thu năm ấy Ngài tới núi Không Thanh tham gia mười tuần thiền thất. Ngài đã gặp Lão Hòa Thượng Liễu Thừa và Hòa Thượng Minh Quán trong khóa thiền này. Lão Hòa Thượng Liễu Thừa là Phương Trượng của Không Thanh Sơn Tự. Trong thiền đường duy chỉ có Lão Hòa Thượng Minh Quán và Ngài đã miên mật thiền quán suốt bảy mươi ngày không hề nằm nghỉ.
Sau đó vào một đêm Ngài từ Long Đàm trở về Chùa Không Thanh bỗng có một đàn sói ngoan ngoãn đi theo, chẳng những chúng không hề tấn công Ngài mà còn tỏ vẻ quy phục nữa, thấy thế Ngài liền Quy y cho chúng. Vì vậy trong số đệ tử của Ngài, nay lại được thêm hai mươi mấy chú sói nữa. (còn tiếp)