Chùa Kim Quang giới thiệu |
|
|
SƠ LƯỢC TIỂU SỬ
HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỘ
Đệ Ngũ Tăng Thống
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
(1928 - 2020)
1. Thân Thế:
Hòa thượng Thích Quảng Độ, thế danh Đặng Phúc Tuệ, sinh ngày 27 tháng 11 năm 1928, nhằm 16 tháng 10 năm Mậu Thìn, tại xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình làm nghề nông, theo Nho học và đời đời kính tin Phật Pháp. Thân phụ Ngài là cụ ông Đặng Phúc Thiều, tự Minh Viễn. Thân mẫu là cụ bà Đào Thị Huân, Pháp danh Diệu Hương, hiệu Đàm Tĩnh. Hòa Thượng có ba anh em trai, người anh cả là Đặng Phúc Trinh, anh thứ là Đặng Phúc Quang và Ngài là con út.
2. Xuất gia tu học:
Năm 1934, Ngài theo học trường làng, đến năm 1942 xuất gia với Hòa thượng Thích Đức Hải, Trụ trì chùa Linh Quang, thôn Thanh Sam, xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, được ban cho pháp danh Quảng Độ, sau đó được Bổn Sư gởi đến tu học tại Phật học viện Quán Sứ Hà Nội.
Năm 1944 Ngài thọ giới Sa di và năm 1947, đăng đàn thọ Cụ túc giới.
Năm 1952, Tổng hội Phật giáo Việt Nam được thành lập tại Bắc Việt do Hòa Thượng Thích Trí Hải:Tri Sự Trưởng, HT Thích Tâm Châu:Tri Sự Phó, HT Thích Tố Liên: Tổng Thư Ký. Tổng Hội này cử HT Quảng Độ đi du học ở Tích Lan, theo học tại Phật học viện Kelaniya Pirivena.
Tiếp đó, Ngài rời Tích Lan sang Ấn Độ du học cùng thời 1952-1953 với quý Ngài Thích Minh Châu,Thích Quảng Liên,Thích Trí Không và Thích Huyền Dung, trong lúc các vị Thích Tâm Giác, Thích Thanh Kiểm, Thích Thiên Ân và Thích Quảng Minh thì được cử sang Nhật du học cũng vào khoảng thời gian này. Trong thời gian du học Ấn Độ, HT Quảng Độ có dịp đi chiêm bái các Phật tích và di tích Phật giáo tại Nepal, Bhutan, Tây Tạng…
3. Thời kỳ hành đạo:
Năm 1958, Ngài trở về Sài Gòn, chuyên dạy học và dịch Kinh sách. Biến cố 1963, Ngài tham gia Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo trong ban Thông tin Báo chí. Trong chiến dịch Nước Lũ đêm 20 tháng 8 năm 1963, Ngài bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt cùng hơn 2,000 Tăng Ni, Phật tử trên toàn quốc, nhất là tại Sài Gòn và Huế.
Sau cuộc đảo chánh của giới quân nhân ngày 01/11/1963 Ngài được thả về cùng toàn bộ chư Tăng Ni, Phật tử. Trong thời gian bị giam cầm, vì không chịu khai báo nên bị tra tấn dữ dội. Ngài và cư sĩ Cao Hữu Đính là hai người bị tra tấn dã man nhất, đến mức di chuyển phải bò vì không thể đứng bằng đôi chân. Vì vậy, sau khi được phóng thích, Ngài phải trị bệnh ba năm mà vẫn không dứt. Năm 1966 phải sang Nhật giải phẫu phổi. Một năm sau, 1967, Ngài mới bình phục trở về nước. Trên đường về Ngài ghé qua các nước Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Miến Điện để khảo sát tình hình Phật giáo Á châu. Về nước Ngài tiếp tục dịch Kinh sách và giảng dạy tại các trường: Phật học viện Từ Nghiêm, Phật học viện Dược Sư, Viện đại học Vạn Hạnh (Saigon), Viện đại học Hòa Hảo (An Giang)..v.v…
Năm 1972, Hòa Thượng là Phát ngôn nhân kiêm Thanh tra của Viện Hóa Đạo Giáo Hội PGVN Thống Nhất.
Tháng 11 năm 1973, tại Đại hội kỳ V công cử Ngài giữ chức Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.
Thập niên 1970-1980: Vì không chịu để cho nhà nước Cộng Sản giám sát Giáo hội, và soạn thảo, tập hợp nhiều tài liệu gởi đến chính quyền mới để tố cáo nhiều hình thức bạo hành và đàn áp Giáo Hội, nên cùng với HT Huyền Quang và 5 Giáo phẩm cao/trung cấp khác ở Viện Hóa Đạo, Hòa Thượng đã bị nhà chức trách Việt Nam bắt giam từ tháng 4/1977, đến tháng 12/1978 được tha bổng sau một phiên tòa tại Sài Gòn nhờ áp lực của chính giới và truyền thông Âu Châu sau chuyến đi Pháp đầu tiên của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng. Đến năm 1982, bản thân Ngài và Mẫu thân của Ngài bị trục xuất khỏi Sài Gòn, cưỡng bách an trí tại nguyên quán là xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, Thái Bình.
Mười năm sau Hòa Thượng tự ý bỏ nơi cưỡng bách cư trú, tìm vào Nam hoạt động công khai đòi tự do tôn giáo tại Việt Nam. Chính Quyền đã ra lệnh trục xuất Ngài về Bắc nhưng Ngài không thi hành, vì Ngài cho rằng công dân Việt Nam có quyền cư trú ở bất cứ đâu trên đất nước theo Hiến pháp quy định.
Tháng 8 năm 1995, để cấm đoán GH chuyến đưa phẩm vật đem về miền Tây Nam Bộ để ủy lạo hàng chục nghìn nạn nhân bão lụt, công an Sài Gòn đã thực hiện lệnh bắt tạm giam Hòa Thượng, sau đó, Tòa án Sài Gòn đã xét xử, tuyên phạt Hòa Thượng 5 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội "phá hoại chính sách đoàn kết và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước". Các vị khác cùng bị án tù cùng vụ Thầy Không Tánh, Thầy Nhật Ban, Thầy Trí Lực và 2 Cư Sĩ Đồng Ngọc, Nhật Thường.
Năm 1998: Dưới áp lực của chính phủ Hoa Kỳ, Hòa thượng được trả tự do và bị yêu cầu phải đi tỵ nạn tại Mỹ, nhưng Hòa Thượng từ chối và nói rằng Ngài phải ở lại trong nước với quần chúng Phật tử. Tuy mang tiếng là được thả ra, nhưng thực chất Hòa Thượng vẫn bị quản thúc và cấm thuyết pháp. Có một đồn công an nằm trước Thanh Minh Thiền Viện giám sát gắt gao mọi người ra vào Thiền Viện.
Năm 2003, trong phiên Đại Hội Đặc Biệt của GHPGVNTN tổ chức tại Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định, ĐH cung cử Ngài Huyển Quang vào tôn vị Tăng Thống, còn Hòa thượng được cung cử vị trí Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN.
Năm 2003, Hòa thượng Thích Quảng Độ được Tổ chức People in Need, Cộng hòa Czech trao giải thưởng Homo Homini vì những hoạt động bảo vệ nhân quyền, tự do dân chủ và tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Năm 2006, Hòa Thượng được trao Giải Thorolf Rafto vì đã "dũng cảm và kiên trì chống đối ôn hòa chế độ Cộng sản Việt Nam". Ngài là nhà lãnh đạo dũng mãnh không chùn bước trước thế quyền, dõng dạc đòi quyền tự do sinh hoạt của GHPGVNTN từ sau năm 1975 tới nay. Do vậy, Ngài cũng đã nhiều lần được đề cử giải Nobel Hòa Bình.
Năm 2008, sau khi hòa thượng Thích Huyền Quang viên tịch, theo chúc thư để lại thì Hòa thượng Thích Quảng Độ được ủy thác thừa đương tôn vị Đức Tăng Thống thứ năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Trong khi chờ chính thức suy tôn, Ngài là Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống.
Tháng 11 năm 2011 trong Đại hội kỳ IX của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tổ chức tại Chùa Điều Ngự, Westminter, California, Hoa Kỳ, Hòa Thượng chính thức được suy tôn Đệ ngũ Tăng thống của Giáo Hội.
Sau 20 năm lưu trú tại Thanh Minh Thiền Viện, cuối năm 2018, vị Trụ trì Thiền viện này đã gây sức ép để Hòa Thượng phải rời đi. Ngày 15 tháng 9 năm 2018, HT Thích Quảng Độ đã phải rời khỏi Thiền viện, tá túc tại một số ngôi chùa; và ngày 5 tháng 10 năm 2018 lên tàu về quê ở Thái Bình. Đến ngày 18 tháng 11 năm 2018 thì Ngài trở lại Sài Gòn và đến ngụ tại chùa Từ Hiếu, Quận 8 cho đến ngày viên tịch.
4. Công trình phiên dịch và biên soạn:
Trong suốt cuộc đời tu tập và hành đạo của Đại Lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, dù phần lớn thời gian bị quản thúc trong chốn lao tù, và bận rộn quá nhiều Phật sự quan trọng của Giáo Hội, nhưng sự nghiệp trọng đại của Ngài vẫn là hoằng dương Chánh pháp để cứu độ chúng sanh qua việc thuyết giảng, phiên dịch kinh luận và giáo nghĩa Phật học để truyền bá giáo lý thậm thâm vi diệu của đức Thế Tôn. Dưới đây là một số tác phẩm và dịch phẩm của Hòa Thượng để lại cho đời: Kinh Mục Liên (3 quyển), Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân (7 quyển), Truyện Cổ Phật Giáo, Thoát Vòng Tục Lụy (lịch sử tiểu thuyết), nguyên tác của Thích Tinh Vân, Dưới mái chùa Hoang (Truyện), Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận, nguyên tác của Kimura Taiken., Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, nguyên tác của Kimura Taiken, Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, nguyên tác của Kimura Taiken, Chiến Tranh và bất Bạo Động, nguyên tác của S.Radhakrishnan, Từ điển Phật học Hán Việt (ngài được mời hiệu đính), Phật Quang Đại Từ điển (9 tập), -Thơ trong tù (1977-1978), Thơ lưu đày (1982-1992) v.v...
5. Viên tịch và tang lễ:
Sau vài ngày pháp thể khiếm an, Đại lão Hòa thượng đã thuận thế vô thường an nhiên viên tịch tại Phương trượng Chùa Từ Hiếu, Sài Gòn lúc 21 giờ 30 phút ngày 22 tháng 2 năm 2020, nhằm ngày 29 tháng Giêng năm Canh Tý, Phật lịch 2563, trụ thế 93 năm và 73 hạ lạp.
Theo thông báo của HT Thích Nguyên Lý, Trụ Trì Chùa Từ Hiếu, gởi đi ngày 23 tháng 02 năm 2020, Di huấn của cố Đại Lão Hòa Thượng là tổ chức Tang lễ đơn sơ, không để quá 3 ngày, Tăng Ni, Phật tử đến lễ bái, thọ tang không phúng điếu, kể cả vòng hoa và trướng liễn, không có điếu văn, tiểu sử, cảm tưởng và các hình thức thông thường khác, sau khi hỏa táng thì rải tro cốt xuống biển.
Trải suốt cuộc đời gần một thế kỷ, từ khi xuất gia, hành đạo cho đến lúc viên tịch, Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã nỗ lực không ngừng trong công cuộc xiển dương đạo pháp. Cuộc đời Ngài là một tấm gương sáng ngời về đạo hạnh, và sự nghiệp hoằng hóa của Ngài xứng đáng cho Tăng Ni và Phật tử noi theo. Đặc biệt tinh thần vô úy của một vị Bồ Tát tại nhân gian. Mặc dù sắc thân của Ngài không còn nữa nhưng pháp thân và sự nghiệp hoằng hóa của Ngài sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho Tăng Ni Phật tử Việt Nam ở hiện tại và mai sau.
Nam Mô Tân Viên Tịch Ma Ha Tỷ Kheo Bồ Tát Giới, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội, Nguyên Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Đệ Ngũ Tăng Thống, húy thượng Quảng hạ Độ, Đại Lão Hòa Thượng Giác Linh thùy từ chứng giám.
VP Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN-HN tại UĐL-TTL
(Biên soạn theo nhiều tư liệu khác nhau)
_____________________________
THƠ TRONG TÙ
Từ ngày 06.04.1977 đến ngày 10.12.1978
(từ tháng 3 năm Đinh Tỵ đến tháng 11 năm Mậu Ngọ)
TỰ THUẬT
(Thơ Tù: Sa Môn Thích Quảng Độ)
Thân ta trong chốn lao tù
Tâm ta vằng vặc trăng thu mặt hồ
Bao trùm khắp cõi hư vô
Lao tù đâu thể nhiễm ô tâm này
Mặc cho thế sự vần xoay
Tâm ta vẫn chẳng chuyển lay được nào
Ngọc thiêu màu thắm biết bao (*)
Sương càng phủ trắng tùng cao ngất trời
Trăng tròn khuyết biển đầy vơi
Mây bay gió thoảng cuộc đời sợ chi!
(*) Lấy ý trong câu: “Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận” của Thiền sư Ngộ Ấn, đời Lý.
Đại ý: viên ngọc ở trên núi bị đốt màu sắc vẫn tươi thắm.
ÁC MỘNG
(Thơ Tù: Sa Môn Thích Quảng Độ)
Vào một đêm trời không trăng sao bóng tối ngập tràn
Tôi bắt đầu cuộc hành trình từ đó luân hồi mấy độ
Lang thang khắp nẻo mịt mù
Lần mò quờ quạng trong kiếp sống phù du
Không gian tôi thở toàn mùi tử khí
Chặng đường tôi đi xương trắng ngổn ngang
Những vũng máu từ nghìn xưa còn đọng lại
Bên những thành quách hoang tàn
Chắc hẳn nơi đây là chiến địa, nơi đây là trần gian
Rồi băng qua một miền đất lạnh
Bát ngát mênh mông gió thổi vù vù
Tôi thấy những nấm mồ nằm la liệt
Giữa những đám cỏ úa vàng đìu hiu quạnh quẽ
Và qua đốm lửa lập lòe trên những tấm bia tôi nhìn rõ
Từ các Đế vương đến những người cùng khổ
Tất cả chỉ còn lại nắm xương tàn
Chắc hẳn nơi đây là nghĩa địa, nơi đây là trần gian
Tiếp tục cuộc hành trình tôi đi sâu vào một vùng u tịch
Tường cao cửa kín bóng tối dày đặc đượm mùi hôi tanh
Những dẫy nhà màu xám chìm trong im lặng
Và dưới ánh đèn ma trơi tôi nhìn ra những cảnh tượng hãi hùng
Tôi thấy những người mà không ra người nhưng giống đười ươi
Nằm trong gọng cùm xiềng xích cũi sắt kẹp kìm trên tường
Tôi thấy những vết máu đào loang lổ
Trông như những con vật không đầu hay những hình thù ma quái
Mặt ngựa đầu trâu phồng mang trợn mắt
Như muốn ăn tươi nuốt sống khách bàng quan
Và từ đâu đây vọng lại tiếng kêu cầu cứu thất thanh
Tiếng rên la quằn quại và những tiếng kêu “oan”
Chắc hẳn nơi đây là địa ngục nơi đây là trần gian
Tôi bàng hoàng sực tỉnh cơn ác mộng vừa tàn
Nhìn ra ngoài đầy trời trăng sao và vui mừng
Tôi reo lên:
Ôi trần gian sáng đẹp biết bao!
Ôi trần gian sáng đẹp biết bao!
Sa Môn Thích Quảng Độ
__________________
MƠ ƯỚC NGÀY VỀ
(Thơ Tù: Sa Môn Thích Quảng Độ)
Ngày trở về đường tôi đi thênh thang rộng mở
Ánh nắng chan hòa mùa xuân tươi sáng
Và đầy vườn hoa nở chim ca
Gió thổi vi vu nghìn khúc nhạc hòa
Qua những hàng cây sum suê trải dài bóng mát
Thoang thoảng không gian một mùi thơm ngát
Của hương trời lá thắm cỏ non
Khắp nẻo đường tôi đi
Những tà áo xinh tươi vờn theo ngọn gió
Dưới nắng vàng cành liễu thiết tha
Tiếng cười vui vang lên từ khắp mọi nhà
Hòa lẫn tiếng trẻ thơ ê a tập
Mọi người nhìn nhau qua ánh mắt
Của tình người của trìumến thiết tha
Sau hàng phượng vĩ dưới mái trường xưa
Thầy trò hoan ca ngày mở Hội
Thôi hết rồi những năm dài tăm tối
Sống đọa đày tủi nhục lầm than
Những năm dài áp bức bạo tàn
Đã vĩnh viễn chôn vùi trong dĩ vãng
Đất nước hôm nay muôn màu rực sáng
Đời tự do hoa nở thắm tươi
Hạnh phúc trên môi hé nở nụ cười
Như chào đón một mùa xuân bất tận
Thôi hết rồi những tháng năm thù hận
Tình thương yêu mở lối tương lai
Người với người tay trong tay
Cùng ước mơ xây dựng ngày mai
Trong thanh bình ấm no hạnh phúc
Cùng điểm tô non sông gấm vóc
Sáng đẹp muôn đời Tổ Quốc Việt Nam!
Sa Môn Thích Quảng Độ
________________________
ĐÊM PHẬT ĐẢN
(Thơ Tù: Sa Môn Thích Quảng Độ)
Đêm Phật Đản ánh trăng rằm huyền ảo
Khắp không gian như tỏa ngát mùi hương
Tinh tú ba nghìn tụ lại một phương
Để chào đón đấng Siêu nhiên xuất thế
Nơi ngục thất tôi nhìn vào hiện thể
Khắp quanh tôi tràn ngập bóng vô minh
Từ xa xưa vì nghiệp lực chúng sinh
Đã tạo dựng nhân gian thành địa ngục
Tôi cười vang trong đêm trường u tịch
Bốn bức xà lim như sụp đổ dưới chân tôi
Ôi đau thương đây thế giới Sa Bà
Cực Lạc Niết Bàn cũng là đây hiện thực
Ánh Đạo rọi giữa lòng tôi sáng rực
Bao ưu phiền trút sạch tựa mây tan
Kia gông cùm xiềng xích cảnh trần gian
Trong khoảnh khắc cháy tan thành tro bụi
Tôi vận dụng sức "hiện tiền Tam muội"
Ngồi an nhiên như sen nở giữa than hồng
Thời gian trôi lặng lẽ đã hừng đông
Tôi bừng tỉnh thấy bình minh ló rạng
Thế giới ngày mai mùa xuân tươi sáng
Đạo từ bi nhuần thấm khắp năm châu.
15.4 Đinh Tỵ (1977)
Sa Môn Thích Quảng Độ
_____________________
ĐÊM XUẤT GIA
(Thơ Tù: Sa Môn Thích Quảng Độ)
Đêm nay kinh thành Tỳ la yên lặng
Mảnh trăng thượng tuần vừa khuất sau đồi
Khung trời mờ ảo ngàn sao tỏa ánh lung linh
Sóng Nô-ma cuồn cuộn chuyển mình
Gió Hy-mã ào ào rung động
Vạn vật đã chìm sâu trong mộng
Từ không trung tiếng vọng ngân xa
Tất Đạt Đa! Tất Đạt Đa!
Giờ đã điểm, Ngày hãy ra đi tìm chân lý
Vì muôn loại sầu đau từ vạn kỷ
Đang đợi chờ và kỳ vọng thiết tha
Tất Đạt Đa! Tất Đạt Đa!
Ngài có nghe chăng tiếng khóc than đang vang lên từ khắp mọi nhà
Vì những khổ đau của sống già bệnh chết
Tử biệt sinh ly đói nghèo rách nát
Áp bức đọa đày bởi hận thù và tham vọng cuồng si
Tất cả trông chờ một chuyến ra đi
Một chuyến đi hùng tráng
Niềm ước mơ ở những ngày mai tươi sáng
Chỉ còn đêm nay thôi đừng tiếc chi
Tất Đạt Đa ơi Ngài hãy ra đi
Vì tất cả theo tiếng gọi đêm nay
Hỡi sóng Nô ma và gió ngàn Hy mã
Hãy gào to lên cho tiếng vọng vang xa
Tất Đạt Đa! Tất Đạt Đa!
Giờ đã diểm thôi đừng tiếc chi
Cung điện ngọc ngà với Da Du và La Hầu La yêu quí
Ngày hãy ra đi vì muôn loại sầu đau từ vạn kỷ
Đang đợi chờ và kỳ vọng thiết tha
Tỳ la! Tỳ la! Ôi kinh thành hoa lệ
Thôi đừng buồn chi
Ngài ra đi cho muôn vàn thế hệ
Ngài ra đi vì tiếng gọi khổ đau
Của ngàn nay đến ngàn sau
Và sẽ trở về trong một ngày hào quang rực sáng
Tất cả kinh thành rồi sẽ rơi vào quên lãng
Nhưng hào quang Ngài sẽ sáng mãi với thời gian.
8.2 Mậu Ngọ (1978)
Sa Môn Thích Quảng Độ
________________________
ĐÊM THÀNH ĐẠO
(Thơ Tù: Sa Môn Thích Quảng Độ)
Qua cửa gió xà lim vắng lạnh
Tôi đứng nhìn say đắm ánh sao mai
Tỏa lung linh sáng rực dưới vòm trời
Như báo hiệu bình minh đang trổi dậy
Sắp hết rồi ôi đêm dài tăm tối
Đang trùm lên cảnh vật một màu đen
Tôi im lặng hồi tường lại một đêm
Cùng giờ này hơn hai nghìn năm trăm năm trước
Dưới cội bồ đề mặt đất chuyển rung
Như hoan ca chào đón đấng Đại Hùng
Vừa chiến thắng ma quân lần cuối
Ánh Đạo vàng bừng lên chói lọi
Đốt tiêu tan màn hắc ám vô minh
Những khổ đau thù hận ngục hình
Đã vây hãm chúng sinh từ muôn thuở
Tất cả, tất cả trong tôi đang thiêu hủy
Với tham sân và cuồng vọng si mê
Ánh sáng chan hòa trên nẻo đường về
Suốt cuộc đời hôm nay tôi thấy sao mai đẹp nhất
Xin cảm tạ hồng ân Đức Phật
Đã cho con giờ phút hôm nay
Giờ phút thiêng liêng Thành Đạo của Ngài
Con tin tưởng sẽ đi vào giòng thời gian bất tận
Bao sự nghiệp huy hoàng xây trên thù hận
Từ ngàn xưa dấu vết phủ rêu xanh.
18.12 Mậu Ngọ (1978)
Sa Môn Thích Quảng Độ
_______________________
PHÁP ÂM BẤT TUYỆT
(Thơ Tù: Sa Môn Thích Quảng Độ)
Trên đỉnh núi Tu Di
Vào một đêm trăng huyền ảo
Tôi đứng nhìn vũ trụ bao la
Giữa khoảng thái hư vô cùng tận
Tôi thấy hằng triệu triệu thiên hà
Khắp trong ba nghìn đại thiên thế giới
Từ những tinh cầu âm vang vọng tới
Tôi nghe tiếng nhạc mầu nhiệm tuyệt vời
Và tràn đầy không gian mùi hương trời kỳ diệu
Trên mặt đại dương ánh trăng phản chiếu
Lung linh ngời sáng trông như biển ngọc lưu ly
Và trên những bãi cát vàng ánh trăng trải dài bát ngát
Như những tấm thảm khổng lồ dệt bằng muôn ức triệu hạt kim sa
Rồi đưa mắt nhìn quanh thế giới Sa bà
Trên mặt địa cầu tôi thấy đỉnh núi Linh sơn
Đang chìm trong những giây phút thần bí
Từ trời Đao lị đến cung Dạ ma
Từ cõi Phi phi tưởng đến cung Đâu suất đà
Và từ nhiều cõi khác số lượng hằng sa
Tôi thấy tất cả trời, rồng, A tu la
Đêm nay đều đến đây tụ hội
Để nghe pháp âm của Phật thuở nào
Đang còn vang dội khắp núi rừng tịch mịch thâm u
Thời gian như ngừng đọng lại, sát na là khoảng thiên thu
Linh sơn đêm nay là Linh sơn trong quá khứ xa xưa
Và trên tòa sư tử nguy nga
Tôi thấy Đức Phật tay cầm liên hoa
Trong một phút giây kỳ tuyệt khai thị diệu pháp Thượng thừa
Giữa vô lượng thiên long Thánh chúng
Im lặng bao trùm đại chúng
Tôi chỉ thấy Ca Diếp Tôn giả mỉm cười nụ cười thần bí
Cũng như Linh sơn thần bí đêm nay rồi sau này
Vẫn tại nơi đây một triệu năm trăm nghìn năm tới
Khi Bồ tát Di Lặc ra đời
Linh sơn sẽ là đạo tràng của Long hoa pháp hội
Ôi! Huyền nhiệm làm sao núi rừng hùng vĩ Linh sơn
Đời đời vang dội DÒNG PHÁP ÂM BẤT TUYỆT.
Xuân Mậu Ngọ (1978)
(15 tháng 2 kỷ niệm Đức Phật Nhập Diệt)
Sa Môn Thích Quảng Độ
_________________________
NHẬP THỂ
(Thơ Tù: Sa Môn Thích Quảng Độ)
Đêm nay không trăng tôi nhìn bầu trời đen thẫm
Từ các tinh cầu xa xăm
Muôn nghìn ánh mắt long lanh nhìn tôi đăm đăm
Như âm thầm mời gọi hãy trở về vũ trụ bao la
Tôi say sưa nhìn giải Ngân hà
Những cánh buồm sao lấp lánh đang đợi chờ
Đưa tôi về bến cũ xa xưa
Tôi nhớ lại từ kiếp sơ
Khi vũ trụ sinh thành tôi là một phần bản thể
Vì “nhất niệm si mê » nên dòng sông Ngân chia cách đôi bờ
Trôi giạt nổi chìm
Hôm nay tôi trở về nhập thể
Ôi! Sung sướng biết bao từ thuở nào
Giờ đây thuyền neo bến cũ và hết rồi những ngày tháng lao đao
Những ánh mắt long lanh vẫn nhìn tôi trìu mến
Như hân hoan chào đón lữ hành sau những năm dài lưu lạc
Nay trở lại quê hương nhưng còn ngờ ngợ qua lớp áo phong sương
Những ánh mắt nhìn tôi thật kỹ
Và cuối cùng đã nhận ra tôi vẫn là người xưa tri kỷ
Chẳng phải khách tha phương
Khi ra đi, MÊ-GIÁC đôi đường
Giờ trở lại, GIÁC-MÊ là một
Ra đi mê, giác đôi đường
Giờ đây trở lại, một đường giác mê.
Sa Môn Thích Quảng Độ
_________________________
SỐNG CHẾT
(Thơ Tù: Sa Môn Thích Quảng Độ)
Mưỡi
Đời người như một giấc mơ
Tỉnh ra mái tóc bạc phơ trên đầu
Tuyệt mù xanh thẳm ngàn dâu
Gió tung cát bụi tìm đâu lối về
Nói
Sống là thực hay là ảo mộng
Chết đau buồn hay chính thật yên vui
Cứ hằng đêm tôi nghĩ mãi không thôi
Chẳng biết nữa, mình sống hay là chết
Hoàng lương nhất mộng phù du kiếp
Sinh tử bi hoan thục giác tri? (1)
Sống với chết là cái chi chi
Lý huyền nhiệm nghìn xưa mấy ai từng biết?
Có lẽ sống cũng là đang chết
Bởi sống trong tôi mà chết cũng trong tôi
Chết đeo mang từ lúc thai phôi
Nào đâu phải đến nấm mồ mới chết
Vì lẽ ấy, sống tôi không sợ chết
Cứ thung dung sống chết từng giây
Nhìn cuộc đời sương tuyết khói mây
Lòng thanh thản như chim hoa người gỗ (2)
Giữa biển trầm luân gió dồi sóng vỗ
Thân tùng kia xanh ngất tầng cao
Sống với chết nào khác chiêm bao
Lý “nhất-dị” là hào quang bất diệt
Cũng có lẽ chết hẳn rồi mới biết
Sống đau buồn mà chết thật yên vui
Xin đừng sợ chết ai ơi!
Sa Môn Thích Quảng Độ
(1) Đại ý đời người cũng như giấc mộng kê vàng, như kiếp phù du sớm còn tối mất. Sống, chết, là buồn hay vui? Ai biết được?
(2) Mộc nhân thị hoa điểu: người gỗ ngắm chim hoa (chữ trong Thiền lâm bảo huấn)
________________________
ĐÊM MƯA NGHE TRẺ KHÓC (*)
(Thơ Tù: Sa Môn Thích Quảng Độ)
Đêm khuya rồi trời mưa gió lạnh
Bé thơ ôi hãy ngủ ngon đi
Và đừng khóc nữa bé biết không
Tôi đang âm thầm đứng bên khung cửa
Lắng nghe bé khóc trong mưa và tự hỏi lòng mình
Tại sao bé khóc?
Nơi đây bé đang nằm trong nhà tù của Việt Nam anh hùng quang vinh độc lập
Bé được chào đời vào những ngày đầu của kỷ nguyên hạnh phúc ấm no
Rồi mai này bé sẽ là « cháu ngoan Bác Hồ”
Và được học những lời vàng ngọc
“Không có gì quí hơn độc lập tự do”
Bé biết không, đó là niềm vinh hạnh rất to
Mà hôm nay, vì còn thơ ngây bé chưa hiểu nổi
Niềm vinh hạnh ấy sẽ to gấp bội
Khi bé lớn lên tới tuổi thành niên
Cùng với hàng vạn bạn trẻ đồng trang
Bé sẽ được “Đảng ta » đào tạo luyện rèn
Để xứng đáng là thanh niên của thế hệ “Hồ Chí Minh” vĩ đại
Rồi noi gương Bác, bé sẽ không chối từ ngần ngại
Hiến cả đời mình cho sự nghiệp “giải phóng loài người”
Ôi! Vinh dự làm sao và tự hào biết mấy
Một sứ mệnh cao cả thiêng liêng
Thôi nhé bé thơ ôi đêm khuya lắm rồi và mưa vẫn còn rơi
Hãy ngủ cho ngon đừng khóc nữa
Tương lai của bé “tươi đẹp sáng ngời”.
Sa Môn Thích Quảng Độ
(*) Mẹ bé đi vượt biên bị bắt và sinh bé trong tù
________________________
TRỜI ĐÃ SÁNG
(Thơ Tù: Sa Môn Thích Quảng Độ)
Vào một buổi chiều mưa
Trời nhà tù buồn thảm
Như ngày ba mươi tháng tư
Năm bảy mươi lăm lịch sử qua rồi
Bên cửa sắt xà lim tăm tối
Tôi đứng nhìn những giọt mưa rơi
Từ mái nhà đổ xuống lênh láng chan hòa
Trông như những dòng nước mắt của muôn vạn người dân vô tội
Đã chảy ra khi trải qua một cuộc đổi đời
Gió rít từng cơn, mưa tuôn càng mạnh
Lòng trống lạnh bồi hồi
Tôi nhìn quanh tôi bốn bức tường dày đặc
Bóng tối phủ đầy
Rồi đưa mắt nhìn ra phía chân trời
Tôi tìm trong tưởng tượng một nơi trú ẩn sáng tươi
Nhưng hoàn toàn mờ mịt cũng như xà lim tăm tối của tôi
Miền Nam ôi!
Tôi thầm gọi, đây là miền Nam trong căn phòng giam chật hẹp âm u
Ngoài kia là miền Nam trong một nhà tù rộng lớn
Còn có nơi nào yên ổn xin chỉ cho tôi ẩn trốn
Hỡi miền Nam thương mến của tôi ơi!
Đêm xuống rồi và mưa đã ngừng rơi
Sau hồi kiểng hiệu vang lên
Toàn khu nhà tù chìm vào yên lặng
Yên lặng như một nấm mồ hoang vắng
Giữa miền cát trắng bao la và nằm trong căn nhà mồ
Tôi không thấy gì nữa cả trừ những bóng ma (vai mang khẩu súng AK)
Thỉnh thoảng chập chờn qua gang cửa gió (*)
Đêm khuya đã đưa tôi vào giấc ngủ
Một giấc ngủ thật ngon
Thời gian lặng lẽ trôi theo định luật vô thường
Và mơ màng tôi nghe đâu đây tiếng chim hót véo von
Tôi choàng dậy
Ô kìa! Thì ra trời đã sáng
Từ phương đông vừng thái dương hiện lên chói rạng
Mở đầu một ngày rực rỡ ánh hào quang.
Sa Môn Thích Quảng Độ
(*) Trên tấm cửa sắt của xà lim, người ta để một cái lỗ nhỏ vừa bằng bàn tay để đưa thức ăn qua, gọi là cửa gió.
_________________________
DÂNG MẸ
(Sa Môn Thích Quảng Độ)
Bao năm rồi con lưu lạc ngàn phương
Con nhớ Mẹ suốt canh trường khắc khoải
Ơn dưỡng dục Mẹ ơi sao xiết kể
Công sinh thành con nghĩ quặn lòng đau
Khóm mai già xơ xác đã từ lâu
Trơ vơ đứng giữa trường đời gió lộng
Dòng sông chảy ấy đời con trong mộng
Lững lờ trôi trôi mãi đến bao giờ
Có những đêm con thiêm thiếp trong mơ
Con mơ thấy hồn con về thăm Mẹ
Được ấp ủ trong tình thương của Mẹ
Mảnh hồn con ấm dịu biết bao nhiêu
Bốn phương trời con tìm kiếm đã nhiều
Nhưng không có một tình yêu của Mẹ
Vu Lan đến cõi lòng con quạnh quẽ
Bóng người xưa như phảng phất đâu đây
Một chiều thu lạnh dâng bát cơm đầy
Tình nghĩa ấy Mẹ ôi bao thấm thía
Con phương trời này con ngậm ngùi rơi lệ
Đức cù lao muôn một trả chưa xong.
Vu Lan Nhâm Dần (1962)
Sa Môn Thích Quảng Độ.
LẠY MẸ
(Thơ Tù: Sa Môn Thích Quảng Độ)
Hơn hai mươi bảy năm trời cách biệt
Mắt Mẹ đã mờ vì nhớ thương con
Mẹ trông chờ bao ngày tháng mỏi mòn
Nhưng chỉ thấy mây bay và gió thoảng
Mẹ có ngờ đâu đời con phiêu lãng
Như cánh chim trời xiêu bạt bốn phương
Để giờ đây trong cảnh ngộ đau thương
Cảnh tù ngục tối tăm và buồn thảm
Con hối hận từ đáy sâu tâm khảm
Đạo thần hôn (*) đã lỗi phận làm con
Tám mươi tuổi Mẹ có còn mạnh khỏe
Hay hạc vàng đã cất cánh bay cao
Cứ đêm đêm theo dõi những vì sao
Nhìn Bắc đẩu con tuôn trào nước mắt
Con quỳ xuống chắp hai tay trước ngực:
"Lạy Đức Từ Bi cứu độ Mẫu thân
Cõi Sa bà khi Mẹ đã mãn phần
Cảnh Cực lạc là quê hương An Dưỡng"
Lòng chí thành nguyện cầu trong tâm tưởng
Tháng năm dài con chỉ biết thế thôi
Nghĩa thù ân chua xót lắm Mẹ ôi
Con lạy Mẹ trăm nghìn muôn ức lạy!
Sa Môn Thích Quảng Độ.
(*) thần hôn: hôn định thần tỉnh, nghĩa là buổi hôm phải hầu cha mẹ cho định giấc ngủ, buổi sáng phải thăm cha mẹ xem có được yên không.
_________________________
XUÂN NHỚ MẸ
(Sa Môn Thích Quảng Độ)
Mỗi lần xuân đến gợi thêm sầu
Con ở phương này Mẹ ở đâu
Nam Bắc đôi bờ dòng nước bạc
Trông vời bóng Mẹ khuất ngàn dâu
Con đi từ độ trăng tròn ấy
Trải mấy xuân rồi xuân viễn phương
Trên vạn nẻo đường con cất bước
Cõi lòng vương nặng mối sầu thương
Mái đầu Mẹ nhuộm mầu sương tuyết
Chồng chất đôi vai lớp tuổi đời
Con muốn thời gian ngừng đọng lại
Cho mùa xuân Mẹ mãi xanh tươi
Thời gian vẫn cứ lạnh lùng trôi
Hoa úa tàn phai trái chín mồi
Chua xót lòng con niềm hiếu đạo
Chân trời xa cách lệ tuôn rơi.
Giáp Thìn (1964)
Sa Môn Thích Quảng Độ
_______________________
THƠ LƯU ĐÀY
Từ ngày 25.02.1982 đến ngày 22.03.1992
(từ 2 tháng 2 năm Nhâm Tuất đến 20 tháng 2 năm Nhâm Thân)
NGUYỆN CẦU
(Thơ Lưu Đày: Sa Môn Thích Quảng Độ)
Hỡi trời cao đất dày
Có thấu cho cảnh này
Mẹ tôi tội tình gì
Phải chết trong lưu đày
Trong cô đơn hiu quạnh
Trong buồn tủi đắng cay
Thôi cõi đời ác độc
Mẹ vĩnh biệt từ đây
Con nguyện cầu hồn Mẹ
Vãng sinh về phương Tây
Phật Di Đà tiếp dẫn
Chư Bồ Tát dìu tay
Trong hoa sen tinh khiết
Hồn Mẹ hóa sinh ngay
Vòng luân hồi chấm dứt
Vĩnh viễn được yên vui.
Đêm 14 tháng 12 Ất Sửu
(23 tháng 1 năm 1985)
Sa Môn Thích Quảng Độ
________________________
MẤT CẢ CUỘC ĐỜI
(Thơ Lưu Đày: Sa Môn Thích Quảng Độ)
Xuân này tôi mất Mẹ rồi
Cũng là mất cả cuộc đời còn chi
Từ nay đoạn đường tôi đi
Qua hàng thông lạnh gió vi vu sầu
Một mình lặng lẽ cúi đầu
Quanh tôi tất cả nhuộm màu tóc tang
Bước đi nghĩa địa lan man
Chết rồi hay sống điêu tàn như nhau.
Sáng mồng 1 Tết Bính Dần (1985)
Ra thắp hương ngoài mộ.
Sa Môn Thích Quảng Độ
|
|