Giới thiệu
nh điển hình
Vu Lan 2007003
Cảnh đẹp66
Cảnh đẹp67
Cảnh đẹp68
Cảnh đẹp69
Cảnh đẹp70
Cảnh đẹp71
Cảnh đẹp72
Cảnh đẹp73
Cảnh đẹp74
Cảnh đẹp75
Cảnh đẹp76
Cảnh đẹp77
Cảnh đẹp78
Cảnh đẹp79
Cảnh đẹp80
Cảnh đẹp81
Cảnh đẹp82
Cảnh đẹp83
Cảnh đẹp84
Cảnh đẹp85
Cảnh đẹp86
Cảnh đẹp89
Cảnh đẹp90
Cảnh đẹp91
Cảnh đẹp92
Cảnh đẹp93
Cảnh đẹp94
Cảnh đẹp96
Cảnh đẹp97
Cảnh đẹp98
Cảnh đẹp99
Cảnh đẹp99
Cảnh đẹp100
sơn thuỷ hữu tình
sơn thuỷ hữu tình
sơn thuỷ hữu tình
sơn thuỷ hữu tình
sơn thuỷ hữu tình
sơn thuỷ hữu tình
sơn thuỷ hữu tình
sơn thuỷ hữu tình
sơn thuỷ hữu tình
sơn thuỷ hữu tình
sơn thuỷ hữu tình
sơn thuỷ hữu tình
sơn thuỷ hữu tình
sơn thuỷ hữu tình
sơn thuỷ hữu tình
sơn thuỷ hữu tình
TÌM KIẾM
Chùa Kim Quang giới thiệu
Ky Yeu Hoa Thuong Thich Trung Quan
Ky Yeu Hoa Thuong Thich Trung Quan
Ky Yeu Hoa Thuong Thich Trung Quan Ky Yeu Hoa Thuong Thich Trung Quan
Ky Yeu Hoa Thuong Thich Trung Quan
Ky Yeu Hoa Thuong Thich Trung Quan


Kỷ Yếu Tưởng Niệm
 
Hòa Thượng Thích Trung Quán
(1918 – 2003)
Paris P.L 2547-2004

---o0o---

 

Lời Ngỏ
Phần I -

Phần II – Ðiếu văn, tưởng niệm, cảm tạ ban tổ chức
Ðiếu niệm – Hòa thượng Thích Tâm Châu
Ðiếu văn - Hòa thượng Thích Minh Tâm
Cảm niệm Ân sư – Thích Minh Chiếu
Cảm niệm Tôn sư - của Ðại diện Phật tử Hoa Nghiêm 
Tâm Hương - Thượng tọa Thích Chơn Trí
Ðiếu văn – ÐÐ Thích Ðức Thắng
Cảm tạ ban tổ chức – ÐÐ Thích Ðức Thắng

Phần III 
 Thơ văn, Tưởng niệm

Hãy noi gương sáng – Hòa thượng Ðức Nghiệp
Thành kính cảm niệm – Hòa thương Thích Quang Khải
Tưởng nhớ về Hòa thượng – Hòa thượng Thích Tâm Khánh
Tưởng niệm - Thượng tọa Thích Như Ðiển
Ðôi dòng tưởng niệm – Thích Thọ Lạc
Hóa đạo thong dong
Tri hành hợp nhất – Thích Giác Dũng
Ai điếu – Thích Thiện Quý
Hoài niệm Ân sư – Thích Nữ Diệu Minh
Thầy ơi – Thích Nữ Ðàm Phương
Giã từ - Thích Nữ Tịnh Nguyện
Bạch Thầy
Tưởng niệm cố Hòa thượng - Nguyễn Tất Tài
Hoài niệm Tôn sư – Môn đồ pháp quyến chùa Bàng Long
Bàng Long lưu dấu – ÐÐ Thích Ðồng Văn
Nhân Duyên Thầy trò – ÐÐ Thích Minh Ðịnh
Nhớ Thầy – ÐÐ Thích Ðức Thắng
Thầy là tất cả - ÐÐ Thích Ðức Thắng
Thùy niệm Ân sư – Thích Nữ Ðàm Phương
Tưởng niệm – ÐÐ Thích Quang Thạnh
Cành sen dâng Thầy – Thích Nữ Ðàm Lương
Hồi tưởng – Thích Nữ Ðàm Chất
Nhớ mãi trong tôi – ÐÐ Thích Quang Thạnh
Bậc Ðạo sư tôn kính – Môn đồ pháp quyến chùa Hoa Nghiêm - Bỉ Quốc
Ðược biết – ÐÐ Thích Thiện Quý
Những kỷ niệm sống mãi trong tôi – ÐÐ Thích Viên Minh
Thế rồi – ÐÐ Thích Thiện Quý
Khuất bóng thiền tôn – ÐÐ Thích Thiện Quý
Hồi tưởng Ân sư – Thích Nữ Ðàm Liên
Vài kỷ niệm về công đức hành đạo – Nguyên Quang Phạm Hoàng
Tưởng niệm Ân sư – Thích Nữ Ðàm Như

Phần IV
 Tư Liệu và Tang lễ

Cáo phó
Cáo phó – Pháp ngữ
Ban tổ chức Tang lễ
Chương trình Tang lễ
Chương trình lễ truy niệm
Chương trình thỉnh Kim quan trà tỳ
Lịch trình đoàn cung nghinh Kim quan trà tỳ
Tác bạch thỉnh sư
Những khoảnh khắc không quên
Ðiện văn, thư, fax
Sổ tang lưu niệm
Trướng liễn

Phần V
Trích lục một số văn khuyến tu, và thủ bút của Hòa thượng

Thủ bút của Hòa thượng
Một lời phát nguyện
Duyên khởi của cuốn sách Biện minh tu chứng
Hai mươi điều khó
Công hành tu chứng
Chết về đâu

Phần VI
 Phụ lục lễ chung thất và Bạch Phật

Thư cung thỉnh 
Chương trình chung thất
Tác bạch cúng dàng trai tăng tại Hoa Nghiêm Paris – Pháp Quốc
Chương trình Lễ tưởng niệm Bách nhật
Tách bạch cúng dường trai tăng tại Hoa Nghiêm Bruxelle - Bỉ Quốc
Nghi cúng tiến Giác linh

Phần VII
 Hình ảnh Tang lễ

Lễ Cung nghinh nhục thân hồi tự
Trần thiết bàn thờ và xe
hoa
L
ễ nhập Kim Quan
Lễ bạch Phật khai Kinh
Lễ cung thỉnh Giác Linh An vị
Lễ thọ trai
Cúng Ðiếu
Lễ cung tiễn Giác linh
Lễ trai
tăng
L
ễ yết Phật, Tổ tại Chánh Ðiện
Nghi lễ Trà tỳ
Lễ Chung thất
Lễ tưởng niệm Hòa thượng tại Ấn Ðộ
Lễ cung nghinh Xá lợi an vị tại chùa Pháp Vương – Noyant
Lễ Thủy tán tro tàn  của Hòa thượng
Lễ cung thỉnh Xá lợi và Bách nhật tại chùa Hoa Nghiêm - Bỉ
Lễ cung nghinh Xá lợi an vị chùa Bàng Long – Vientiane – Lào
Lễ rước di ảnh cố Hòa thượng nhập Tổ đường - Việt Nam
Phướng liễn cúng điếu
Xá lợi của Hòa thượng

 

Lời Ngỏ

Mùa nắng ấm lại về, những đọt non xanh mát đang cười trong nắng sớm, mặt trời được đánh thức bằng những tiếng ríu rít của bầy chim. Hoa đào nở hồng cả gốc phố, nắng vàng rãi sáng khắp sân vườn. Không gian tỉnh lặng, ấm áp chan hòa nhưng trong lòng của chúng con đều cảm nhận sự giá lạnh khi chợt nghĩ đến hình bóng Tôn sư.

Mới đó mà trãi qua mấy mùa trăng, tất cả tưởng chừng như giấc mộng chiều hôm, anh em chúng con, ngồi quanh quần trong căn phòng để gom góp những hình ảnh của tang lễ, soạn thảo những bài viết của những trái tim hướng về Thầy. Lật đi lật lại những hình ảnh, đọc tới đọc lui những tư liệu về ân sư để rồi chúng con chợt hiểu, làm sao có thể gom góp tất cả để kết thành một kỷ niệm ghi lại dấu ấn vàng son một đời của Người?

Có lẽ không bút mực nào có thể viết hết hàng trang của Thầy trong suốt  hơn nửa thế kỷ gửi thân cho Ðạo,  có lẽ không có hình ảnh có thể ghi rõ nét bao dung của Thầy trong hiện thân đầu tròn áo vuông. Tất cả chỉ là cảm nhận của chúng con khi quỳ dưới chân Thầy. Tình thương vốn vô bờ, vòng tay lại nhỏ bé vậy mà Thầy đã che chở và nuôi dưỡng anh em chúng con mấy mươi năm dài. Y bát còn đây, giới thể còn đó, hình bóng Thầy vẫn hiển hiện bàng bạt trong ký ức của mỗi chúng con.

Cuộc đời tu hành của ân sư trải dài hơn 60 năm, từ Bắc vào Nam, sang Lào qua Pháp, để gầy dựng ngôi nhà Phật pháp, tất cả hành trình nghe kể cũng rất tình cờ. Như thể một chuyết đi xa, không mong cầu điều gì mới lạ chẳng qua chỉ vì tấm lòng thành cẩn thiết tha với Ðạo, thực hiện hoài bảo của người phát túc siêu phương để thiệu long thánh chủng, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, đền đáp bốn ân.

Viết về Sư cụ thì không thể diễn tả hết mọi điều, gìn giữ gom góp những tình cảm đồng sư, đồng đạo, trân quý những thâm ân nghĩa phụ tử tình Thầy trò, chúng con mạo muội làm thành quyển Kỷ yếu, ghi lại những hành trang của Thầy, thể hiện những tình cảm của những người con, những pháp lữ dành cho Thầy. Tất cả dệt nên những dòng chữ, kết thành những trang thơ, gói ghém bao điều thương tiếc, hoài niệm trong trang giấy thơm để anh em chúng con và những thiện tín mỗi khi đọc lại sẽ thấy Thầy mãi mãi trong trái tim của mọi người.

Làm công việc này, huynh đệ chúng con chỉ xin được thành tâm dâng lên cúng dàng Giác Linh Hòa thượng Tôn sư cũng là để sách tấn anh em chúng con trong bước đường tu học.

Kính mong Chư tôn Thiền đức, thiện hữu tri thức từ mẫn cố đại từ mẫn cố bố thí cho những khiếm khuyết trong tập Kỷ yếu này. Ðồng thời chúng con xin thành tâm tri ân mọi sự đóng góp bài vở, hình ảnh, tư liệu và khuyến khích của tất cả quý vị. Nguyện hồng ân Tam bảo che chở, gia hộ tất cả chúng ta đầy đủ phúc duyên để luôn luôn được sống trong ngôi nhà Chánh pháp, tôn kính Tam bảo, phát tâm phụng sự chúng sinh, cúng dàng chư Phật.

Trân trọng

Chùa Hoa Nghiêm, ngày 1 tháng 6 năm 2003

Ban thực hiện Kỷ yếu


Phần I


Tiểu Sử

Hòa Thượng Tôn Sư
Thư
ợng Trung Hạ Quán

Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Ðại Từ Ðại Bi A Di Ðà Phật

Nam Mô Kim Liên Ðường Thượng Lịch Ðại Tổ Sư Tác Ðại Chứng Minh

I - Thân Thế

Hòa Thượng Thích Trung Quán, đạo hiệu Thanh Quất, thế danh Vũ Thanh Quất sinh ngày 9 tháng 6 năm Mậu Ngọ trong một gia đình hiền lương tại làng Hạ Kỳ, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Ðịnh, miền bắc Việt Nam.

Thân phụ là cụ ông Vũ Ðình Duật, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Nhiên. Hòa thượng là người con thứ hai trong gia đình gồm 2 trai và 2 gái.

II - Xuất Gia Tu Học

Hòa thượng thân đọc lịch sử tổ Huyền Quang thi đỗ trạng nguyên mà vẫn cắt tóc xuất gia, rời bỏ vinh hoa, không màn danh lợi, thiết tha cầu Ðạo, lấy am tranh làm đạo tràng, nhận vải thô làm y phục; nhờ đó Hòa thượng đã thấu hiểu lý vô thường của vạn hữu,  mùi tạm bợ của quyền uy, Ngài tìm đến Tổ đình Kim Liên (Ðồng Ðắc) Ninh Bình để tầm sư học đạo. Tổ đình Kim Liên vốn là chốn địa linh nhân kiệt, sản sinh nhiều bậc xuất trần thượng sĩ. Hòa thượng cầu xin thế phát xuất gia với Hòa thượng thượng Ðức hạ Nhuận (Tổ Ðồng Ðắc). Sau đó, Ngài được Sư tổ truyền cho giới Sa di và giới Tỳ khưu.

Từ khi sơ tâm xuất gia, Ngài luôn tinh tiến tu hành, chuyên cần học tập giáo pháp Phật đà và đặc biệt Ngài có nhân duyên thù thắng với bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa; cho nên Ngài đã nhập tâm và hằng ngày đều trì tụng bộ kinh Ðại thừa thâm nghĩa này. Dưới sự dìu dắt dạy bảo ân cần của Sư tổ, cộng với sự quyết chí cầu tiến của bản thân. Hòa thượng luôn nhất tâm học tập kinh luật và hành trì lễ bái, cung kính tôn trọng các bậc trưởng thượng, hòa nhã nhún nhường với đệ huynh.

Hòa thượng là một trong những đệ tử đắc pháp với Sư tổ Ðồng Ðắc (đức Ðệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam).

III – Sự Nghiệp Hoằng Truyền Chánh Pháp

Hòa thượng được Tổ truyền thừa và giao trách nhiệm vào Nam để hoằng pháp. Tại Thanh Minh thiền viện, Hòa thượng đã đem giáo lý Phật đà giảng dạy và khai hóa tâm địa cho nhiều người hữu duyên.

Năm 1959, Hòa thượng nhận lời thỉnh cầu của cố đại Hòa thượng Thích Lương Sơn (cụ Thanh Tuất) sang Ai Lao để hoằng dương Phật pháp. Ngài đã phát huy vai trò “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” tại nơi đây và là một trong những vị đầu tiên truyền bá tư tưởng Phật giáo Ðại thừa tại xứ này. Khắp 3 miền: Thượng, Trung, Hạ Lào, Ngài đã khai sơn cũng như đóng vai trò lãnh đạo tinh thần 10 ngôi chùa. Trong những ngôi Phạm vũ huy hoàng đó, nổi bậc nhất là ngôi chùa Phật Tích tại miền Thượng Lào (Luang Prabang) và chùa Bàng Long tại thủ đô Viên Chăn.

Năm 1977, cố đại lão Hòa thượng Thích Chân Thường viện chủ chùa Quan Âm cung thỉnh Hòa thượng sang Pháp hoàng dương Phật Ðạo, Ngài đã truyền bá Giáo lý Ðại thừa tại các Tổ đình Quan Âm và Hồng Hiên.

Năm 1981, vì sự nghiệp “Hoằng pháp vi gia vụ, Lợi sinh vi bổn hoài” Hòa thượng sáng lập chùa Hoa Nghiêm. Ðây là dấu ấn đầu tiên Ngài hóa Ðạo trên đất Pháp.

Trong hơn một thập niên, Hòa thượng đã kiến tạo thêm 2 ngôi chùa: Ðó là chùa Pháp Vương tại Noyant và chùa Hoa Nghiêm tại Bruxelles (Vương Quốc Bỉ). Ngoài ra, cũng có nhiều ngôi chùa đã nương vào công đức Ngài được thành lập và suy tôn Hòa thượng là vị lãnh đạo tinh thần tối cao cho các đạo tràng, tiêu biểu là chùa Phật giáo Việt Nam tại Seattle (Mỹ Quốc), chùa Nhân Vương tại Troyes, chùa Hoa Nghiêm tại Grenoble, chùa Kim Quang tại Bobygny, chùa Hộ Quốc tại Roubaix, chùa Từ Ân tại Bonneville.

Năm 1991 Ngài được cung thỉnh làm Yết - ma tại Giới đàn chùa Vạn Phật Thánh Thành ở Mỹ quốc, trong Giới đàn này Hòa thượng Tuyên Hóa làm Ðàn Ðầu Hòa thượng.

IV - Sự Nghiệp Dịch Thuật và Biên Soạn

Hơn 60 năm xuất gia tu đạo, với trình độ Phật học uyên thâm, quảng bác và giới đức trang nghiêm, thanh tịnh; Hòa thượng được suy tôn là một trong những tàng cây đại thụ cho Phật giáo Việt Nam tại Hải ngoại.

Ngoài sự nghiệp tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, Hòa thượng dành nhiều thời giờ cho việc phiên dịch và biên soạn kinh điển để giúp Tăng Ni, Phật tử có thêm tài liệu nghiên cứu, tu học. Hòa thượng đã để lại một gia tài Pháp bảo vô giá. Trong gia tài Pháp Bảo trân quý này, nổi bậc nhất là: bộ Ðại Trí Ðộ luận, kinh Hiền Ngu, kinh Phật Bản Tập Hạnh, kinh Thiện Ác Nhân Quả, kinh Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật, kinh Nghiệp Báo Sai Biệt, kinh Ðại Thông Phương Quảng, kinh Phật Thuyết Ðại Thừa Tạo Tượng Công Ðức, Chư Kinh Toát Yếu Truyện, kinh Vãng Sinh Luận, kinh Nhân Vương Hộ Quốc, kinh A Hàm (cảo bản), Biện Minh Tu Chứng tập I, Biện Minh Tu Chứng tập II, v.v..

Với trên 30 tác phẩm biên soạn và dịch thuật, Hòa thượng đã để lại hàng hậu học một gia tài Pháp bảo vô giá và góp phần xiển dương Chính Pháp làm cho Giáo lý đức Phật trường tồn bất diệt.

V - Nhiếp Hóa Ðộ Chúng

Hòa thượng đã truyền thụ Tam quy Ngũ giới, cho hàng nghìn thiện nam tín nữ từ Việt Nam, đến Ai Lao, rồi các nước trên Châu Âu cũng như trên khắp thế giới.

Tại các đạo tràng ở Lào, Hòa thượng đã độ được hơn 20 vị Tăng và hơn 30 vị Ni xuất gia cũng như ngàn nghìn thiện nam, tín nữ quy y.

Nơi Tổ đình Hoa Nghiêm, Paris Pháp quốc, Hòa thượng đã thế phát xuất gia và lập đàn truyền giới cho 12 vị Tăng và 26 vị Ni, đồng thời hàng nghìn thiện nam, tín nữ cũng phát tâm quy y và thụ giới với Ngài.

Những đệ tử xuất gia trung kiên với Hòa thượng như: Thượng tọa Thích Minh Chiếu, Thích Ðức Thắng; Ðại đức Thích Minh Ðịnh, Thích Minh Ðăng, Thích Viên Giác, Thích Viên Mãn… Các vị đệ tử xuất gia nay y chỉ với Hòa thượng như: Ðại đức Thích Viên Minh… Về Ni giới như: Ni sư Thích Nữ Ðàm Lương (nay kế vị Hòa thượng trong chức vị Trú trì tổ đình Hoa Nghiêm), quý Sư cô Thích Nữ Ðàm Phương, Thích Nữ Ðàm Chất, Thích Nữ Ðàm Liên, Thích Nữ Ðàm Như…

VI - Lập Hạnh Tu Trì

Hòa thượng bản tính vốn hiền hòa, Ngài thường dùng thân giáo hơn là khẩu giáo để khích lệ tứ chúng tu hành. Suốt cuộc đời tu hành, Hòa thượng chỉ một lòng với Ðạo, lấy sự tu nhẫn nhục làm đầu, nương đức từ bi hỷ xả làm trọng, lập nguyện bố thí làm hạnh, lục thời lễ lạy Hồng danh chư Phật, trì tụng bộ Ðại thừa Diệu Pháp Liên Hoa kinh. Ðó chính là thời khóa công phu hằng ngày của Hòa thượng, dù trong lúc khỏe mạnh hay khi tứ đại bất hòa, Ngài vẫn không bao giờ xao lãng.

Một nét đẹp trong cuộc đời hành đạo của Hòa thượng là cho dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, Ngài cũng lập chùa, tạo tượng. Nhiều tôn tượng đức Bổn Sư, chư vị Bồ tát do chính tay Ngài đắp lấy. Ðó cũng là một hạnh nguyện đặc biệt rất hiếm có với bất kỳ Tăng sĩ nào.

Rồi, thời gian đã trãi qua hơn nữa thế kỷ, dù hoàn cảnh có đổi dời, xuân hạ thu đông 4 mùa thay áo, Hòa thương hoằng pháp ở bất cứ nơi đâu, giáo hóa chúng sinh ở bất cứ nơi nào. Ngài từ sơ tâm xuất gia cho đến ngày nay vẫn chỉ có ba y, bình bát cùng với công phu tu hành, lập nguyện độ sinh, khiêm cung hòa nhã, mà đức độ của Ngài vẫn tỏa sáng khắp mọi nơi làm bóng mát che chở cho muôn  người, làm gương sáng cho hàng tứ chúng nương tựa.

VII – Viên Tịch

Thế rồi:

                        Sinh như thể đắp chăn đông

                        Tử như cởi áo hạ nồng khác chi

                        Xưa nay các pháp hữu vi

                        Không sao tránh khỏi biệt ly vô thường

Dòng thời gian dần trôi, nhật nguyệt hằng đắp đổi. Bước chân Hòa thượng ngày càng mệt mỏi, thân tứ đại hiển hiện lý vô thường, Hòa thượng đã nhẹ gót quy Tây, xả bỏ báo thân, hội nhập pháp thân thường trụ vào lúc 2 giờ 30 phút sáng ngày 1 tháng 4 năm 2003 (nhằm ngày 30 tháng 2 Quý Mùi), trụ thế 86 năm, hạ lạp 66 tuổi.

Thế là Hòa thượng đã từ bỏ huyễn thân trong cõi hồng trần, đi vào cõi Niết bàn bất sinh bất diệt, nhưng gương sáng về trí tuệ, giới hạnh và tinh thần phục vụ Ðạo pháp của Ngài vẫn còn lưu mãi với thế gian, trong tâm tư ký ức của những người con Phật và trong lịch sử Phật giáo hiện tại và mai sau.

Nam Mô Ma Ha Sa Môn Tỷ Khưu Bồ Tát Giới Thích Trung Quán, Hiệu Thanh Quất, Ðại Lão Hòa Thượng Thiền Tọa Hạ Tác Ðại Chứng Minh.

 

Phần II

Ðiếu văn, tưởng niệm, cảm tạ ban tổ chức

Thượng Thủ Giáo-Hội Phật-Giáo Việt-Nam Trên Thế-Giới

Ðiếu Niệm

Giác Linh Cố Hòa-Thượng Thích-Trung-Quán

Viên-tịch tại chùa Hoa Nghiêm, Paris, 02 giờ 30 sáng ngày 01.04.2003 (30.02.Quý mùi), hưởng thọ 86 tuổi

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mưu Ni Phật

Kính bạch Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức Tăng, Ni,

Kính thưa  chư vị trong Môn đồ, Pháp quyến,

Kính thưa chư vị Phật tử,

Hôm nay là ngày thứ bảy: 12 tháng 04 năm 2003, tức ngày 11 tháng Ba năm Quý mùi, Phật lịch 2547, ngày tiễn đưa kim quan lên trà tỳ, hỏa thiêu nhục thân cố Hòa thượng Thích Trung Quán.

Trước kim quan Hòa thượng, tôi nhất tâm mật niệm Giác linh Hòa thượng: “Sa-bà báo mãn, Cực-lạc hoa khai, Sinh tử băng tiêu, chân thân tự tại, thể nhập Vô-sinh” và chia buồn cùng môn đồ, pháp quyến.

Tôi cũng xin chân thành tri ân công đức chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Ðại đức Tăng, Ni cùng chư thiện tín đã phát tâm vô ngại, trợ niệm về mọi mặt từ ngày mất, đến lễ trà tỳ, tang lễ cố Hòa thượng được nhiều phần chu tất.

Giờ đây, trong đạo tình, tôi xin phép, được ngỏ ít lời cùng cố Hòa thượng Trung Quán:

“Hòa thượng Trung Quán, tôi được gặp Hòa thượng tại chùa Ðồng Ðắc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Tôi có duyên cùng Phật pháp, được học và được thụ giới Sa di tại chùa Ðồng Ðắc năm tôi 17 tuổi (tức năm 1937) và thụ Tỳ Khưu giới năm 20 tuổi (tức năm 1940), tại chùa Bát Long của Tổ Phúc Chỉnh, cạnh thị xã Ninh Bình.

Tôi tham học tại chùa Ðồng Ðắc, một nơi, đông đảo Tăng Ni về tu học, được coi như Phật học đường, do Hòa thượng Pháp chủ Thích Thanh Thiệu, thế danh Phạm Ðức Nhuận chủ trì. Sau năm thụ Tỳ Khưu giới, tôi thường đảm trách chức vị Tri khách và Duy na tại Phật học đường Ðồng Ðắc. Năm tôi giữ chức vị Tri khách, Phật học đường Ðồng Ðắc, tôi gặp Hòa thượng, khi đó, Hòa thượng là chàng trai họ Vũ. Tôi tiếp chàng trai có đôi mắt sáng. Tôi được tỏ bầu tâm sự và có ý nguyện xuất gia. Tôi thương cảm và khích lệ thêm. Tôi hướng dẫn chàng vào đỉnh lễ Hòa thượng Pháp chủ. Ngài hoan hỷ chấp thuận cho chàng trai họ Vũ, thế phát xuất gia làm đệ tử của Ngài và, được pháp danh là Thanh Quất.

Sau vài năm là tới năm 1945 là năm, miền Bắc Việt Nam, mất mùa, đói lạnh, Nhật đảo chính Pháp. Tháng Ba năm 1945, tôi hướng dẫn Sa-di Thanh Phước và Hòa thượng, ba anh em gòng gánh đi  tham học tại chốn Tổ Phù Lãng, Bắc Ninh. Tháng 8 năm 1945, chúng ta trở về Ðồng Ðắc. Hòa thượng làm Thị giả cho Hòa thượng Pháp chủ, Thanh Phước tìm nơi ẩn tu và tôi đi dạy học tại chốn Tổ Phượng Ban, làm Phật sự tại vùng Ninh Bình vào năm 1948, Hòa thượng Pháp chủ đặc cử tôi trụ trì chùa Phúc Ðiền, làm Bí thư tòa Giám Luật Phật giáo Ninh Bình, Chủ tịch Phật giáo Kim Sơn kiêm Chủ tịch Phật giáo Nam, Ninh, Thanh, Thái. Tuy bận Phật sự, nhưng mỗi mùa an cư, tôi đều gặp Hòa thượng tại chốn Tổ Ðồng Ðắc. Sau năm 1954, di cư vào Nam, tôi biết Hòa thượng ở bên Lào, tôi có sang thăm tại chùa Phật Tích (Luang Pranbang). Sau năm 1975, tại Pháp, tôi thỉnh Hòa thượng về an trụ tại chùa Hồng Liên, Fréjus do tôi lãnh đạo tinh thần.

Với Hòa thượng, trong lúc trẻ, sớm thức tỉnh, tìm đường giải thoát, nên tính tình Hòa thượng ít nói cười, ít giao dịch, ít xông pha cho Phật sự, chuyên tâm tu niệm, xem sách, dịch kinh và tùy duyên độ chúng, làm chùa. Ngày nay, Hòa thượng còn có những Tăng Ni kế thừa, còn có những chùa truyền lưu lại, còn có những người được xem kinh sách của Hòa thượng để tiến tu, công đức ấy thực đáng tán thán.

Tuổi về già, trong bảy, tám năm nay, Hòa thượng vẫn khỏe, nhưng mang trong người một chứng bệnh hơi khó chịu, mỗi khi sang Pháp, tôi tới thăm Hòa thượng. Tôi thương cảm Hòa thượng! Ðột nhiên, khi tôi đang làm Phật sự tại Mỹ, được tin Hòa thượng thị tịch vào 2 giờ 30 sáng ngày 01 tháng 04 năm 2003. Hòa thượng thọ 86 tuổi.

Thôi, chúng ta gặp nhau trên cõi đời, chúng ta sống đạo trong giữa đời, chúng ta hiểu đời quá rõ. Mỗi người một công hạnh. Hòa thượng làm trọn cuộc đời, Hòa thượng an nhiên, theo chân các bậc Tiên-giác trở về nơi Niết bàn tịch tĩnh. Tôi mong, những  người thừa kế công nghiệp của Hòa thượng, noi gương Hòa thượng, cố gắng tiến tu và hòa đồng cùng đại chúng đem lại  nhiều lợi lạc cho đời và cho đạo.

“Tâm cảnh như như chỉ giá thị, hà lự bồ đề đại bất thành”.

Hòa thượng! “An định thức thần, vô sinh trực vãng!”.

 

Ðiếu Văn

Hòa thượng Thích Minh Tâm

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mưu Ni Phật
            Kính bạch Hòa thượng Thượng Thủ,

Kính bạch Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức Tăng, Ni,

Kính thưa  Môn đồ pháp quyến cố Ðại lão Hòa thượng Thích Trung Quán.

Sự ra đi của cố Ðại lão Hòa thượng trong lúc này, quả là một mất mát to lớn đối với Giáo hội, đối với chư Tăng Ni, nhất là hàng hậu học, những người mới phát tâm xuất gia, cần phải nương nhờ nơi ân đức của bóng cây cổ thụ, của các bậc tôn trưởng. Giờ đây, Ngài đã ra đi… Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu xin chân thành phân ưu cùng với môn đồ pháp quyến của cố Ðại lão Hòa thượng và nguyện cầu Giác linh cố Hòa thượng Cao Ðăng Phật Quốc, Thượng Phẩm Thượng Sanh, Ðắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, nhiên hậu hoàn đáo ta bà, hướng dẫn hậu lai theo con đường tu hành, báo ân Phật đức mà cố Hòa thượng đã vạch ra từ bao lâu nay.

Kính bạch Giác linh cố Hòa thượng,

Ðối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu, với cương vị Chứng minh Ðạo Sư, Ngài luôn luôn hoan hỷ phủ dụ, khuyến tấn Tăng Ni trong sứ mệnh hoằng pháp lợi sinh. Mặc dầu Ngài tuổi cao, sức yếu, không thể trực tiếp gần gũi. Nhưng mỗi lần chư Tăng Ni đến vấn an đảnh lễ, Ngài đều ân cần thăm hỏi, khích lệ tu hành. Ðó là những thông điệp quý báu gởi đến tất cả hàng Phật tử, nhất là giới xuất gia luôn luôn coi trọng để học hỏi, noi theo. Ân đức cao cả đó, không làm sao có thể quên được.

Riêng đối với chùa Khánh Anh thì cá nhân chúng tôi không thể quên được ân đức của cố Ðại lão Hòa thượng. Gần đây thôi, khi rước tôn tượng Bổn Sư về chùa mới và làm lễ tôn trí vào ngày 20/10/2002. Chúng tôi nghĩ rằng ngôi chùa cũng chưa hoàn thành và sức khỏe của Hòa thượng cũng không được khả quan cho lắm. Nên không dám cung thỉnh Ngài đến chứng minh buổi lễ. Trong lòng nghĩ đến ngày đại lễ an vị hay Khánh thành sẽ tổ chức trang nghiêm trọng thể hơn, và lúc đó sẽ cung thỉnh Hòa thượng. Nào ngờ trưa hôm ấy, Ngài đột suất viếng thăm đạo tràng chùa Khánh Anh mới ở Evry giữa tiếng reo mừng của Phật tử và sự xúc động của chư Tăng, Ni hiện diện hôm đó.

Hôm nay, ngày Lễ an vị tại chùa Khánh Anh cũng chưa tới, ngày đại lễ Khánh thành lại còn xa hơn. Nhưng Hòa thượng đã ra đi về cảnh giới của chư Phật. Chắc Ngài đã biết trước điều này chăng, nên mới có sự xuất hiện bất ngờ ngày hôm ấy. Ðó là hình ảnh sau cùng của Hòa thượng đã khích lệ chúng tôi rất nhiều để cố gắng hoàn thành ngôi Tam Bảo ngõ hầu cúng dường chư Phật, chư liệt vị Tổ Sư đã dày công thắp sáng ngọn đèn Chánh pháp trong hoàn cảnh khó khăn ở hải ngoại từ bao lâu nay.

Kính bạch Giác linh Hòa thượng,

Kính thưa chư Tôn Ðức và quý liệt vị,

Lẽ vô thường không ai tránh khỏi. Các pháp hữu vi đều không ra khỏi vòng sinh diệt. Nhưng vẫn còn mãi mãi những gì không bị chi phối trong tử sanh biến đổi thường tình.

Chính vì lẽ đó, trước giờ di quan, trả huyễn thân trở về cát bụi, đệ tử tứ chúng, chư Tăng, Ni chí thành cầu nguyện Giác linh cố Hòa thượng luôn luôn hiện chứng trong cảnh Vô Dư Niết Bàn để hóa độ chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông, Nhịp Thập Thất Thế, húy thượng TRUNG hạQUÁN Giác linh Hòa thượng tác đại chứng minh.

Cảm niệm Ân Sư

của Môn Ðồ Pháp Quyến

(Ðọc trước giờ cung thỉnh Kim quan Hòa thượng Trà tỳ, ngày 12/04/2003)

Nam Mô Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Phật

Kính bạch Giác linh Hòa thượng Tôn sư

Ðất Pháp hôm nay trải nắng vàng

Hoa Nghiêm cảnh vật đượm màu tang

Thầy đà yên nghỉ nghìn thu giấc

Ngơ ngác chúng con lạc mất đàn.

Than ôi!

Chỉ còn vài giây phút nữa thôi, chúng con thực sự vĩnh viễn không còn nhìn thấy tôn dung của Ân-sư, mãi mãi không còn được quỳ dưới chân Người để được nghe những lời giáo huấn khi tiết hạ hay xuân về. Tất cả chỉ còn ghi trong ký ức, cô đọng thành những nét son tô đậm tình phụ tử, nghĩa thầy trò.

Nhớ lại ngày nào!

Từ khi huynh đệ chúng con có cơ duyên xuống tóc theo Thầy xuất gia, Tôn sư đã hết lòng răn dạy bao điều không những chỉ bằng ngôn từ trong Tam Tạng Thánh Ðiển mà còn qua thân giáo uy nghiêm.

Chúng con từng nghe!

Thân giáo dưỡng một đời  nên huệ mạng

Nghĩa Tôn sư muôn kiếp khó báo đền.

Trong kiếp đời này, huynh đệ chúng con thân được 3 y, tâm tròn giới thể đều nhờ Ân sư mà được. Hiểu đạo nhiệm mầu, tinh tiến lễ tụng đều do Ân sư mà nên. Thử hỏi công đức đó, ân thâm này bao thuở đền đáp cho cân?

Và rồi!

Tuổi đã cao niên vóc hạc gầy

Thanh cao cốt cách gậy cầm tay

Nắng chiều loang loáng vàng y áo

Ngõ trúc còn vương nhẹ gót thầy

Chúng con mong tưởng Ân sư sẽ trụ thế lâu dài với chúng con trong mái ấm đại gia đình Hoa Nghiêm, bởi vì huynh đệ chúng con tuy có lớn có nhỏ nhưng đạo tâm chưa vững, đạo lực chưa sâu, chưa thể nào gánh vác được sự nghiệp Tôn sư đã suốt đời gầy dựng. Nhưng nào ngờ:

Trăng Lăng già im bóng

Mây Linh thứu ngừng trôi

Bát nhã thuyền rời bến

Hương sen tỏa ngát miền.

Sự ra đi của Ân sư là một sự mất mát to lớn của chúng con và của những người thiện nam tín nữ một lòng khát khao mong tìm bình an trong tâm hồn. Chúng con tự nghĩ: Cho dù trăm nghìn kiếp lăn lộn trong chốn nhân gian cũng không thể nào tìm được vị Thầy đức độ khoan dung như Tôn sư. Thầy đã sống một cuộc đời khiêm cung giản dị, lấy nhẫn nhục làm trang sức, lấy từ bi làm gấm hoa. Cho nên, chúng con dù có khôn lớn đến bao nhiêu vẫn mãi là những trẻ dại mỗi khi quỳ dưới chân Thầy.

Than ôi!

Lẽ tử sinh còn còn mất mất

Luật vô thường sắc sắc không không

Thân người như đám bụi hồng

Như cơn gió thoảng như triều hương giang.

Giờ đây, trước giờ phút thiêng liêng, huynh đệ chúng con quỳ trước Ân sư xin nguyện thực hành những lời dạy qua thân giáo của Thầy, qua công hạnh của Thầy và cúi xin Thầy tha thứ những lỗi lầm huynh đệ chúng con lỡ gây tạo. Cúi xin Giác linh Hòa thượng Tôn sư thùy từ chứng giám. Và gia hộ cho huynh đệ chúng con được đầy đủ tâm lực, đạo lực để gánh vác và phát huy vĩ nghiệp mà Tôn sư để lại.

Huynh đệ chúng con xin đê đầu bái biệt Ân sư tôn kính.

Nam mô Tôn sư Ðại lão Hòa thượng húy thượng TRUNG hạ QUÁN hiệu Thanh Quất Giác linh thùy từ chứng giám.

Ân Thầy Nhớ Mãi

Ðọc tại buổi lễ Di quan của Sư cụ Trung Quán tại chùa Hoa Nghiêm (Pháp Quốc) (Thứ bảy 12-04-2003)

Kính bạch chư Tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức, Tăng Ni hiện diện trong buổi Lễ hôm nay.

Kính thưa quý vị đại diện các đoàn thể cùng quý đạo hữu, thân hữu.

Thay mặt Phật tử của Hội Phật Giáo Hoa Nghiêm tại Pháp, chúng con xin thành tâm đảnh lễ chư Tôn đức, Tăng Ni khắp nơi đã hoan hỉ vân tập tại nơi nầy để cầu nguyện và tiễn đưa Giác linh của Sư cụ chúng con đi về cõi Phật.

Chúng con không biết lấy gì để đền đáp thâm ân của chư liệt vị và chỉ xin cầu nguyện thập phương thường trú Tam bảo gia hộ cho quý Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức Tăng Ni và quý liệt vị thân tâm thường lạc, pháp thể khinh an, chúng sinh di độ, đạo quả viên thành.

Bây giờ chúng con xin phép được bày tỏ vài lời với Sư cụ chúng con trước giờ tiễn biệt.

Trước khi tiễn đưa Kim quan của Sư cụ ra khỏi ngôi Tổ đình Hoa Nghiêm để đi đến Les Ulis làm lễ Trà tỳ, chúng con xin thay mặt chư Phật tử hội Phật Giáo Hoa Nghiêm bày tỏ vài lời tiễn biệt để nói lên tấm lòng tri ân sâu xa của toàn thể tín đồ Phật tử Hoa Nghiêm nơi trú xứ của Sư cụ từ khi Ngài đặt chân lên xứ lạ quê người.

Phần đông Phật tử hiện diện hôm nay đều không quên một điều quan trọng là sau những năm tháng biến động tại Vương Quốc Lào bắt đầu từ 1972, rồi sau đó biến cố lịch sử đau thương năm 1975 tại Việt Nam, khiến cho một số đông đồng bào Việt Nam chúng ta phải bỏ quê cha đất tổ và quê hương thứ hai của họ tại Vương Quốc Lào cũng cùng chung số phận.

Thuận theo sự thăng trầm của lịch sử, Sư cụ cũng đã phải từ bỏ ngôi chùa Bàng Long tại Vientiane, thủ đô của Vương Quốc Lào để lánh nạn sang Pháp.

Ðã là người xuất gia, sự ra đi của Cụ không phải như trường hợp của chúng con, mà là để tiếp nối dìu dắt đàn con thơ dại, đã phải sống bơ vơ không nơi nương tựa, mỗi khi đặt chân lên xứ lạ quê người, vì không được ai hướng dẫn trong đời sống tâm linh.

Ðến xứ Pháp chúng con được gặp lại Sư cụ, đang như người lạc lõng giữa biển khơi, bỗng vớ được chiếc bè làm nơi nương tựa để vào bờ thoát khổ. Vì lẽ ấy mà chúng con cũng như mọi người Việt sống ở Vientiane trước đây cùng với một số người Lào gốc Việt đã tìm đến Sư cụ để được người an ủi, họ quay quần chung quanh Sư cụ để mong được Người tế độ.

Duyên quá khứ đã gieo, quả hiện tại đã trỗ, nên nhiều gia đình Phật tử đã đóng góp nhân lực, tài lực và cổ động để ngôi Già Lam tại Villeneuve le Roi do chính Sư cụ đặt tên là hội Phật Giáo chùa Hoa Nghiêm tại Pháp Quốc – Paris được hình thành. Hoa Nghiêm ngày nay, sau gần 30 năm Phật sự đã hiện diện trên khắp thế giới, công đức ấy làm sao nói hết được.

Lẽ thường, có sinh phải có diệt, duy chỉ có pháp thân mới là thường trụ. Nay thân tứ đại của Sư cụ đã hoại, nhưng hình bóng (pháp thân) của Sư cụ vẫn tồn tại mãi trong tâm hồn chúng con. Nhờ sự giáo hóa của Sư cụ, Phật tử Hoa Nghiêm trí khai, huệ mở, biết rõ việc thiện phải làm, việc ác phải tránh, giữ tâm ý cho trong sạch, đó cũng là khế hợp với lời chư Phật Thế Tôn đã dạy.

Sư cụ đã không quản ngại nhọc nhằn, nhất là tuổi đã quá cao và sức lại yếu, thế mà công việc giáo hóa của Sư cụ vẫn không gián đoạn. Nếu không có được Sư cụ hướng dẫn tu tập thì có lẽ suốt cuộc đời nầy và mãi mãi cho đến các kiếp vị lai, chúng con cũng chỉ sống mãi trong đêm dài tăm tối. Cho nên với người Phật tử Hoa Nghiêm, việc tri ân cao quý nhất đối với Sư cụ chính là pháp cúng dường có nghĩa là tuân theo lời Sư cụ đã chỉ dạy, noi theo gương lành của Sư cụ, cố gắng làm những gì như Sư cụ đã làm khi còn tại thế.

Giờ chia ly tiễn biệt đã đến, chúng con biết làm sao bộc bạch hết nỗi lòng thương tiếc đối với Sư cụ, nỗi đau buồn trước cảnh phân ly, thậm chí như đức A Nan mà cũng phải ngậm ngùi rơi lệ khi Ðức Thích Tôn sắp vào Niết bàn, thì làm sao chúng con tránh khỏi thông lệ ấy, giây phút nầy chúng con bèn nhớ lại lời Phật dạy với các đệ tử là “Có sinh phải có tử, các ông không nên quá bi sầu”, để tự kềm chế những giọt lệ sắp tuôn trào.

Kính xin vĩnh biệt Sư cụ, xin Sư cụ chứng giám cho lòng thành của toàn thể Ðệ tử chúng con và xin kỳ nguyện Giác linh Sư cụ cao đăng Phật Quốc.

Chúng Ðệ tử hội Phật Giáo Hoa Nghiêm tại Pháp kính bái.

Tâm Hương

(Ðọc trong lễ tưởng niệm trước khi thỉnh Kim quan Trà tỳ)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Trăm năm thân tạm bợ,

Ba cõi cuộc phù du,

Ðấng trượng phu lấy huyễn thân đắp bồi đạo nghiệp

Bậc thiện trí nương hơi thở thăng hoa trí giác,

Nhớ bình sinh một kiếp,

Sinh một nơi,

Tu học một nơi,

Hoằng đạo một nơi,

Ðâu đâu cũng làm cõi Phật,

Giới riêng tu,

Y riêng mầu,

Nguyện riêng mang,

Nhất thiết chúng sinh đều là quyến thuộc.

Từ trong lòng,

Cảm Phật ân,

Không qua dài giòng lý sự.

Nơi kinh cổ,

Tường lẽ đạo,

Vượt ngoài thế trí biện thông.

Tuổi cao mà chí nguyện dịch kinh, trước tác,

Khiến hậu sinh phải thẹn.

Lạp trưởng mà hạnh đức khiêm nhu,

Làm bốn chúng học đòi.

Kìa Trí độ luận nọ Ðại bảo tích kinh,

Sách Bản hạnh nghi ân xưa từ phụ.

Kinh Phật sử chép hạnh lớn Thế tôn,

Ðạo tràng cứu độ khách trầm luân,

Ðức lớn cảm hóa người hữu hạnh,

Sống làm thân tùng bách che chở môn đồ đệ tử,

Thác nêu đức trí,

Gương sáng, vị thiện tín tăng ni,

Nguyện Ngài chóng thành đạo cả.

Dâng nén tâm hương,

Thành tâm kính bái.

Thượng tọa Thích Chơn Trí

Ðiếu Văn

Nam Mô Kim Liên Ðường Thượng Lịch Ðại Tổ Sư Tác Ðại chứng minh

Nam Mô Ma Ha Sa Môn Bồ Tát giới Pháp húy thượng Trung hạ Quán Ðại lão Hòa thượng ân sư thùy từ chứng giám.

Nhớ Giác linh xưa:

Xuất thân nơi địa linh thánh triết

Tại làng Hạ Kỳ thế phiệt gia phong

Phú Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Ðịnh Vũ công

Dòng lễ giáo, tổ tông của nhân kiệt.

Một lòng với đạo mầu tha thiết

Từ giả lợi danh, chí quyết hạnh ly gia

Vách lá am tranh, “an bần hạnh” là nhà

Ngộ lý vô thường, nhận ra mùi chung đỉnh.

Theo năm tháng dần trôi tăng thêm tịnh tín

Ngài đến tỉnh Ninh Bình để học đạo tầm sư

Tại tổ đình Kim Liên hội kiến bậc Ðại từ

Thế phát xuất gia với Tổ sư Ðồng Ðắc.

Thuở sơ tâm xuất gia được tổ sư dìu dắt

Ngài nổ lực tinh cần với giáo nghĩa Bắc truyền

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là một trong những thắng duyên

Trì tụng nhập tâm nghĩa diệu huyền vô lượng.

Học tập kinh, luật, lễ bái hành trì theo sư trưởng

Sống đời sống khiêm cung, hòa nhã nhún nhường

Ngài được tổ truyền thừa đi bố giáo Nam phương

Thiền viện Thanh Minh là chặng đường đầu giáo hóa.

Tâm nguyện học và sống theo Ðạo cả

Dùng giáo lý Phật Ðà chuyển hóa khai tâm

Tăng tục hữu duyên quy tụ chốn tòng lâm

Ðều hỷ dạ thanh tâm đón nhận dòng sửa pháp.

Ngài nhập hạnh vô duyên từ của Bồ tát

Sang Ai Lao chuyển vận pháp Ðại thừa

Thượng-Trung-Hạ Lào noi theo dấu chân xưa

Bao Thiện tín, Tăng ni, bao Phạm vũ huy hoàng được đượm nhuần mưa Pháp.

Chùa Hoa Nghiêm đầu tiên Ngài sáng lập

Nơi ánh sáng kinh đô trải mấy thập niên qua

Với công hạnh độ sanh, hoằng pháp là nhà

Ngài kiến tạo thêm Già lam, Phạm sát.

Chùa Pháp Vương, chùa Kim Quang nơi đất Pháp

Rồi Hộ Quốc, Từ Ân… đều tọa lạc tại Châu Âu

Ðức dĩ hóa nhơn, Hòa thượng Ðàn đầu

Truyền giới pháp cho Tăng Ni hậu duệ.

Thiện tín thọ Tam quy với Ðạo mầu xuất thế

Nương theo Ngài vượt bể khổ, sông mê

Hiểu được trần gian là cõi tạm, nẻo đi về

Ðạo giải thoát mới là đường siêu thế.

Hơn sáu mươi năm Ngài hành theo đại thệ

Nguyện báo Phật ân, hầu kế vãng khai lai

Bằng giới đức trang nghiêm, Tư-Tu-Huệ biện tài

Xứng danh bậc “Thạch thụ tòng lâm” nơi hải ngoại.

Nhiều tác phẩm trước thuật Ngài lưu lại

Là gia tài Pháp bảo cho hậu lai

Là Kim chỉ nam; là tâm huyết của đời Thầy

Là hạnh nguyện, là cây đại thọ.

Ðại Trí Ðộ Luận, kinh Hiền Ngu còn đó

Phật Bản Hạnh kinh in rõ dáng chân sư

Thiện Ác Nhân Quả kinh đượm hương đức bậc đại từ

Sám hối Diệt Tội kinh… có dư hơn 30 tác phẩm.

Cuộc đời Thầy luôn nêu gương tinh tấn

Hỷ xả từ bi, hạnh nhẫn nhục ba la

Thân giáo của Thầy là đức tính hiền hòa

Hành Bố thí, trì Pháp Hoa miên mật.

Lễ bái lục thời Hồng Danh chư Phật

Là thời khóa hằng ngày, là mật hạnh của Ân sư

Luôn hạ thủ công phu hơn nữa thế kỷ dư

Luôn thắng vượt lẽ thật hư của tứ đại.

Công hạnh Thầy là “tương ưng hạnh giải”

Vì hoằng pháp vi gia Thần quản ngại khó khăn

Vì lợi ích chúng sanh Thầy chẳng sờn lòng

Dẫu xuân hạ thu đông bốn mùa thay áo.

Với một bình bát, ba y giản đơn hành đạo

Với hạnh khiêm cung mà bố giáo muôn nơi

Với tính nhu hòa mà đức tỏa rạng ngời

Với tâm vô duyên từ chính là nơi y chỉ.

Thế rồi,

Dòng thời gian trôi qua không tư vị

Không nể tình, không chú ý pháp hữu vi

Không nương tay, không trừ cảnh biệt ly

Không thấu hiểu nỗi sầu bi của pháp quyến.

Kính bạch Ân sư,

Tuy vẫn biết là Thầy theo hạnh nguyện

Thuận thế vô thường hiển hiện chân như

Quảy dép về Tây hội kiến đấng Ðại Từ

Duyên ký tất, ghi danh vào Phật sử.

Chúng con vẫn biết:

“Bí thảo điêu tàn du vị tử

Ðàm hoa lạc khứ hữu dư hương”[1]

Nhưng thiếu vắng Ân sư nỗi kính tiếc không lường

Không ngăn được giọt sầu vương trong tâm khảm.

Nói sao biết trái tim Thầy từ mẫn

Cả đời Người luôn nghĩ việc giáo nhân

Càng nhớ, càng thương, càng kính tiếc bội phần

Khi Ân sư đã thâu thần thị tịch.

Than ôi!

Cõi trời Âu, khói sương giăng mờ mịt

Ðất Pháp mây sầu như cảm kính bậc danh Tăng

Thất chúng rưng rưng nhỏ lụy triêm cân

Pháp quyến ngậm ngùi sầu dâng khóe mắt.

Bởi lẽ,

Bậc hiền nhân đã dự vào dòng sử Phật[2]

Như hạc vàng đã cất cánh nhàn du

Sự nghiệp bao năm nay gửi lại chốn Diêm phù[3]

Xả huyễn thân Thầy về nơi Vô Trụ.

Nhìn lại:

Nơi Thiền thất đèn mờ hương khói phủ

Phương trượng án nghi hoa ủ rũ khóc Người

Ðâu dung mạo từ bi, đâu giọng nói, đâu nụ cười?

Ðâu hơi ấm của người Thầy khả kính?

Kể từ nay, cuộc hành trình vô hạn định

Ai sẽ dìu dắt, ai thức tỉnh khuyên răn

Ai rọi ánh từ quang cho thêm lớn tín căn

Ai giữ tâm thăng bằng cho hội chúng?

Chắc là phải nương vào sở dụng[4]

Những công trình bậc trí dũng đã gởi trao

Ðể giảm lược niềm đau, để ngăn bớt lệ sầu

Ðể “kế vãng khai lai,” để tròn câu Thích tử.

Giờ đây,

Trước phút giây tiễn biệt Ân sư

Chúng con nguyện giữ hạnh “Văn-Tư-Tu.”

Quyết noi dấu chân sư, quyết không phụ lòng từ

Cung kính nguyện Kim đài Thầy đoan ngự.

Nhất tâm đảnh lễ

Nam mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Nhị Thập Thất Thế Hải Ngoại Pháp Quốc, khai sơn Hoa Nghiêm viện chủ húy thượng TRUNG hạ QUÁN Vũ Công Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám

Pháp tử

Thích Ðức Thắng

Cảm Tạ

Ban tổ chức Tang lễ và Môn đồ pháp quyến

Ðọc trong lễ cung nghinh Kim quan cố Hòa thượng thượng Trung hạ Quán Trà tỳ ngày 11.03 Quý mùi – (12-04.2003) tại phòng tưởng niệm Crématorium L’Orme à Moineaux, Ulis.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Ngưỡng bạch Chư Tôn Hòa thượng Chứng minh

Kính bạch chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Ðại đức Tăng Ni

Kính thưa toàn thể Phật tử,

Kính thưa quý liệt vị!

Cố Hòa thượng THÍCH TRUNG QUÁN

Khai sơn chùa Hoa Nghiêm, Paris – Pháp quốc

Ðã viên tịch vào lúc 02 giờ 30 phút ngày 01 tháng 4 năm 2003

(tức nhằm ngày 30 tháng 2 năm Quý mùi)

tại bệnh viện Villeneuve Saint Georges,

Trụ thế 86 năm - Hạ lạp 66 năm.

Tang lễ cố Hòa thượng đã được tổ chức trang nghiêm trọng thể trong thời gian 12 ngày, từ ngày 01.04.2003 (nhằm ngày 30-02 Quý mùi) đến 112.04.2003 (nhằm ngày 11-03 Quý mùi) tại tổ đình Hoa Nghiêm 20 rue Jean Jacque Rousseau, 94290 Villeneuve le Roi, France, và hôm nay lễ tưởng niệm, cung nghinh Kim Quan Hòa thượng Trà tỳ đến đây thập phần viên mãn.

Thay mặt Ban tổ chức Tang lễ và Môn đồ Pháp quyến, chúng con thành kính niệm ân:

- Ðức Ðại lão Hòa thượng thượng TÂM hạ CHÂU Thượng Thủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên thế giới. Chứng minh và trưởng ban tổ chức Tang lễ.

- Hòa thượng Thích Minh Tâm, Hội chủ Hội đồng Giáo phẩm Trung Ương kiêm Chủ tịch Ðiều hành GHPGVN Thống nhất Âu châu. Chấp lệnh Tang lễ.

- Thượng tọa Thích Tánh Thiệt, viện chủ chùa Thiên Minh Lyon, Phó ban thường trực tổ chức Tang lễ.

- Thượng tọa Thích Trí Minh, Phương trượng chùa Khuông Việt Na Uy, Sám chủ tang lễ.

- Chư Tôn Thượng tọa, chư Ðại đức trong ban Kinh sư đạo tràng hộ niệm.

- Chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Ðại đức Tăng Ni các Giáo hội, Tổ Ðình, Tự viện, Tịnh thất, Niệm Phật Ðường, trên khắp thế giới.

 - Chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Ðại đức Tăng Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu.

- Chư Tôn đức Giáo hội Phật giáo Nguyên Thủy Pháp quốc.

- Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ, văn phòng 2 Viện Hóa Ðạo.

- Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Hải ngoại tại Úc Ðại Lợi, Tân Tây Lan.

- Chư Tăng Ni, Phật tử thuộc Môn hạ Vạn Phật Thánh Thành, Mỹ quốc.

- Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Tp.HCM, Việt Nam, Tổ đình Vĩnh Nghiêm Tp. HCM.

- Tổ đình Hương Tích, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Ðức, tỉnh Hà Tây, Việt Nam.

- Chư Tôn đức Tăng Ni thuộc các tự viện ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam.

- Chư Tôn đức thuộc Sơn môn Pháp phái, Tổ đình Ðồng Ðắc, Hòe Nhai, Quãng Bá ở Hà Nội.

- Giáo hội Phật giáo Tăng già Khất Sĩ Thế giới tại Pháp.

- Hội Phật giáo Việt Nam San Diego. Chùa Vạn Hạnh.

- Ðạo tràng Hộ niệm, Gia đình Phật tử của các chùa Hoa Nghiêm, Khánh Anh, Linh Sơn, Quán Âm, Khuông Việt. Quý vị Phật tử trong các ban Công quả, Trai soạn, Hành đường, Trang hoàng… Chấp tác trong thời gian Tang lễ.

- Ðại diện của Mairie Villeneuve le Roi, đội Công an giao thông.

- Y, Bác sĩ và nhân viên bệnh viện Villeneuve Saint Georges.

- Văn phòng Mai Táng Á Châu, quí vị Nhân viên của Crématorium L’Orme à Moineax, Ulis.

Kính thưa quý liệt vị.

Trong suốt thời gian tang lễ và thể theo sự thỉnh cầu của chúng con. Chư Tôn Ðức không ngại đường xá xa xôi, Phật sự đa đoan, cung tựu về đây chứng minh, hộ niệm, phúng điếu, chia buồn, gởi điện, fax, điện hoa, email phân ưu, giờ này buổi lễ được thập phần viên mãn. Chúng con không biết lấy gì để đền đáp công đức ấy, chỉ biết đầu thành đảnh lễ quý Ngài, thành tâm cầu nguyện chư Tôn Ðức Pháp Thể Khinh An, chúng Sanh Dị Ðộ.

Chúng tôi cũng xin chân thành cảm tạ các hội đoàn gia đình Phật tử và quý thiện hữu, đã dành thời gian quý báu đến đây cung tiễn Giác linh cố đại lão Hòa thượng cao đăng Phật quốc. Xin cầu nguyện chư Phật gia hộ quý vị thân tâm thường An Lạc, hạnh phúc miên trường.

Trong suốt thời gian tang lễ, vì quá đau buồn nên dù cố gắng đến đâu cũng không sao tránh khỏi những thiếu sót, ngưỡng mong chư Tôn thiền đức cùng quý liệt vị, niệm tình hoan hỉ.

Nam Mô Công Ðức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.

 


 


[1] Tạm dịch: Cỏ Bí (Bí Sô, Bí Khu, Tỷ Khưu) dẫn tàn nhưng chẳng mất – hoa Ðàm tuy rụng vẫn còn hương.

[2] Phỏng theo câu: “Hạc vàng vổ cánh về Tây Trúc Ðông độ danh Tăng Phật sử ghi.”

[3] Diêm phù đề/đàn, Nam diêm phù đề: cõi Ta bà, chỉ cho thế gian, cuộc đời này.

[4] Ý  nói đến công trình trước tác, dịch thuật Tam tạng của Hòa thượng.


---o0o---

Phần III

Thơ Văn, Tưởng Niệm

Hãy Noi Gương Sáng

TP. HCM, ngày 02-06-2003

Nam Mô A Di Ðà Phật

Kính gửi chư Tôn đức Tăng Ni

Và quí Phật tử trong Mô đồ Pháp quyến chùa Hoa Nghiêm

20 rue J.J. Rousseau

94290 Villeneuve LeRroi – France.

Thưa Quí vị,

Ngay sau được tin Giác linh Hòa thượng Thích Trung Quán, Viện chủ chùa Hoa Nghiêm tại Pháp viên tịch, chúng tôi đại diện chư Tăng Ni và Phật tử chùa Vĩnh Nghiêm, TP.HCM quê nhà, đã gửi điện sang phân ưu cùng Quý vị, và cầu nguyện Giác linh cố Hòa thượng được cao đăng Phật Quốc.

Sau tang lễ và Tuần chung thất Giác linh cố Hòa thượng, quý vị lại phát vô thượng Hiếu tâm, biên soạn tập kỷ yếu để cung tiến Hòa thượng Tôn sư nhằm đền đáp công ơn giáo dưỡng trong muôn một.

Cảm niệm Hiếu tâm và Hiếu Ðạo sâu đậm của Quý vị, chúng tôi chân thành chia sẻ Ðạo tình, kính dâng lên Giác linh cố Hòa thượng.

Tôi còn nhớ, đầu xuân 1950, trước khi trở lại Hà Nội, tôi có tới kính thăm Sư tổ chùa Ðồng Ðắc, là một trong mười vị Ðại Giới Sư của tôi. Thành ra cố Hòa thượng là pháp tử và tôi là giới tử của  Sư tổ Ðồng Ðắc.

Vào Saigon, đầu năm 1955, tôi gặp cố Hòa thượng ở chùa Thanh Minh thiền viện. Lúc đó Ngài đang dịch kinh Hiền Ngu. Về sau từ Lào sang Pháp, trụ trì chùa Hoa Nghiêm, Ngài lại dịch thêm hai bộ: Kinh Phật Bản Hạnh 60 quyển và Luận Ðại Trí Ðộ 100 quyển.

Sau khi Việt Nam thống nhất 1975, Sư tổ Ðồng Ðắc (Thích Ðức Nhuận) lên ngôi Pháp chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam 1981. Rồi đức Pháp viên tịch tại chùa Quán Sứ Hà Nội, Trụ sở Trung Ương của Giáo hội, vào thập niên 90. Trong đại tang này, tôi lại được gặp cố Hòa thượng Thích Trung Quán, từ Paris về Hà Nội để thụ tang và báo hiếu Tôn sư đức Pháp chủ.

Ðó là đôi điều mà chính tôi đã viết về quá trình Hoằng Pháp lợi sinh của Giác linh cố Hòa thượng. Mong rằng: Chư Tôn đức Tăng Ni và Quý Phật tử tại Pháp và Bỉ hãy noi gương sáng của Ngài để duy trì tốt ngôi chùa Hoa Nghiêm tại Pháp, bằng cách làm cho Tốt Ðạo Ðẹp Ðời cũng như một bông sen tươi mát luôn luôn làm cho cuộc đời được ngát thơm và tươi đẹp.

Nam Mô Ma Ha Sa Môn, Tỳ Khưu Bồ Tát Giới cố Hòa thượng Thích Trung Quán Thiền sư Giác linh thiền tọa hạ, tác Ðại chứng minh.

Hòa thượng Thích Ðức Nghiệp,

Thành viên Hội Ðồng Chứng minh Trung Ương, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam,

Trưởng ban quản trị chùa Vĩnh Nghiêm,và chùa Giác Minh, TP.HCM, Việt Nam, kính bái!

Thành Kính Cảm Niệm

Giác linh cố Hòa thượng Thích Trung Quán Ngài sinh ngày 09 tháng 6 năm Mậu ngọ tỉnh Nam Ðịnh - Bắc Việt.

Viên tịch 2 giờ 30 sáng ngày 30 tháng 02 năm Quí mùi (1-4-2003) tại tổ đình Hoa Nghiêm, Pháp quốc, trụ thế 86 năm, hạ lạp 66.

Ðêm nay cánh hạc lưng trời

Ðón Người sứ giả rạng ngời, hồi hương

Tổ Ðình chuông điểm sầu vương

Môn đồ, Pháp quyến hoa hương lệ thầm!

Trời Nam, đất Việt tin Người tịch!

Xúc động sầu dâng dạ đầy vơi…

Nhớ lại năm xưa ngồi đối ẩm

Dáng, lời siêu thoát nét tuyệt vời.

Biết nói gì, trùng dương muôn dặm

Người về, kẻ ở trĩu nặng sầu!

Sứ mệnh trăng tròn Người về trước

Trọn vẹn rồi, xin hẹn cùng nhau…

Trăm năm cõi mộng Người sớm tỉnh

Nương bóng từ quang nguyện ngoài vòng…

Gió sương mưa nắng không lùi bước…

Hóa độ ngàn nơi vẹn một lòng.

Ai cũng hiểu: có sinh thì có tử

Nhưng nào ai ngăn nổi lệ phân ly!

Biết đấy, mà lòng người đâu vượt thoát

Chăng là, còn nặng nghiệp, kiếp sầu bi?

Ðường trần muôn ngã đời son phấn

Bẩy chúng nương ai ở xứ người

Lênh đênh mặt nước thuyền không lái

Biết cậy ai đây giữa biển khơi!

Trãi qua năm tháng bao công đức

Quẩy dép về Tây chẳng vấn vương

Tăng ni, Phật tử lòng mến tiếc

Thành kính dâng Người nén tâm hương.

Trần thế từ đây Người vắng bóng

Thượng phẩm đài sen nét đặc thù

Hạnh nhẫn lòng người in đậm nét

Gương trong Từ Ðức mãi tăng thu.

Ðêm nay hoa tuyết trắng ngần

Tiền Người đức độ cõi trần về Tây

Hoa Nghiêm chánh điện hương bay

Vang vang lời nguyện bóng Thầy Tây Phương.

HT. Thích Quang Khải

Việt Nam – Quý mùi 2003

Tưởng Nhớ về Hòa thượng Thích Trung Quán

Vào một buổi chiều Xuân ngày 1-3 năm Quý mùi, khi mà Tăng Ni Phật tử trong Tổ đình chùa Hòe Nhai đang chuẩn bị làm lễ kỷ niệm ngày húy nhật tiền tổ, thì được tin Hòa thượng Thích Trung Quán ở bên Pháp thâu thần thị tịch, tôi và Tăng Ni Phật tử thật bàng hoàng xúc động. Vẫn biết thế gian vô thường, có sinh tất có diệt, nhưng sự ra đi của Hòa thượng đã làm cho Tăng Ni và Phật tử trong sơn môn pháp phái chúng tôi “vô cùng kính tiếc”:

Quảy dép về Tây chốn nghỉ ngơi

Hạc vàng cất cánh  chốn chân trời

Bóng nhạn đã khuất nơi trần thế

Kẻ ở người đi luống ngậm ngùi

Tôi và Hòa thượng Thích Trung Quán là anh em huynh đệ, cùng sơ tâm xuất gia tu học dưới mái chùa Ðồng Ðắc. Nay Hòa thượng cưỡi hạc về Tây, đã làm cho những kỷ niệm về Hòa thượng trong tôi được sống lại.

Nhớ Hòa thượng xưa, bản tính hiền hòa, mộ đạo Phật từ khi còn thơ ấu, thường đắp tượng Phật để tôn thờ, việc làm đó làm cho tôi liên tưởng tới hình ảnh cháu bé đã từng cúng dàng Ðức Phật nắm đất ở trong kinh có lẽ được tái sinh nơi Hòa thượng.

Vốn có duyên lành với Phật pháp, sau khi nhận ra lẽ vô thường, chí xuất trần phát khởi nơi tâm, Hòa thượng đã quyết chí xuất gia, được sự dìu dắt dạy bảo ân cần của Thầy Nghiệp sư là đức Pháp chủ đầu tiên của GHPGVN hiện tại, Hòa thượng một lòng cầu đạo, tinh tiến tu học, bao năm tháng nấu sử sôi kinh, giới luận tinh cần, sớm chiêu, chiều mộ; Từ khi còn là một vị Tỳ kheo trẻ tuổi cho đến sau này trở thành bậc thạch trụ trong tùng lâm, chưa bao giờ Hòa thượng sao lãng việc trì tụng kinh Pháp Hoa và đỉnh lễ hồng danh chư Phật, công năng tu tập của Hòa thượng, đã cho chúng ta thấy được là sau khi viên tịch làm lễ trà tỳ, Hòa thượng đã để lại cho đời rất nhiều những viên ngọc xá lợi quý báu.

Trong cuộc sống tu hành hằng ngày, Hòa thượng là người luôn luôn giữ phép lục hòa cộng trụ, thượng tùy hạ tiếp – Trên kính dưới nhường, thân ái với mọi người đã góp phần tạo nên sự đoàn kết giữa các hệ phái Phật giáo với nhau, cũng như sự hài hòa giữa đời với đạo.

Hòa thượng là bậc chân tu thạc đức, học vấn uyên thâm, vì thế dù hành đạo ở trong nước hay ở nước ngoài Hòa thượng đều đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một “Như lai sứ giả”. Nay Hòa thượng viên tịch, bao nhiêu chùa của ở Lào, Pháp, Bỉ do Hòa thượng sáng lập lấy ai là người lãnh đạo tối cao về tinh thần? Bao nhiêu Tăng Ni và Phật tử lấy ai là người hướng dẫn trên con đường tu tập? Câu hỏi này đã được Hòa thượng giải đáp bằng chính trên 30 tác phẩm do Hòa thượng dịch thuật, Ngài đã để lại cho hàng hậu học một gia tài pháp bảo vô giá, để các Tăng Ni và Phật tử biết nương vào chính pháp, nương tựa vào chính mình mà tu tập, góp phần xiển dương chính pháp lợi lạc quần sinh.

Thuận theo lẽ vô thường, ngày nay tuy Hòa thượng đã xả bỏ huyễn thân, nhưng công đức và đạo hạnh của Hòa thượng còn in đậm và sống mãi trong lòng Tăng Ni và Phật tử của Sơn môn pháp phái.

Hòa thượng Thích Thanh Khánh

Tổ Ðình Hòe Nhai

Mùa An Cư Kiết Hạ Phật Lịch 2547

Tưởng Niệm

Cố Hòa thượng Thích Trung Quán

Mới đó mà đến 100 ngày rồi. Quả thật thời gian trôi qua nhanh quá! Người xưa ví thời gian như bóng ngựa non chạy nhanh qua cửa sổ cũng như thế. Mới ngày nào đó Hòa thượng vẫn còn mạnh khỏe, da dẻ hồng hào. Với dáng điệu từ bi, bước đi khoai thai, thiền vị, luôn tôn kính giới luật và lấy giới luận làm đầu; nên có vị khách tăng nào xin đảnh lễ Ngài, Ngài đều luôn khua tay chối từ bằng một cử chỉ rất ư là từ ái.

Hôm nay có thầy Ðức Thắng là đệ tử của Hòa thượng có biên thư và nhờ tôi viết một bài để đăng vào kỷ yếu sau tuần bách nhật. Do vậy tôi chắp bút để viết lên những dòng chữ tâm thành nầy, nhất là sau khi đã tham dự tang lễ của Ngài và xem qua cuốn Video đã quay lại đời Ngài lúc còn hiện tiền cũng như lúc lâm chung. Tôi biết nói và biết viết gì đây cho một bậc Ðại Tăng có công với Ðạo trong việc xây dựng chùa chiền từ Việt Nam qua Lào, rồi từ Lào sang Pháp, qua Bỉ và đặc biệt là đào tạo Ni chúng cũng như Tăng tài và nhất là phiên dịch những bộ kinh có giá trị, trong đó có bộ Ðại Trí Ðộ Luận gồm 9 cuốn; mỗi cuốn độ 500 trang, gồm 100 quyển trực dịch từ Ðại Tạng kinh chữ Hán.

Tôi vốn ham đọc sách từ thuở nhỏ; nên đã có duyên đọc tác phẩm kinh Hiền Ngu của Ngài dịch từ năm 1964, 1965. Lúc ấy thấy có nhiều mẩu chuyện tìền thân của Ðức Phật rất hay nên tôi đã chăm chú đọc; nhưng không để tâm mấy đến tên của dịch giả. Mãi về sau nầy, những năm 1977, 1978, 1979 khi nào chùa Khánh Anh ở Paris cần sự hiện diện của tôi, lúc Hòa thượng Minh Tâm đi vắng, thì tôi lại qua xứ Pháp nhiều hơn và mỗi lần như thế, tôi đều có ghé thăm vấn an Hòa thượng. Lúc nào cũng thế, cũng chỉ một nụ cười rất đơn giản và trông có vẻ như một nhà nho, một vị Thiền sư. Thông thường tôi chỉ thăm Ngài chừng một tiếng đồng hồ và cáo từ. Vì Ngài rất bận rộn cho việc dịch kinh, dạy chúng.

Một hôm trong năm 1991 tôi đến thăm Hòa thượng, Hòa thượng có hỏi rằng: Chùa khánh thành rồi; nhưng thấy chưa xong, vì lý do vì thế? Tôi bạch rằng: Bạch Ngài. Lý do duy nhất chỉ vì vấn đề tài chánh còn trở ngại thôi. Nhân cơ hội nầy tôi đã xin phép Hòa thượng cho chùa Viên Giác tại Hannover mượn 20.000 FF, tương đương với 3.000 Euro bây giờ và Hòa thượng đã hoan hỷ. Ðến năm, 1998, khi Viên Giác đã thư thả, tôi có đem số tiền ấy xin hoàn lại Hòa thượng; nhưng Hòa thượng đã chối từ và bảo rằng: Ðó là Phật sự chung, hãy để đó chăm sóc cho chùa. Ơn nghĩa ấy biết bao giờ mới đền đáp được, mà lúc nào tôi cũng tâm tâm niệm niệm nơi cõi lòng, phải làm sao đây để báo ân Hòa thượng.

Sau nầy khi dạy cho chúng xuất gia ở Viên Giác, tôi đã đem bộ Ðại Trí Ðộ Luận của Ngài dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt và do Phật Học Viện Quốc Tế ở Mỹ ấn hành năm 1992 tại Hoa Kỳ và nay đang đọc đến quyển thứ 59 về phẩm Xá Lợi. Ðây là một bộ kinh Ðại Thừa rất vi diệu. Chúng tôi đã học 5 năm rồi, đến bây giờ mới hơn phân nửa kinh và còn 41 phẩm nữa có lẽ sẽ hoàn thành trong 4 năm tới. Vì lẽ mỗi tuần chúng xuất gia chỉ học với tôi một lần vào ngày thứ hai và chỉ có 1 tiếng rưỡi đồng hồ mà thôi.

Bơi lội trong biển cả bao la của Phật Pháp ấy do Ngài Long Thọ đề bạt chủ xướng, Ngài Cưu Ma La Thập dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán và ở cuối thế kỷ thứ 20, gần 2.000 năm sau bộ kinh ấy đã được Hòa thượng Thích Trung Quán dịch sang tiếng Việt và vì thế mà chúng ta ngày nay mới có cơ hội học hỏi, đọc tụng, tham khảo. Công đức ấy như một trí tuệ cao viễn tuyệt vời, chúng ta cho hoài không hết, học hoài không xong, tu hoài không ngán.

Ngày nay Hòa thượng đã ra đi; nhưng những giá trị tinh thần ấy do sự miệt mài phiên dịch của Hòa thượng mà đàn hậu học chúng ta mới có cơ hội để tu trì và nghiên cứu.

Ðã đến ngày tuần 100 của Hòa thượng, chúng con cũng đang học phẩm Xá Lợi thứ 59 của Ðại Trí Ðộ Luận và cũng nhân tuần 100 ngày nầy chùa Hoa Nghiêm tại Bỉ cung nghinh Xá Lợi của Hòa thượng về tôn trí tại đây. Có một cái gì đó trùng hợp chăng? Hay là Bồ Tát đã thị hiện để vào đời bằng nhiều hình thức khác nhau của thân giáo, khẩu giáo và ý giáo? Ðây là một hình ảnh nhiệm mầu khi chúng ta đi sâu vào Trí tuệ của Bát Nhã mà trong Ðại Trí Ðộ Luận đã có không biết bao nhiêu lần Ngài Long Thọ nhấn mạnh như thế.

Trong Ðại Trí Ðộ Luận có nhiều câu chuyện khuyên dạy rất hay, mà tâm đắc nhất với tôi là câu chuyện nầy:

Cũng như thế đó, vàng ròng được đựng trong một túi dơ. Vậy thì ngươi lấy vàng hay lấy túi?

Dĩ nhiên là con chọn vàng.

Ðiều ấy đúng; nhưng nếu không có túi dơ làm sao đựng vàng được?

(*Chú: Túi dơ dụ cho thân của ta. Còn vàng tượng trưng cho Phật tánh)

Lại nữa! nếu như ngươi đang ở trong đêm tối. Bỗng có một người mù đưa đuốc cho ngươi soi đường. Vậy ngươi chê người mù không lấy đuốc, hay ngươi lấy đuốc mà không cần đến người mù?

Dĩ nhiên  là con chọn cây đuốc.

Nhưng nếu không có người mù thì làm sao ngươi có được cây đuốc?

(*Chú: Người mù dụ cho chúng sanh. Cây đuốc dụ cho Phật tánh)

Giống như thế, có nhiều mẩu chuyện đối đáp rất tuyệt vời. Ða phần chúng ta chấp vào hình tướng đẹp xấu; nhưng chúng ta quên đi tâm Phật của mình hay của người đối diện. Vì lẽ ai cũng có Phật tánh; nhưng vì vô minh sanh tử đã khiến ta phải nổi trôi trong sáu nẻo luân hồi, không tự biết mình; chỉ biết tự làm khổ mình và khổ người mà thôi.

Tôi và Tăng chúng chùa Viên Giác chỉ đến đảnh lễ nhục thân Ngài trước một ngày làm lễ trà tỳ. Vì chúng tôi có nhiều Phật sự vào cuối tuần ấy. Dĩ nhiên là trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Ấu Châu đã có Hòa thượng Thích Minh Tâm, Thượng tọa Thích Tánh Thiệt, Thượng tọa Thích Trí Minh cùng với hơn 50 Tăng Ni trong Giáo Hội đã đến tham dự tụng kinh, phúng điếu, trợ niệm. Còn chúng tôi đã không tham dự lễ tống tang và trà tỳ của Ngài được, thật lấy làm áy náy và khổ tâm.

Ðám tang của Ngài quá vĩ đại. Vì có Ðại Lão Hòa thượng Thích Tâm Châu từ Canada sang tham dự. Ngài có đọc điếu văn tưởng niệm và chư Tăng Nam Tông, Bắc Tông cùng tất cả các tự viện tại Paris như Linh Sơn, Quan Âm, Khánh Anh, Trúc Lâm, Khuông Việt v.v.. đều đến tham dự. Vả chăng nhờ công đức phiên dịch của Ngài mà đã động lòng đến tứ chúng, cảm thọ đến chư Thiên; cho nên đám tang của Ngài được cử hành một cách trang nghiêm trọng thể như thế.

Tôi chưa trực tiếp học với Ngài giờ nào; nhưng qua kinh sách của Ngài dịch, tôi đã học hỏi thâu thập được rất nhiều để làm hành trang trong cuộc sống tu học của mình.

Mong rằng 4 chúng đệ tử của Ngài, xuất gia cũng như tại gia luôn luôn hòa thuận, chia xẻ những khó khăn trong cuộc sống cũng như san sẻ cho nhau những niềm vui khi ân sư đã vắng bóng và mặc dầu Ngài đã tịch; nhưng Ngài vẫn còn. Ðó là hình ảnh của đạo đức, tác phong, đức hạnh của đời Ngài. Ðó là một bài học không lời; nhưng tôi tin rằng rất mãnh liệt, có thể soi rọi cho mọi người trở về con đường chân thiện mỹ.

Cung kính cúi đầu đảnh lễ.

Thích Như Ðiển

Phương trượng chùa Viên Giác

Hannover, Ðức quốc

Ðôi Dòng Kỷ Niệm

“Vòng đời phải chăng là duyên khởi

Lý vô thường-có, có chi đâu

Chốn dương đài-cuộc bể dâu

Nơi trần thế, là không không sắc sắc.”

Thật vậy, Ngài không đến không đi, chỉ ghé thăm cõi nhân gian này, hơn tám thập niên mà thôi, nhưng Ngài đã để lại cho thế gian biết bao ký ức tốt đẹp về Ngài.

Ðời Ngài là một tấm gương sáng, Ngài điềm đạm, hiền hòa, khiêm cung và độ lượng. Ngài nghe thật nhiều mà nói thật ít. Ðời Ngài như chưa bao giờ làm mất lòng bất cứ ai, nhưng không phải thế mà lập trường sắt son của Ngài bị lay chuyển.

Ngài sinh ra dưới chân núi Gôi bên bờ sông Vị tỉnh Nam Ðịnh vào tuổi thành niên, Ngài thoát tục theo thầy (Sư tổ Thích thượng Ðức hạ Nhuận) xuất gia và tu học tại chốn Tổ Ðồng Ðắc tỉnh Ninh Bình, miền Bắc Việt Nam. Sau đó Ngài lại vào miền Nam, rồi sang Lào, Pháp, để nhằm mục đích trau dồi trí tuệ, một lòng tham phương học đạo khắp cảnh đất khách trời Tây. Rồi cũng đã đến lúc: “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng” Ngài đảm nhiệm chức viện chủ chùa Hoa Nghiêm tại Pháp quốc ngỏ hầu truyền đăng tục diệm, hoằng dương chánh pháp, tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức. Trong quảng thời gian đó, mặc dầu Ngài cũng gặp nhiều chướng duyên trên bước đường tu hành của mình. Nhưng bởi, bẩm tính từ bi, hiền hòa đức độ sẳn có và sớm giác ngộ cõi đời huyền ảo, nên Ngài không bị các chướng duyên ấy làm khuấy động chí xuất trần thượng sĩ của Ngài. Ngài vẫn một mực chuyên tâm giữ gìn giới đức, coi trọng đạo pháp, lập hạnh nguyện chuyên tu, để sớm dứt được cái lụy phiền ràng buộc nơi cõi nhân gian và mong mỏi ngày đêm tạo được nhiều ân đức để rồi:

“Sự thế tục giang tay phổ tế

Cuộc hồng trần chia trí dung thông”

Cho nên, Ngài được bao người kính thương, bao người cảm mến. Nét đẹp của Ngài không chỉ hiển hiện mãi bên tôi, bên mọi người đã từng hơn một lần được gặp và tiếp xúc với Ngài, mà nó sẽ còn mãi mãi với thời gian. Có lẽ thế mà cái tên gọi gần gũi thân thương “Sư ông Thanh Quất” được mọi người xứ Ninh Bình, đất Bắc tại Việt Nam, nơi Ngài đã từng  sinh ra và lớn lên giành cho Ngài mà tôi được nghe hẳn là có cơ sở.

Vào một ngày đẹp trời gần đây nhất, khi di ảnh của Ngài được rước về chốn tổ Ðồng Ðắc, tôi cùng quý Sư cô - đệ tử của Ngài tại hải ngoại về được và đến Hòa thượng Thức Minh tức viện chủ chùa Yên Bình, trưởng ban tri sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình, xưa kia cũng là huynh đệ đồng môn với Ngài kể cho nghe rằng: tính tình của Ngài rất từ tốn và khiêm cung, luôn hòa đồng cùng với huynh đệ, không những thế Ngài còn luôn cần mẫn tinh tiến trong việc tu học đêm khuya thanh vắng Ngài thường ngồi gốc cây gạo bên bờ hồ bán nguyệt trước chùa trầm tư mặc niệm tọa thiền. Ðặc biệt ngay khi còn làm tiểu tại chốn Tổ, Ngài đã siêng năng thọ trì bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Chẳng bao lâu sau, cái gì đến đã đến, cánh cửa Diệu Pháp đã hé mở đón Ngài. Ngài đã nhập tâm được bộ kinh này. Và kể từ đó cho đến sau này, Ngài vẫn luôn trì tụng không một lần xao lãng. Quả là một cao Tăng thạc đức, đáng được chư thiên và loài người nể phục lắm thay!

Ðến năm 1985, cũng đã hơn 50 năm vân du hoằng hóa tại hải ngoại, lần đầu tiên trở về nước thăm quê hương và thầy tổ, đó cũng là lần đầu tiên huynh đệ tôi được diện kiến nhau. Những ngày sống bên Ngài, tôi cảm thấy vô cùng an lạc như có một sức sống lạ thường đến với tôi, và tất cả những gì được thấy và kể về Ngài khi xưa, nay như đang sống động trước mắt tôi. Với những tưởng:

“Trống chuông chiều khua tỉnh đêm trường mộng mị

Kinh vàng kệ ngọc bảo ban khách tục đam mê”

Nào hay: Chiếc dép hữu tình còn rơi lại đó, con thuyền vô để đã ngự đi đâu? Chắc hẳn nơi Ngài đến cũng có nhạc trời hầu hạ, xe kiệu đón đưa; chắc hẳn cũng có tràng phan bảo cái, cung nghinh tiếp rước Ngài. Bởi lẽ, đuốc quang minh đâu còn lạc còn lầm. Ngài ra đi là để trở về với tự tính vốn có của Ngài. Ngưỡng nguyện giác linh Ngài:

Một mai thân xác tiên tan

Danh thơm vẫn ở thế gian muôn đời

Pháp thân lồng lộng tuyệt vời

Chiếu soi pháp giới rạng ngời chân như.

Trụ trì Tổ đình Ðồng Ðắc

Sư đệ: Thích Thọ Lạc

Cẩn phụng

Hóa Ðạo Thong Dong

Nước khuya soi bóng ngàn sao lạnh

Ngọn cỏ hây hây tiễn nguyệt tà

Hoa Nghiêm chuông vẫn vang xa

Cảnh đây người đó… bàng hoàng tiếc thương.

Nhớ ngày nào

Trung, hạ Lào…lời Ngài chuyển hóa

Miền Tây xa cất bước vân du

Kim Liên đất tổ sơ tu

Vượt qua trắc trở Tỳ Lư nhập dòng

Khai đàn độ chúng muôn phương

Nghiêm trì Phật điển hoằng dương pháp mầu

Nụ cười dung dị ẩn thâu

Chở che tứ chúng thoát sầu thế gian…

Vậy thế mà

Xuân tám sáu rộn miền triều dã

Ðóa vô thường chợt đến chợt đi

Thôi rồi… tứ đại suy vi

Giọt sương ngọn cỏ… biệt ly nào ngờ.

Tổ đình thắp nén hương thơm

Tiễn Ngài về với quê xưa huy hoàng.

Kể từ nay

Dẫu thân này trong vòng thay đổi

Cảnh phù hoa nay có mai không

Trong con vẫn ngọn lửa hồng

Nhớ Ngài hóa đạo thong dong rất tình

Tỷ khưu: Thích Thọ Lạc

Cẩn phụng

Tri Hành Hợp Nhất

Hòa thượng Thích Trung Quán đã ra đi sau 86 năm thác tích trần hoàn. Cũng như tất cả mọi hữu tình khác, Ngài đến cuộc đời này và ra đi theo quy luật:

“Cái này có, cái kia có,

Cái này sanh, cái kia sanh,

Cái này không, cái kia không,

Cái này diệt, cái kia diệt.”

Sắc thân của Ngài thì đã trả về cho tứ đại sinh diệt, nhưng pháp thân của Ngài thì sống mãi trong lòng của môn đồ tứ chúng, mãi thắp sáng thế gian này.

Sáu mươi sáu năm nối gót đức Như Lai, trên con đường hóa độ chúng sinh, Hòa thượng đã kiến tạo rất nhiều chùa cảnh, trong cũng như ngoài nước. Ði tới đâu Ngài cũng ra sức kiến tạo cảnh Phật, để làm nơi nương tựa tinh thần cho những người tìm về nguồn cội tâm linh. Dấu chân của Ngài du hóa khắp thượng, trung, hạ Lào, cả những vùng đất xa xôi của phương Tây như Pháp, Bỉ v.v.. Từ những ngôi chùa đó, đời đã bớt đi bao kẻ mê, và Ðạo có thêm nhiều người ngộ.

Không chỉ có xây dựng chùa cảnh, Ngài còn chuyên tâm vào công trình phiên dịch Phật điển để truyền bá những lời dạy cao quý của Phật đà. Hơn ba mươi dịch phẩm như Ðại Trí Ðộ Luận, kinh Hiền Ngu, kinh Phật Bản Tập Hạnh, kinh Thiện Ác Nhân Quả, Kinh Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật, kinh Nghiệp Báo Sai Biệt, kinh Ðại Thông Phương Quảng, kinh Nhân Vương Hộ Quốc v.v.. là tư lương không thể thiếu được cho người Phật tử trên con đường tìm về bến giác.

Tuy viết kinh, dịch sách, xây dựng chùa cảnh, tiếp Tăng độ chúng, nhưng Ngài không bao giờ có thái độ tự đắc khoe khoang; luôn sống một cuộc sống giản dị, ít nói, mộc mạc. Sự mộc mạc, thật thà của Ngài không phải là sự mộc mạc của người thường, mà là sự mộc mạc của bậc Thánh như Lão tử đã nói: “Tuyệt thánh khí trí, dân lợi bách bội”. Nơi Ngài không còn khái niệm Thánh phàm, trí ngu, nhân ngã, thiện ác, khen chê v.v.. Ngài vượt lên trên thế giới đối đãi của nhị nguyên, đi qua bóng tối của phân biệt và sống trong thế giới bất nhị, trong ánh sáng của vô phân biệt. Chỉ có ánh sáng vô phân biệt đó mới đem lại an lạc chân thực cho mình và cho nhân sinh.

Sự mộc mạc dường như vô tri (không biết) đó, chính là tột cùng của cái biết, cái biết của bậc Thánh, Bậc Thánh biết rõ giới hạn của ngôn ngữ, sự vô ích của hý luận nên cái biết của quý Ngài không nằm trong thế giới lý luận của ngôn ngữ, mà nằm trong sự thể nghiệm tâm linh. Ðó là con đường “Tri hành hợp nhất”, cái biết và sự thực hành là một. Ðó là bản chất của tôn giáo. Bản chất của tôn giáo là đi tìm chân thân đã bị đánh mất, là quay về sống với chính mình. Từ bản chất đó mà phát sinh những tác dụng của tôn giáo. Nhưng nếu quên đi bản chất mà chỉ chạy theo tác dụng, lấy phương tiện làm mục đích, nhận lầm ngón tay làm mặt trăng thì đó là hiện tượng sa đọa tôn giáo.

Có một điều tương đồng giữa Hòa thượng và nghiệp sư của Ngài: Hòa thượng đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật Giáo Việt Nam-Hòa thượng Thích Ðức Nhuận. Ðó là sự tịch mặc của đức Mâu Ni. Sự tịch mặc xa rời mọi hý luận, vắng mặt hoàn toàn mọi phiền não khổ đau. Sanh tiền, hằng ngày, dù Ðông qua, Hạ đến, nóng lạnh đổi thay, đức Pháp chủ vẫn ngồi an nhiên nơi Tổ đường chùa Quảng Bá chuyên tâm niệm Phật. Cũng thế, nơi Phật điện chùa Hoa Nghiêm, sau mội thời chuông sớm, cho dù tứ đại bất hòa, thời tiết nắng mưa, Hòa thượng Thích Trung Quán vẫn hằng ngày nhất tâm chuyên trì trọn bộ kinh Pháp Hoa. Hai hình ảnh một Ðạo phong. Ðạo phong đó là ngọn lửa thiêng, Ðạo mạch của Phật Giáo.

Hai Ngài đã làm sống dậy hình ảnh của Tổ Ca Diếp, Kinh ghi lại: Tổ Ca Diếp hiện đang thiền định trong núi Kê Túc, chờ đức Phật Di Lặc thị hiện. Hình tượng của Tổ Ca Diếp là hình tượng của người đang gìn giữ ngọn lửa thiêng, mạng mạch của Phật pháp. Nói cách khác, Phật pháp phải nhờ vào sự chân tu, ngộ Ðạo của những bậc thoát trần thượng sĩ mới tồn tại và phát triển được. Các hoạt động mang tính chất xã hội để phát triển Ðạo pháp là cần thiết, nhưng chúng phải được tiếp nhận năng lực, sức sống từ cội nguồi tâm linh của sự hành trì Pháp Phật một cách tinh cần, liên tục.

Hôm nay Hòa thượng Thích Trung Quán đã nê hoàn nhập diệu, nhưng đạo phong của Ngài vẫn hiển hiện cùng mười phương ba cõi, ngọn lửa thiêng của Ngài vẫn đang sưởi ấm trần gian băng giá này, hình ảnh của Ngài vẫn sống mãi trong tâm khảm của môn đồ tứ chúng.

Vĩnh Nghiêm ngày trăng tròn tháng tám năm Quý mùi (2003)

Hậu học Giác Dũng cẩn bút.

Ai Ðiếu

Cố Trưởng lão Hòa Thượng thượng TRUNG hạ QUÁN

Viện chủa Tổ đình Hoa Nghiêm tại Paris – Pháp quốc.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính lạy! Giác linh Hòa thượng

Kính lạy! bậc Thạch trụ tòng lâm

Kính lạy! đấng Ðống lương mẫu mực

Kính lạy! bậc Mô phạm giáo đồ

Từ phương xa muôn ngàn vạn dặm,

Ðược tin Ngài cởi hạc quy Tây,

Lòng con đau xót này,

Cúi đầu vọng bái tiễn Ngài ra đi!

Nhớ linh xưa,

Ngài từng sống:

Vượt thoát qua bao não phiền chất ngất,

Bỏ sau lưng những tham vọng đời thường,

Tài, sắc, lợi, danh không một niệm vấn vương,

Nhẫn nhục, nhu hòa là phương châm tu học,

Nơi Ngài đến xua tan bao khó nhọc,

Bao lầm than, phiền muộn của cuộc đời,

Như vầng trăng rực sáng giữa đêm đông,

Như ngọn đuốc phá tan đêm dày đặc.

Cuộc đời Ngài là tâm gương cao cả!

Cho chúng sanh soi rọi bổn tâm mình.

Lời Ngài dạy là giáo pháp cao minh!

Là nguồn chơn lý hiện thân hòa bình.

Ngài đã sống luôn bớt thù thêm bạn,

Ðem tình thương xóa sạch mối phân ranh.

Bố thí làm hạnh, lục thời lễ lạy Hồng Danh,

Diệu Pháp Liên Hoa suốt đời chuyên tâm trì tụng.

Thiện nên làm, bất thiện quyết lánh xa,

Thắng không hân hoan, thất bại chẳng sờn lòng.

Dẹp ngã – Nhân, Bỉ - Thử,

Bình tâm hóa độ,

Khai ngộ khắp quần sanh.

Ðã hiểu rõ cuộc đời là giả tạm,

Sống là nương, thác vốn trở về,

Như trò đùa huyển hóa “có” và “không”

Tợ bọt biển khi sóng vồ vách đá,

Như “Nhạn quá trường không, ảnh trầm hàn thủy.”

Nên Ngài ra đi tự tại,

Không chút bận lòng nơi trần thế phù du!

Từ nay …

Ðồng Ðắc – Kim Liên mất bậc Ân Sư,

Tổ đình không gian, gió bão, mưa giông.

Ðịa cầu kia như chuyển động muôn vòng,

Bầu khí quyển phải đổi dòng ngấn lệ!

Ngài hỡi!

Sao Ngài vội xa trần thế!

Bao chúng sanh trong biển khổ chơi vơi,

Ðang cần Ngài làm nơi nương tựa.

Giờ đây.

Bao tấc dạ non lòng,

Khóc tiễn biệt Ngài hóa thân từ đó,

Thì bây giờ đã hội đủ túc duyên,

Nguyện Giác linh Ngài an nhiên đoan ngự!

NHẤT TÂM ÐÃNH LỄ

NAM MÔ KIM LIÊN ÐƯỜNG THƯỢNG, TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG,

NHỊ THẬP THẤT THẾ - HÚY THƯỢNG TRUNG HẠ QUÁN VÕ CÔNG TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH THÙY TỪ CHỨNG GIÁM

Delhi, PL 2546, ngày 04 tháng 04 năm 2003

Tăng sinh Thích Thiện Quý

Thành tâm vọng bái.

Hoài Niệm Ân Sư

Hoa Nghiêm khóc cánh hạc vàng

Trường không, mây trắng, trăng ngàn quạnh hiu

Cỏ lá rũ cánh tiêu điều

Chuông chùa ngân vọng thêm nhiều tiếc thương

Thầy đi về cõi Tây phương…

Lòng từ, hạnh nguyện như gương sáng ngời

Viên thông không - sắc tuyệt vời

Linh sơn cốt nhục trọn đời khắc ghi

Kính lạy Giác linh Hòa thượng Tôn sư,

Chùa vắng bóng Hòa thượng thắm thoát đã mấy mùa trăng… Sao con cứ ngỡ như Người đi Phật sự vài hôm sẽ trở về. Ý nghĩ “nghìn thu vĩnh biệt” làm lòng con đau đớn quá. Phúc duyên của con được xuất gia tu học với một bậc Thầy khả kính, một đấng chân tu với lòng từ rộng lớn và chí hướng thượng cầu hiền. Từ tuổi thanh xuân Ngài đã theo gương đấng từ phụ lập chí, lập nguyện, vì đạo quên thân. Bước chân Ngài vân du nhiều miền đất nước chỉ mong sao duy trì và xiển dương Chánh pháp. Với công hạnh của một vị Bồ tát, cả một cuộc đời đã thầm lặng đem hương hoa an lạc đến vô lượng chúng sanh. Tâm nguyện của Ngài còn đây, Pháp âm ngân vang còn đó, nhưng Người đã đi xa thật xa, nhẹ gót hài về nơi vô trụ…

Nơi Tổ đình ngày ngày con vẫn kính cẩn chiêm ngưỡng di ảnh Hòa thượng qua khói hương trầm lan tỏa, nhưng còn đâu những giây phút hầu cận bên Người để được nghe những lời giáo huấn nhẹ nhàng mà ý tứ sâu xa. Thân giáo và Ý giáo như vẫn bàng bạc đâu đây mà Hạc vàng đã viễn ly cõi tạm. Hình bóng đã khuất, nhưng trí tuệ và đạo hạnh của Người luôn là vầng trăng Lăng Già chiếu diệu tâm con.

Con nhớ lại những tháng năm qua là nhớ lại những kỷ niệm thiêng liêng kể từ ngày con cắt ái từ thân theo Thầy học đạo. Do túc duyên nhiều đời nên con được Hòa thượng dày công giáo dưỡng, ban cho con Giới Thân Huệ Mạng, dạy cho con noi theo Bi Trí của đấng Ðại hùng. Tính Hòa thượng trầm tĩnh ít nói, nhưng lời nói ra như khẩu thuyết chơn truyền, mỗi việc làm trong chánh niệm tỉnh giác là Thân giáo cao quý cho hàng hậu học chúng con “Nói năng như Chánh Pháp, yên lặng như Chánh Pháp” của một đấng nghiêm từ đã trở thành những bài học vô giá trong tâm khảm của đàn hậu tấn.

Trong những năm tháng gần đây, tuổi tác và căn bệnh ngặt nghèo làm thân tứ đại của Người khô gầy như “cúc cuối thu”, như “sen mãn hạ”. Con đã đôi lúc dự cảm mơ hồ một ngày bất hạnh. Vậy mà khi Hòa thượng mãn duyên về cõi Phật con vẫn thất hụt hẫng bơ vơ như cánh én lạc loài giữa tháng xuân tàn. Môn đồ luống những ngậm ngùi, tứ chúng chẳng ngăn được giòng lệ thảm.

Hòa thượng đã đi vào cõi Niết bàn Tịch diệt nhưng đức độ và công hạnh của Ngài vẫn tỏa ngát Ưu Ðàm. Duyên hóa độ đã mãn trong pháp giới vô biên, nhưng Giác linh Ngài đã về Phật quốc hoa khai, đài sen chín phẩm.

Ðể tưởng nhớ ngày hoa mãn diêm phù, thâu thần tịch diệt của Hòa thượng Tôn sư và để đền đáp thâm ân Thầy trong muôn một, chúng con xin nén giọt sầu phát nguyện: hộ trì Chánh pháp để Phật pháp trường tồn, rừng Thiền hoa nở, Pháp giới mông huân, biển khổ sóng yên, thuyền từ tế độ. Chúng con sẽ noi theo công hạnh của Hòa thượng mà thừa hành Phật sự, các ngôi chùa mà Người đã dày công kiến tạo sẽ phát huy ánh đạo vàng rực rỡ ở tương lai.

Ngưỡng nguyện Giác linh Hòa thượng Hoa khai ký tất, Thượng phẩm thượng sanh, Thùy từ chứng giám.

Ðệ tử: Tỳ khưu ni Thích Nữ Ðàm Lương

Hình Ảnh Bậc Thầy Khả Kính

Ôi! Thế là Hòa thượng bậc Thầy khả kính đã ra đi

Ra đi đi mãi không về

Ðể hàng tứ chúng ngẩn ngơ lệ sầu

Sau sự ra đi của Ðại lão Hòa thượng - Viện chủ Tổ đình Quan Âm thì hôm nay Ðại lão Hòa thượng Viện chủ Tổ đình Hoa Nghiêm lại quẩy dép về Tây phương. Chúng con không khỏi bàng hoàng đau xót mặc dù vẫn biết rằng “Sinh tử vạn cố lý thường nhiên” nhưng thực đáng buồn thay!

Guồng tạo hóa sinh sinh hóa hóa

Luật vô thường sắc sắc không không

Mặc dù nghe được danh Hòa thượng đã từ lâu, nhưng con mới được diện kiến thân thừa Ngài từ năm 1987 trở lại đây khi con sang chấp tác thừa hành Phật sự thị giả Ðại lão Hòa thượng Viện chủ Tổ đình Quan Âm. Con được biết tình pháp lữ giữa hai Ngài thấm đậm keo sơn, quá hơn ruột thịt, chia ngọt xẻ bùi, cưu mang giúp đỡ trong lúc biển đời không lặng gió, thời cuộc đổi dời, xa quê hương hành đạo ở đất châu Âu, người xa xứ lạ, biết bao thử thách gian nan. Nhưng các Ngài đồng chung “Trưởng tử của Như Lai”, đồng một nhiệm vụ “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”. Nặng lòng vì lý tưởng “Thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh” không ngại khó khăn vất vả, thân tứ đại mất còn. Hình ảnh Hòa thượng là hiện thân trọn vẹn, của một Tăng sĩ phạm hạnh.

Nhất bát thiên gia phạn

Cô thân vạn lý du

Kỳ vị sinh tử sự

Giáo hóa độ xuân thu

Tạm dịch:

Bát cơm xin khắp ngàn nhà

Chiếc thân đơn độc bước xa dặm trường

Chỉ vì sinh tử vô thường

Xuân Thu qua lại hoằng dương độ đời

Với chí nguyện của bậc xuất trần thượng sỹ “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”, Ngài luôn luôn tâm niệm “Phúc tuệ lưỡng toàn phương tác Phật”. Từ đó, Ngài đã bái biệt Sư tổ vào Sài gòn - miền Nam Việt Nam, sang Ai Lào, rồi sang Pháp hoằng đạo gần một năm tại chùa Quan Âm, sau đó về chùa Hồng Hiên - miền Nam nước Pháp. Ngài hoằng pháp tại đây hơn 2 năm trời. Cuối cùng Ngài khai sơn và an trụ tại tổ đình Hoa NghiêmParis. Ở ngôi Viện chủ tới ngày viên tịch. Cả cuộc đời hiến dâng cho đạo pháp cho chúng sinh với ý thức cao cả “Hoằng pháp vi gia vụ - Ðộ sinh vi sư nghiệp”. Ở nơi Ngài con được chiêm ngưỡng công đức của bậc chân tu.

- Thứ nhất, Ngài có một phong thái hòa bình, giản dị chân tình. Không có vẻ gì ngăn cách trong lối sống, màu áo, giới phẩm, địa vị tu hành. Mặc dù Hòa thượng là bậc căng trì “thi la tịnh giới” trang nghiêm, nhưng đến gần Ngài con nhận thấy đức từ bi hoan hỷ toát ra từ nơi tâm hồn độ lượng của Ngài, nụ cười trìu mến phảng phất trên môi, ánh mắt sáng trong lặng, dịu hiền, cẩn trọng nhưng thật tinh tế, chứng minh rằng định tuệ trong Ngài đã tới mức siêu phàm. Ðúng như Luật dạy “Hữu huy khả úy, hữu nghi khả kính”. Nét từ hòa tỏa ra bình dị gần gũi với mọi người. Vừa “Nghiêm” vừa “Từ”, đó là phong cách riêng của Hòa thượng, không dễ gì tăng sỹ nào cũng có được.

- Thứ hai, Ngài biểu tượng của đức khiêm cung. Mặc dù niên cao lạp trưởng Ngài vẫn không tự cho mình là lớn hơn người, giúp người tận tâm kiệt lực, phân tích chỉ rành rẽ từng câu từng chữ, tiếp nhân độ chúng, công việc phân minh, thường nhật tinh tiến không ngừng, cả đời quên mình vì Ðạo pháp. Hình ảnh mà tâm trí con còn ghi nhớ mãi, đó là ngày 6/11 âm lịch năm Quý dậu mùa đông giá lạnh. Tôn sư chúng con viên tịch, ngày mà trời đất trong con tất cả quay cuồng, con thì còn trẻ dại chưa quen lo toan công việc. Hòa thượng đã sách tiến động viên chúng con bằng lời dạy của đức Phật “Hãy tinh tiến lên để tự giải thoát cho chính mình, đời là biển khổ, con hãy biến đau thương thành hành động, Phật sự cụ thể, đó là đại hiếu với Hòa thượng đó con ạ!”.

- Thứ ba, với tâm vô phân biệt. Ngài không câu nệ, không chấp nhất ở một Pháp môn nào vì tất cả đồng “Vị mặn giải thoát” nên đức lục hòa trong Ngài luôn luôn tỏa sáng, được mọi người ngưỡng mộ kính yêu. Phải chăng Ngài là hiện thân của trí tuệ Bồ tát vì lợi ích chúng sinh.

Những tưởng Thạch Trụ Phật Pháp trường tồn mãi mãi, nào ngờ vô thường không hẹn, nghiệp quả định kỳ, Ngài đã rũ áo ra đi, thảnh thơi về cảnh giới Niết bàn vô tung bất diệt nhằm vào 2 giờ 30 sáng ngày 30/20 năm Quý mùi, trụ thế 86 tuổi, hạ lạp 66 năm.

Ðúng thực là:

Hóa duyên nay đã mãn rồi

Thu thần nhập phách quy hồi chân nguyên

Hồng trần nhẹ gót chơi ba cõi

Mỗi niệm tùy duyên độ chúng sinh.

Sự ra đi của Hòa thượng là thuận theo quy luật vô thường sắc sắc không không, đến đi tự tại chẳng vướng ngại gì. Như lời dạy của Thiền sư Giác Hải:

Nhạn quá trường giang

Ảnh trầm hàn thủy

Nhạn vô di tích chi ý

Thủy vô lưu ảnh chi tâm.

Tạm dịch:

Lưng trời cánh nhạn qua sông

Bóng chìm đáy nước dòng sông lững lờ

Nhạn đâu có để bóng hình

Nước không có ý lưu hình Nhạn kia.

Thế là từ nay bầu trời Phật giáo lại vụt tắt một ngôi tinh tú sáng, chúng con lại mất đi một bậc thầy khả kính, suốt cả đời kính dâng cho lý tưởng “Phật pháp xương minh”, làm sao chúng con có thể ngăn được đôi dòng châu lệ sầu bi.

Ôi! Cảnh giới Hoa Nghiêm vắng bóng thầy

Thiền Trượng y bát vẫn còn đây

Mây trắng phủ lên màu tang tóc

Thổn thức trong con dạ vơi đầy.

Thương xót nhà thiền cây cột đổ.

Ngậm ngùi vườn đạo gốc tùng xiêu

Non xanh tưởng thấy chân dung cũ

Tháp mới bên mồ cỏ biếc leo

Vắng vẻ cửa thiền ai đến gõ

Văng vẳng chuông chiều nát cõi không.

Chúng con thành kính thắp nén hương lòng, nguyện Giác linh Tôn sư Cao đăng Thượng phẩm.

Nam mô Ma ha Tỳ Kheo Bồ tát giới pháp húy thượng TRUNG hạ QUÁN, hiệu Thanh Quất Giác linh Tôn sư tác đại chứng minh.

Tỳ kheo ni Thích Nữ Diệu Minh

Hội Phật giáo chùa Quán Âm Paris

Ðồng khể thủ

Thầy Ơi!

Thầy về một giấc ngủ yên

Ðời qua mấy nẻo giờ quên hết rồi

Tay không nắm được đành thôi

Chừng bao nhiêu cũng đủ rồi thầy ơi!

Cành hoa trắng nở bên thềm

Ðời là những giọt sương đêm vô tình.

Pháp tử: Thích Nữ Ðàm Phương

Giã Từ

Kính dâng Giác linh Hòa thượng Tôn sư thượng TRUNG hạ QUÁN thế danh Vũ Thanh Quất viên tịch 30.2.Quý mùi

Hoa Nghiêm khuất bóng Tôn sư

Ðèn Thiền mờ nhạt, bóng từ còn đâu?

Tổ đường lắng tiếng kinh cầu

Âm thanh vang vọng lòng đau mất Thầy

Xả thân cho thế gian nầy

Ðơm bông trí tuệ mai ngày nở hoa

Giã từ thế giới Ta bà

Nhập thân pháp hội Long Hoa Liên Trì.

Chùa Phước Hải

Ðệ tử Thích Nữ Tịnh Nguyện

Ðê đầu kính lễ.

Bạch Thầy

Dẫu biết thân cát bụi

Ðã trở về với các bụi

Chuyện vô thường, ai đếm được thời gian

Sự ảo huyền của sắc không quanh quẩn

Thật nhẹ nhàng như cơn gió thoảng qua

Những hạt chân như mà Thầy gieo vãi

Cái có-còn: cho ngàn đời và mãi mãi

Trong ký ức của muôn loài ghi lại

Trong thanh sử vẻ vang của núi sông.

Thân đã mất,

Hồn rạng ngời văn hóa

Bậc đại trí sá gì giông bão

Dẫu bùn nhơ, sen vẫn tỏa ánh thanh từ

Lòng đức độ soi tỏ cõi hư vô

Mấy lòng xa và mấy lòng gặp lại

Thầy cho đời những lời thơm hoa trái

Ôi ngọt ngào mát dịu khách hồng trần

Ô hay hai chữ “sắc không”

Trời tây im bóng, đau lòng chúng con!

Tưởng Niệm Cố Ðại Lão Hòa Thượng Thích Trung Quán

Những Việt kiều sinh sống trước đây ở Ai Lao, không một ai không biết đến công đức của cố Ðại lão Hòa thượng Thích Trung Quán, một vị chân tu lão thành xuất gia từ nhỏ ở Việt Nam, đã hy sinh suốt đời để phụng sự Phật pháp.

Ngài sang Lào và xây dựng một ngôi chùa Phật Tích tại Luang Prabang (Kinh đô Vương quốc Lào). Hằng ngày Ngài lo việc cúng lễ, dìu dắt Phật tử và phiên dịch Kinh sách. Ngài là một vị Hòa thượng dịch nhiều kinh tiếng Hán ra tiếng Việt, và truyền bá trên xứ Lào.

Năm 1977, Ngài sang Pháp quốc. Hôm đến phi trường một số rất đông kiều bào và Phật tử ra đón mừng, dâng hoa, phất cờ Phật giáo thật long trọng.

Một đoàn xe rất dài đưa Ngài về nghỉ tại chùa Quan Âm. Hàng ngày Ngài và cố Ðại lão Hòa thượng Thích Chân Thường cúng lễ và dìu dắt Phật tử Paris và vùng phụ cận.

Một năm sau Ngài được Hòa thượng Thích Tâm Châu mời về chùa Fréjus trụ trì. Ði theo Ngài về chùa này có hai đệ tử trung kiên của Ngài là sư cô Ðàm Lương và thầy Thích Ðức Thắng. Fréjus ở miền Nam nước Pháp, gần Nice. Ngôi chùa này không to, xây cất ở nơi rất phóng khoáng, khí hậu ấm áp, nhưng số Phật tử lân cận quá ít.

Nhân dịp hè, cụ Escale và tôi có qua lễ chùa và vấn an Ngài. Ngài cho chúng tôi biết vấn đề Phật tử ít ở đây và ý Ngài muốn về thành lập chùa ở vùng Paris. Về đến Paris, chúng tôi bàn nhau và cùng một số Phật tử thành lập hội Phật giáo Hoa Nghiêm – tên hội do chính Ngài đặt ra.

Tháng 10 năm 1980, hội thành lập xong, công báo Pháp số 261 ra ngày 08/11/1980. Chúng tôi bắt tay vào việc quyên góp vay mượn để mua ngôi nhà số 20, rue Jean Jacques Rousseau, thị xã Villeneuve Le Roi, phụ cận miền nam Paris để sửa sang làm chùa và hội quán. Nhờ uy tín to lớn của Ngài, chẳng bao lâu ngôi chùa đã được thực hiện thuận lợi.

Sau khi có nhà và đã tu sửa có nơi thờ Phật, tôi đã được ban quản trị cử xuống Fréjus để cung thỉnh Ngài về chùa mới trụ trì. Chính Ngài đã tu sửa ngôi chùa này được to lớn uy nghi như ngày hôm nay.

Danh tiếng của Ngài được đồn xa. Năm 1982, Phật tử thị xã Noyant đã lên cung thỉnh Ngài về Noyant mở thêm chùa. Họ đã được ông xã trưởng bán cho với giá tượng trưng một mảnh đất rộng lớn để xây chùa. Noyant là một thị xã cách Paris chừng 350 cây số về phía nam. Nơi đây năm 1954 và 1975, có một số Pháp kiều hồi hương từ Ðông Dương (Việt, Miên, Lào), mang theo thân nhân nguyên quốc tịch Việt Nam theo đạo Phật.

Ở đây Ngài đã cho xây dựng một ngôi chùa và một bảo tháp cao, làm nơi dành cho Phật tử gửi di cốt của thân nhân, để Chùa lo khói hương tụng niệm cho người quá vãng. Vì đất rộng, Ngài đã cùng vài sư ông đắp tượng và sơn phết những bức tượng Phật to lớn ở trước chùa. Hàng năm, ngoài Phật tử còn có một số lớn du khách ngoại quốc đến thăm viếng, chụp ảnh, quay phim. Sở du lịch Pháp công nhận như một thắng cảnh. Ngài đã cử thầy Thích Ðức Thắng trụ trì chùa này. Cũng trong thời gian này, Ngài lại được Phật tử ở Bruxelles, Bỉ quốc cung thỉnh sang lập chùa tại đó. Cụ Escale (cố hội trưởng) và tôi lại được tháp tùng Ngài sang Bỉ rất nhiều lần để lo việc lập hội, mua nhà tu sửa thành chùa. Ông nguyên hội trưởng Chu Khắc Xương và ban quản trị hội rất sốt sắng, Phật tử Bỉ, Pháp và các nơi đón góp hăng say mọi sự khó khăn đã vượt qua. Ngôi chùa ở Bỉ đã thành hình to đẹp.

Không ai có thể tưởng tượng được nhờ uy tín của Ngài, chỉ có vài năm ba ngôi chùa to lớn đã được thành lập. Từ Lào sang Pháp, Ngài đã xây dựng cho Phật tử những ngôi chùa to lớn để có nơi trau dồi Phật Pháp.

Công đức của cố Ðại lão Hòa thượng thật vô cùng cao cả. Mấy năm gần đây, tuy sức khỏe yếu kém, Ngài vẫn tiếp tục phiên dịch và dìu dắt Phật tử cho đến khi Ngài ra đi về cõi Phật.

Tôi rất tiếc không có mặt tại Paris trong ngày lễ Trà tỳ Ngài. Theo lời kể lại đó là một đám tang lớn nhất từ trước tới nay ở Pháp, hơn ngàn người sụt sùi đưa Ngài về cõi Phật.

Tôi kính chúc Giác linh Ngài sớm về đất Phật.

Cachan ngày 20.10.2003

Nguyễn Tất Tài

Hoài Niệm Ân 

của Môn đồ Pháp quyến chùa Bàng Long

Kính thưa chư Tôn Thiền Ðức

Kính bạch Giác linh ân sư

Hôm nay môn đồ đệ tử chùa Bàng Long chúng con thành kính cung nghinh ngọc xá lợi của Hòa thượng Tôn sư chúng con về an vị tại Tổ đường chùa Bàng Long, do phái đoàn Tăng, Ni, Phật tử chùa Hoa Nghiêm ở Pháp quốc cung tống. Trước bảo điện trang nghiêm, hương trầm quyện tỏa, trên đài sen chư Phật chứng minh, dưới Thánh chúng thần Tăng hộ niệm. Môn đồ đệ tử chúng con xin mạn phép có đôi lời cảm niệm ân đức Tôn sư.

Kính bạch Giác linh Hòa thượng Tôn sư khả kính!

Chúng con cung kính nghe rằng:

“Xuất thế độ sinh, hiện huyễn tướng như trăng đáy nước,

Tùy cơ tiếp vật, tìm chơn thân như bóng trong gương,

Thể dụng khôn lường, máy thiền khó hiểu”.

Kính bạch Giác linh Tôn sư:

Chùa Bàng Long này là nơi mà ... năm trước đây, Hòa thượng Tôn sư đã dựng gậy tích, kiến đại pháp tràng. Trổi trống pháp, tuyên dương chánh giáo. Kể từ đó, nguồn suối thanh lương tuôn chảy, gió từ giải thoát xa đưa, tứ chúng Phật tử Việt Lào, đều được ân triêm pháp nhũ; mà trong đó, đệ tử chúng con là những người đã trực tiếp được Hòa thượng Tôn sư tế độ thế phát xuất gia, tác thành giới thân huệ mạng. Ân đức ấy cao dày như núi Thứu; đạo tình đó sâu thẳm tợ sông Tào. Thế rồi nhân duyên hóa độ chuyển xoay, Hòa thượng lại lên đường sang Pháp quốc, để tiếp tục ứng cơ hoằng pháp, độ kẻ hữu duyên.

Chúng con những tưởng: cái gót tùy duyên chưa vội trở, bánh xe chánh pháp vẫn còn xoay. Nào hay đâu! gậy tích xa bay, đường huyền sớm tách, trời tây hoa nở, nước Phật nêu tên.

Than ôi! Trăng lạnh phương bào, nhìn xá lợi dạ càng thêm chạnh; mây mờ viên đảnh, nhớ Tôn sư lòng những tiếc thương! Tuy báo thân này Thầy không còn ở chốn Phật đường, nhưng giác tánh Thầy vẫn luôn nêu gương rực sáng.

Giờ này, môn đồ đệ tử chùa Bàng Long chúng con:

Kính cẩn quỳ trước linh đài, chí thành dâng lên bảo tọa, đôi cành hoa giác, năm nén tâm hương, cúi xin linh giác xót thương, dũ ánh quang minh chiếu giám.

Chúng con kính nguyện:

Trên ao cửu liên sáng soi đưa xuống

Trong nhà Tam bảo hoa rãi rước về

Ðộ sinh còn nhớ lời thề

Tiếp chúng chưa quên ý nguyện.

Mong Thầy tái lai thị hiện

Viên thành tâm nguyện, ứng hóa độ sinh.

Nam mô Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Phật.

PHỤNG VÌ  BÀNG LONG ÐƯỜNG THƯỢNG MA HA TỲ KHƯU BỒ TÁT GIỚI, PHÁP HÚY THÍCH thượng TRUNG hạ QUÁN HÒA THƯỢNG TÔN SƯ GIÁC LINH ÐÀI TIỀN CHỨNG GIÁM.

Bàng Long Lưu Dấu

Ðại đức Thích Ðồng Văn

... Nếu hai ngàn năm trước đến đất Việt, Phật giáo đã chuyển mình để trở thành bảo vật trân quý của con Rồng, cháu Lạc, thì gia bảo này ngày nay được  mang theo bên mình khi người con Việt chấp nhận sống đời tha phương. Bàng Long chính là một trong những bảo vật ấy của người con Việt sống ở bên kia dãy Trường sơn, có dòng sông Cửu hiền hòa dễ thương. Tọa lạc ngay điểm tương giao của phong thủy có dòng sông Cửu như một con rồng cuộn mình dấu trong dãy Trường sơn xanh thẳm như một hang động khổng lồ, Bàng Long như một con rồng ẩn dật trong tận hang sâu. Ðã nhiều đời trụ trì đến Bàng Long hành Phật sự rồi lên đường nhưng sự thật không ai phủ nhận là ai đến lưu trú ở Bàng Long đều làm nên sự nghiệp.

Nhiều đời trụ trì góp tâm góp sức xây dựng Bàng Long thật bề thế trang nghiêm. Ngôi đại hùng bảo điện cao ngút trời xanh, như hình dáng đầu của một con rồng trong tư thế chuẩn bị phóng lên không trung. Hai ngôi nhà tăng ở hai bên không kém phần tiện nghi. Một bảo tháp mang dáng vóc mỹ thuật Phật giáo địa phương như sự kết hợp hài hòa của hai Văn hóa Việt Lào, tôn trí xá lợi của Phật và các tôn tượng Phật, Bồ tát, và chư vị Thanh văn do cố Hòa thượng đích thân tạo đắp. Trước tháp và tôn tượng Bồ tát Bạch Y Quan Thế Âm cao hơn bảy mét thật uy nghiêm do tự tay cố Hòa thượng tạo và sau này cố Thượng tọa Minh Phát, chùa Ấn Quang, Sài gòn phát tâm tu chỉnh lại.

Thuở sanh tiền, cố Hòa thượng Trung Quán lập hạnh nguyện nơi nào ngài đến nơi đó là phạm vũ trang nghiêm, chỗ nào ngài ở chỗ đó là đạo tràng tu học và phiên dịch kinh điển. Bàng Long ngày hôm nay còn rất nhiều tác phẩm điêu khắc bằng xi măng tuy không sắc sảo về nghệ thuật nhưng bên trong chứa đựng trọn vẹn tâm chân thành của cố Hòa thượng. Có lẽ vì thế mà Bàng Long được vinh dự lưu trữ xá lợi của Ngài. Tăng ni người Việt ở hải ngoại, không ai không biết đến công đức suốt thời gian hơn 60 năm đúc chuông, tạo tượng, lập chùa, dịch kinh, dạy chúng, độ người của ngài. Công đức ấy trở thành pháp thân nhiệm mầu mãi mãi tồn tại thật không thể nghĩ lường. Cho đến bao giờ còn lo đến việc chùa việc Phật, cho đến khi đó vẫn còn thọ hưởng ân điển nầy từ ngài. Và ai đến và trang trải tâm nguyện yêu thương ở Bàng Long một lần thôi cũng có thể tung bay lên trời xanh giải thoát, vì Bàng Long là nơi rồng thiêng chuẩn bị cất cánh bay cao.

Nghi thức cung đón xá lợi cố Hòa thượng vào hai ngày 6 và 7 tháng 09 năm 2003 do Ðại đức Thích Ðồng Văn, và Ðại đức Thích Thường Chiếu điều hành. Phần một tổ chức trong ngày đầu theo nghi thức truyền thống Phật giáo Ðại thừa của Việt Nam, và phần hai vào ngày thứ hai theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy ở Lào. Không khí ngày đầu tiên thiền vị thuần túy Việt Nam, như những đại lễ ở Huế và Sài gòn. 9 giờ 30 sáng ba hồi chuông trống Bát nhã ngân lên, chư tăng ni môn đồ pháp quyến tay nâng khay lễ nghi ngút hương trầm thành tâm phụng thỉnh xá lợi cố Hòa thượng đăng lâm tổ đường và cung đón phái đoàn môn đồ pháp quyến từ Âu Châu về chốn Tổ. Hôm ấy, ban nghi lễ gồm có Ðại đức Thích Ðồng Văn, Ðại đức Thích Trí Thông, Ðại đức Thích Nguyên Thành, Ðại đức Thích Hạnh Giới, Ðại đức Thích Minh Ðạt và chư Tăng ni trong các nghi thức cúng Ngọ Phật, cúng Tổ và cúng Chẩn tế Cô hồn. Dù không cùng chất giọng của một địa phương và cũng không cùng một phong thái thiền gia, nhưng những âm điệu đậm đà của Hà Nội, của Hà Nam, Ninh Bình, Huế, Nha Trang, Sài gòn hòa với nhau nghe như trầm như bỗng, vừa du dương, vừa thanh thoát, vừa thực tế, như gieo vào tâm thức của những người con Việt, sống nơi tha phương những hương liệu giải thoát khắp ba miền đất Việt. Sân chùa chìm lắng trong tiếng kinh, tiếng mõ. Thời gian như ngừng lại và mọi vật lặng yên như để lắng nghe bài tiểu sử của cố Hòa thượng do Ðại đức Thường Chiếu tuyên đọc.

Hôm sau là lễ cúng dường trai tăng theo truyền thống Ai Lao. Bàng Long như ngày hội lớn. Sân chùa từ sáng sớm đã rộn ràng khách thập phương. Từng đoàn người mang vật phẩm cúng dường vân tập về chùa, và yên lặng thành kính chờ trong chánh điện. Phát thanh viên làm việc cả hai ngôn ngữ Việt Lào xướng lên liên tục để điều hành Phật sự trong khuôn viên chùa. Hai sư cô Ðàm Ngọc, Ðàm Quy thiết soạn ba chiếc giường nho nhỏ xinh xinh đủ một người nằm, và trên giường đầy đủ những đồ dùng của một vị xuất gia cúng dường lên ba vị sư cả ba ngôi chùa lớn tại thủ đô Viên Chăn. Lần đầu tiên, tôi được biết một buổi lễ cúng dường trang trọng theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy như thế. Vật dụng của một vị tăng từ bá y, bình bát, thuốc men, mền, gối, dép, gậy, có cả nồi cơm điện, bình nấu nước bằng điện, khay trầu, có lẽ vì các sư Lào ăn trầu, ống nhổ, dù, áo, mưa, bút, giấy v.v... nhiều lắm có đủ trên giường. Có lẽ trị giá mỗi cái giường như vậy lên đến mấy trăm đô. Sau lễ trai tăng, ba chiếc giường này được Phật tử khiêng thẳng đến chùa của những vị sư ấy, kèm với lễ nhạc và niềm vui sướng hân hoan của Phật tử đưa tiễn như một đám rước thần ở Việt Nam. Ngoài ra, còn có hàng trăm pháp y, đồ vật dụng, thực phẩm v.v.. được mang vào trong chánh điện chất cao như núi vật phẩm trước Phật, tôi  nghĩ chắc Phật cũng mỉm cười vui vẻ chứng minh cho hàng đệ tử của Ngài hôm nay được nhờ ân đức tu hành trong ba a tăng kỳ kiếp mà thọ nhận sự cúng dường của tín thí đàn na.

Hơn 8 giờ sáng, chư tăng Lào ở các chùa trong thủ đô quang lâm đến Bàng Long. Có vị đi bộ, có vị đi bằng xe đưa đón. Tất cả phân ban an tọa trong chánh điện. Ban tổ chức phân phối cho mọi người một cái bình bát, một chai nước trong không phải để uống mà để làm lễ hồi hướng công đức. Phần nghi thức tụng kinh bằng tiếng Pali và tiếng Lào được một vị Thượng tọa đặc trách nghi lễ cử lên và điều hành nghi thức cúng dường bằng tiếng Lào. Sau đó, chư tăng Việt Nam thọ trì một thời kinh bằng tiếng Việt. Kinh Bát nhã, bài kinh được xem như tinh yếu của Phật giáo Ðại thừa được cất lên và hơn hai phần ba Phật tử hiện diện trong chánh điện là người Lào gốc Việt nên lời kinh vang lên thật hùng tráng như đại nguyện đại từ đại bi của Bồ tát Quan Thế Âm.

Sân chùa Bàng Long theo tôi rộng mênh mông nhưng không đủ chỗ để làm sáng lên, làm đẹp lên bằng hình ảnh đoàn chư tăng thong thả từng bước chân khất thực xung quanh sân chùa. Thật tiếc làm sao! Ban tổ chức phải sắp xếp những vật dụng như bao, túi, đồ đựng thức ăn khô, đồ đựng cơm thật lớn để tiếp nhận đồ cúng dường. Bên trong chánh điện hai sư cô Ðàm Ngọc, Ðàm Quy và môn đồ pháp quyến đảnh lễ dâng y cúng dường chư tăng.

Ai Lao sông núi chân tình, vẫn còn đó trong tôi những hình ảnh không thể nào quên. Hình ảnh Vua sãi đức độ từ bi, hình ảnh chư tăng Lào trang nghiêm thanh thoát, hình ảnh ngôi chùa Bàng Long nguy nga hùng dũng, hình ảnh quý sư cô chân tình hiếu khách, hình ảnh Phật tử dễ thương. Tất cả in đậm trong tàng thức của tôi như những hạt giống trân quý, mong rằng không bao lâu nữa trên con đường hành Phật sự, những hạt giống nầy sẽ đủ duyên trở thành những cội cây cao vợi với tàng che to lớn che mát cho tất cả những tâm hồn cần nơi nương tựa.

Nhân Duyên Thầy Trò

Tất cả những sự vật gì có hình tướng đều là hư vọng không thật, cho đến thân tứ đại này cũng không ra khỏi quy luật đó. Thầy đã nương thuyền từ trở lại thế giới này, tiếp tục cuộc hành trình về bến giác ngộ, và chúng con đã có nhân duyên với Thầy, có thể nói là đã nhiều kiếp trong quá khứ, cho nên kiếp này Thầy trò đã gặp lại ở cõi hồng trần này, và chúng con đã đến với Thầy, nương theo Thầy để tu học. Ðó là một đại nhân duyên thù thắng, vì gặp được bậc thiện tri thức là khó. Thiện tri thức là vị hướng dẫn trên con đường chân chánh, tu hành và cuối cùng trở về cội nguồn của chính mình.

Sống với Thầy bao nhiêu năm, chúng con đã học được với Thầy rất nhiều, không thể nào diễn tả qua bằng bút mực được. Ðã mấy tháng qua, từ khi Thầy trở về với hư vô, chúng con không muốn viết lên những điều gì về Thầy, vì bút mực chỉ là hình tướng, không thể nào diễn tả hết được những công đức vô tướng của Thầy, chỉ có thể cảm nhận nơi thâm tâm bao nhiêu năm tháng sống gần Thầy, nhưng chúng con vẫn ái náy một điều gì đó, khi mà thời gian làm kỷ yếu kỷ niệm về Thầy không còn bao lâu nữa. Nhưng thời gian cũng đã đến, chúng con mạo muội, ghi lại đôi dòng về nếp sống giản dị, mộc mạc đơn sơ của Thầy khả kính, mà chúng con không bao giờ quên ơn của Thầy được.

Thầy đã dạy huynh đệ chúng con qua cử chỉ hành động, tu tập hành trì thực tiễn của Thầy, Thầy đã “dĩ thân tác tắc”, lấy thân làm khuôn phép, để giáo huấn tứ chúng, chứ không phải bằng lời nói suông. Thầy ít nói, nhưng hành nhiều, đó mới là điểm then chốt tu tập Phật pháp, hưng thạnh chánh pháp. Vì Phật pháp chú trọng ở thực hành, nếu như nói hay mà không tu tập thì chẳng có lợi ích gì, giống như người nói thức ăn ngon, mà không ăn thì không bao giờ no được.

Bao nhiêu năm tinh tấn tu tập, cho dù tứ đại bất hòa, Thầy cũng chẳng màng đến bệnh hoạn mệt mỏi, một lòng tinh tấn hành trì. Tâm Thầy đã vượt trên sự đối đãi thị phi, không còn vướng bận ngũ dục huyễn ảo thế gian, sống trong thế gian mà tâm không nhiễm nơi thế gian.

Suốt cuộc đời Thầy đã hy sinh cho Ðạo pháp, “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, đã dịch nhiều Kinh điển để lại, làm đuốc soi cho hành hậu học, tạo nhiều cảnh chùa các nơi, cho hàng tứ chúng nương tựa tu học, tiếp độ Tăng Ni, nối Phật huệ mạng, báo Phật ân đức. Những việc cần làm đã làm xong, Thầy đã thị hiện vào cảnh tịch diệt, để lại nhiều xá lợi cho hàng tứ chúng chiêm ngưỡng.

Mặc dù Thầy đã ra đi, nhưng đã để lại cho chúng con tất cả, đó là hạnh của Thầy lúc nào cũng hiển hiện trong không gian tận cùng pháp giới, hình bóng của Thầy vẫn mãi mãi in sâu vào tâm khảm của hàng huynh đệ chúng con.

Thừa nguyện hiện thân giả huyễn

Không màng danh lợi không tranh đua

Từ bi nhẫn nhục siêng hành trì

Công việc hoàn mãn hiện nhập diệt.

Kim Quang tự, thu Quý mùi 2003

Ðệ tử Thích Minh Ðịnh

Nhớ Thầy

Pháp quốc từ nay vắng bóng Thầy

Tử tôn pháp quyến vọng trời Tây

Ðức dĩ hóa nhân công hạnh ấy

Thắng vượt muôn duyên dẫn hậu lai

Kính thuận nhu hòa làm tiêu hướng

Niệm Phật trì kinh hiển chân thường

Ân đức cao vời như sơn thượng

 thừa hành hóa độ muôn phương.

Thích Ðức Thắng

Thầy là tất cả

Thầy là dòng nước thanh lương,

Thầy là ánh đuốc soi đường thế nhân.

Thầy là bồ tát hóa thân,

Thầy là mẫu mực vẹn phần trí bi.

Thầy là một bực mẫu nghi,

Thầy là tổng thể hành tri rạng ngời.

Thầy là trăng sáng muôn nơi,

Thầy là diệu dược cho đời tín tâm.

Thầy là pháp bảo thậm thâm,

Thầy là từ phụ quan tâm con mình.

Thầy là ánh sáng bình minh,

Thầy là Phạm Vũ đượm tình quê hương.

Thầy là bài học vô thường,

Thầy là hoa quý tỏa hương cho đời.

Thầy là tất cả Thầy ơi!

Chính là người mẹ cả đời vì con.

Thích Minh Chiếu

Thùy Niệm Ân Sư

Ngưỡng bái bạch Ân sư! Ðức Thầy khả kính, suốt cuộc đời đã quên mình vì sự sinh tồn và lớn mạnh của chúng con trong khung trời đạo pháp.

Bạch Thầy! Chúng con thật đầy đủ phúc duyên, được tắm gội suối nguồn giải thoát, đó là ba Tạng giáo điển của Như Lai, dụng đủ tam thừa tứ quả mà chúng con được lãnh hội từ Thầy truyền đạt suốt mấy mươi năm qua. Thầy đã không nệ gian lao đem những tri thức trí tuệ dịch ra những bộ Kinh để cho chúng con thấu hiểu phần nào trong biển pháp mênh mông vô tận. Công đức ấy làm sao chúng con đền trả được khi cái hữu hạn không thể sánh cái vô biên vô cùng tận? Duy chỉ biết đem hết tâm nguyện và sự học hỏi của chúng con ngỏ hầu làm tư lương cho hành trình cũng như tiếp dẫn chúng sinh ở mai sau...

Kính lạy Thầy!

Chúng con vô cùng xúc động nghẹn ngào khi nhìn thấy khói hương trầm nghi ngút quyện tỏa giữa ngôi Bảo Ðiện trang nghiêm, đó cũng là báo hiệu chúng con phải xa Thầy, đức Thầy khả kính vì tương lai thế hệ của Phật giáo mà vất vả trong việc tu học cũng như sinh hoạt của chúng con. Thầy luôn là đầu tàu gương mẫu, từng cử chỉ, lời nói cũng như ánh mắt nụ cười đều thoát lên một màu thiền vị.

Khi chúng con mới tập tễnh vào đạo, học hỏi giáo lý chân thường thì Thầy là người đem hương vị giải thoát ngọt ngào thấm sâu vào lòng con như vị ngọt nước cam lồ không khác. Ở thời gian này, những tập khí nhiều đời của tham sân si trong chúng con đang phai mờ nhạt nét màu u ám của vô minh vọng tưởng từ đây cũng dần tan trên nền tuệ giác. Vì vậy nếu đời là một bể khổ mênh mông với muôn ngàn đợt sóng dồn dập thì Thầy chính là một chiếc bè đưa chúng con đến bờ giải thoát giác ngộ. Thầy! chính đức Thầy khả kính đã gợi cho chúng con có được những ý niệm an lạc như thế.

Giờ này, trước thâm ân vòi vọi, bút mực nào tả hết, ngôn ngữ nào nói tận khi:

“Ngôn ngữ trần gian là giả tạm

Nói sao cùng hai chữ nghĩa ân”.

Nhưng biết làm sao được, khi mà hình tướng trang nghiêm, uy nghi đức độ mãi hiển hiện trong tâm chúng con suốt chặng đường trường, nay bỗng chốc:

“Thoáng phong ba buồn dạ tín đồ

Chợt mưa xa, lạnh lùng lòng Tăng chúng

Cõi hư vô, Thầy đã ra đi

Nơi trần thế, đành ly sinh tử biệt”.

Thôi từ nay:

“Ðất già lam vắng bóng người thoát tục

Cõi phương Tây nở thêm hoa giải thoát”.

Giờ phút này, hương xông đảnh báu, đuốc tuệ rạng ngời, chí thành bày tỏ hương ba nén dâng lời cầu nguyện được siêu thăng Thượng phẩm.

Phương Tịnh Ðộ, Thầy ngự đài sen, hạt một tràng hiến niệm hồng danh, ngưỡng mong Thầy tái hiện Thánh Tăng, cõi Ta bà tuyên dương chánh giáo, một đời vì đạo tỏ rạng hồng quang.

Pháp tử Thích Nữ Ðàm Phương

Kính phụng

Tưởng Niệm

Giác linh Hòa thượng thượng Trung hạ Quán

Viện chủ khai sơn Tổ đình Hoa Nghiêm, Pháp quốc (1917-2003)

Tăng sinh cầu đạo Kim Liên Tổ

Sinh chí xuất gia tỉnh Ninh Bình.

Quang kiến tạo Pháp Vương, Hộ Quốc,

Thạnh lập thành tứ chúng Hoa Nghiêm.

Thành tâm trú dạ Liên Hoa Pháp,

Kính lễ lục thời Sám Hồng Danh.

Tưởng chúng sinh, du hoằng Phật pháp,

Niệm tiền đồ, tiếp dẫn hậu lai.

Hòa tâm trước tác tam thập phẩm,

Thượng bảo dịch phiên Trí Ðộ thành.

Thượng ân Phật, chúng sinh hạ hóa,

Trung đạo nghĩa, tứ chúng giai thâm.

Hạ đáo xuân tàn thời gian vận,

Quán triệt vô thường tứ đại suy.

Viện khế lý nhơn duyên sinh tử,

Chủ khế cơ thành trụ hoại không.

Tổ ấn trùng quang nhập vô trụ,

Ðình nội Hoa Nghiêm lạc Ưu Ðàm.

Hoa tâm lan tỏa viên vạn hạnh,

Nghiêm đức nhuần thấm hải từ bi.

Pháp âm vi diệu truyền chơn ngữ,

Quốc pháp vô song thọ đức từ.

Viên mãn bồ đề đáo Tây phương tự tại,

Tịch diệt Niết bàn ngự Bảo Sơn an nhiên.

Nhất tâm đảnh lễ nam mô Kim Liên Ðường Thượng Từ Lâm Tế Chánh Tông Nhị Thập Thất Thế Húy thượng Trung hạ Quán Vũ Công Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám.

Delhi, 10 tháng 09 năm 2003

Du học tăng tại Ấn Ðộ

Thích Quang Thạnh

Thành tâm vọng bái

Cành Sen Dâng Thầy

Kính dâng Giác linh Hòa thượng tôn sư

Thầy ơi một kiếp phù sinh

Thầy thương cứu độ tâm thành chúng con

Ân Thầy sánh tợ nước non,

Con chưa đền đáp cho tròn nghĩa nhân

Vô thường như thể phù vân

Hoa Nghiêm cỏ lá ngậm vành Thầy ơi!

Thầy khuyên tinh tấn chớ lơi

Siêng năng tu dưỡng trau dồi đạo tâm

Dễ vui có lúc lỗi lầm

Thầy khuyên sám hối tâm thành kính dâng

Thầy thương dạy dỗ ân cần

Con nhớ gìn giữ ý, thân và lời

Kiếp này cho đến muôn đời,

Nguyện làm hiếu tử thệ lời sắc son

Trăng kia dẫu khuyết hay tròn

Sông kia dẫu cạn, đá mòn, biển vơi

Tâm con quyết chẳng đổi dời

Như cành sen ngát cho đời an vui

Ðệ tử

Thích Nữ Ðàm Ðào

Hồi Tưởng

Hồi tưởng lại một đời Thầy đạo hạnh

Ðem cả thân tâm phục vụ chúng sinh

Tháng ngày qua hành đạo chốn quê người

Nay xả nhục thân về miền Cực Lạc

Thầy ra đi để lại nghìn thương tiếc

Con nhớ ơn Thầy tiếp độ năm xưa

Lòng ngậm ngùi khắc ghi vào tâm khảm

Nguyện giác linh Thầy cao đăng Phật quốc.

Pháp tử Thích Nữ Ðàm Chất

Khể thủ

Nhớ Mãi Trong Tôi

Có lẽ trong giới “Xuất trần thượng sĩ” của chúng ta không ai không có những kỷ niệm đẹp, những nhơn duyên lành đầu tiên đáng nhớ trong cuộc đời xuất gia của chính mình. Ðối với tôi, thật là một diễm phúc lớn lao, một nhân duyên may mắn “nhớ mãi trong tôi” khi được diện kiến, gần gũi cố Hòa thượng thượng Trung hạ Quán tại Tổ đình Hoa Nghiêm, Paris Pháp quốc vào tháng 5. 2002. Sự khởi đầu của duyên lành ấy có lẽ xuất phát từ đây:

Vào độ tuổi trăng tròn, khi còn là chú tiểu xuất gia đầu Phật tại chùa Kỳ Quang II, Gò Vấp; tôi đã được Bổn sư thượng Thiện hạ Chiếu, cho phép tôi cầu học luật Sa di với Ni sư thượng Ðàm hạ Nhung, tại chùa Vĩnh Quang, Gò Vấp. Trong thời gian học luật, Ni sư thường khuyến tấn tôi cố gắng tu học bằng cách kể cho tôi nghe những tấm gương tiêu biểu “Cao Tăng Thạc Ðức” trong đó có nhắc đến công hạnh của Hòa thượng thượng Trung hạ Quán, tác giả của dịch phẩm nổi tiếng “Ðại Trí Ðộ Luận”. Lúc ấy, với tư tưởng nhận thức còn trong độ tuổi ấp ủ 16 tròn trăng, tuy chưa hiểu biết “Ðại Trí Ðộ Luận” là gì? Và Hòa thượng Trung Quán là ai? Nhưng trong lòng tôi luôn cảm thấy rất thích tìm hiểu về công hạnh của Ngài. Phải chăng đó là nhơn duyên đầu tiên của tôi sẽ được gặp Hòa thượng trong tương lai khi chỉ “văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình”?

Thế rồi, thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, dòng sông vẫn êm đềm xuôi chảy, những chiếc lá vàng trên cây lần lượt lìa cành để nhường chỗ cho màu xanh của lá đâm chồi nảy lộc, sự vận hành bốn mùa luôn thay nhau xoay chuyển: “Hạ đến, Thu đi, Ðông tàn, Xuân khoe sắc; Vạn hữu, nhân sinh tương tục vận theo thời”. Vào tháng 11 năm Quý Dậu (khoảng tháng 12 năm 1993), duyên lành ấy đã đến với tôi vào tiết lạnh mùa đông đang phủ khắp trên vùng trời quê hương đất Bắc. Ðó là lúc Hòa thượng thượng Ðức hạ Nhuận, Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, thâu thần viên tịch và được quàng lại chùa Quán Sứ - Hà Nội. Lúc đó, tôi và một pháp lữ đồng học, Ðại đức Thích Quang Trí, cũng đã có mặt trong đám tang và trú ngụ mười ngày tại chùa Hòe Nhai, nơi Hòa thượng Pháp Chủ đã ngự cho đến cuối đời. Thế rồi, vào một buổi sáng khi vầng dương vừa ló dạng, tôi bất chợt nhìn thấy vị Hòa thượng nhẹ nhàng vén bức rèm phòng thong thả bước ra, bên tay phải của Cụ là một vị Ðại đức với khuôn mặt phúc hậu hiền từ đang dìu Ngài đi đến bàn của quý Hòa thượng. Khi ấy, lòng tôi không biết sao cứ hồi hộp và tim càng lúc càng đập mạnh khi nhìn thấy Cụ. Từng phút... từng phút... lặng lẽ đi qua, ánh mắt tôi không sao rời khỏi hình ảnh uy dung của Cụ với khuôn mặt ửng hồng từ bi và đức độ, với ánh mắt từ hòa đầy thuyết phục. Tôi tự hỏi rằng: “Vị Hòa thượng nào vậy nhỉ?” Rồi mười phút trôi qua, tôi thật sự sung sướng khi biết được vị ấy chính là Hòa thượng thượngTrung hạ Quán, Viện chủ Tổ đình Hoa Nghiêm tại Paris mà tôi đã được nghe danh Ngài khi xưa. Vị đệ tử bên tay phải của Cụ khi ấy là Ðại đức Thích Ðức Thắng, trụ trì chùa Pháp Vương tại Noyant cùng về với Cụ. Sau đó, tôi được tiếp chuyện với Thầy Ðức Thắng và được Ðại đức hướng dẫn chúng tôi đến đảnh lễ Ngài. Tôi nhẹ nhàng từng bước theo sau Ðại đức với tâm trạng vừa vui sướng, vừa hồi hộp khi diện kiến Ngài. Khoảng cách mỗi lúc càng ngắn lại, sự hồi hộp trong lòng tôi lại càng lúc càng gia tăng không thể kiềm chế được, và cuối cùng tôi đã được đến bên Ngài đảnh lễ. Hòa thượng khẽ gật đầu, mĩm cười như đã thấu hiểu được tâm trạng của tôi; sự hồi hộp ấy liền tan biến và trong tôi vẫn còn lại một cảm giác an lạc, hạnh phúc. Lầu đầu tiên sau nhiều năm chỉ được nghe danh thơm và công hạnh của Người, nay đã được diện kiến, cảm xúc ấy thật khó diễn đạt hết được! Cũng từ đấy, tình Pháp lữ giữa chúng tôi và Thầy Ðức Thắng càng thân thiết hơn khi chia tay tại Hà Nội.

Vào tháng 5 năm 2002, một duyên lành lại đến với tôi giữa mùa hè nóng bỏng tại thủ đô Delhi - Ấn Ðộ, Ðại đức Thích Ðức Thắng đã tạo điều kiện cho chúng tôi qua Pháp thăm viếng Hòa thượng và tham dự lễ Phật Ðản tại Tổ đình Hoa Nghiêm (nơi Hòa thượng hành đạo), chùa Pháp Vương tại Noyant, chùa Nhân Vương tại Troyes, và thăm các chùa trong tông môn như: chùa Hoa Nghiêm tại Bruxelles (Vương Quốc Bỉ) chùa Hộ Quốc tại Roubaix. Sau mười năm xa cách Hòa thượng, nhìn lại Cụ, tôi càng cảm thấy thương Cụ thật nhiều qua vóc dáng khô gầy vì cơn bệnh hoành hành suốt nhiều năm nay. Vô thường của thời gian đang ăn mòn và phá hủy thân tứ đại của Cụ, nhưng với lý trí và nghị lực, Người vẫn bình thản, ung dung, tự tại trong nếp sống tu hành của mình. Mặc cho thời tiết bốn mùa luân phiên thay đổi, nhưng thời khóa tụng niệm thường nhật của Người không bao giờ đổi thay. Ngày ngày Cụ vẫn lặng lẽ một mình lên điện Phật lễ Sám Hồng Danh, trì tụng kinh Pháp Hoa. Với đệ tử, Cụ luôn giáo huấn bằng thân giáo nhiều hơn khẩu giáo. Sự im lặng chính là lời huấn thị được thể hiện qua ánh mắt từ hòa và cử chỉ nhẹ nhàng của Người. Mỗi cử chỉ của Hòa thượng là sự nhắc nhở cho mọi người siêng tu tịnh nghiệp thân, khẩu, ý; khéo sử dụng những phương tiện thiện xảo trong việc hoằng pháp độ sanh; và khiêm cung trong mọi tình huống ứng xử... Cuộc đời Ngài là bài thuyết giáo vô ngôn để khuyến tấn tất cả môn đồ chuyên tu Phật pháp.

Một lần, tôi có cơ hội được massage cho Hòa thượng (dụng cụ bằng gồ để kích thích cơ bắp và làm cho các mạch máu lưu thông), tôi xúc động muốn rơi nước mắt khi thấy cột sống lưng của Người đã bị chai (callosity) rất nhiều vì massage. Nhìn Cụ, tôi suy tư về thân tứ đại vô thường của một kiếp nhân sinh. Ánh mắt của Người như muốn khuyên tôi rằng: “Mang thân con người thì phải chịu sự chi phối của bốn tướng sinh, già, bệnh, chết, điều quan trọng là phải giữ vững lý trí và nghị lực vượt qua sự chi phối ấn mà cố gắng tinh tiến tu học”. Tôi cung kính đón nhận thâm ý và biểu hiện nụ cười tâm đắc của mình. Như đã thấu hiểu tâm trạng ấy, Người dơ tay nhẹ vuốt đầu tôi... Những tháng ngày ấy thật sự là một duyên lành luôn “nhớ mãi trong tôi”.

Nay nhân dịp Tổ đình Hoa Nghiêm chuẩn bị thực hiện kỷ yếu về cuộc đời và công hạnh của Người, từ đất Ấn phương xa con thành kính đốt nén tâm hương kính nguyện giác linh Hòa thượng tùy từ chứng giám. Xin phép Ngài cho con được mạo muội ghi lại nơi đây đôi dòng cảm niệm để thể hiện lòng kính mến, tiếc thương vô hạn đối với bậc Cao Tăng Thạc Ðức suốt đời phụng sự vì đạo pháp: “Tục diệm truyền đăng, xiển dương chánh pháp, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”.

Nhất tâm đảnh lễ

Nam mô Kim Liên Ðường Thượng Từ Lâm Tế Chánh Tông Nhị Thập Thất Thế Hải ngoại Pháp Quốc khai sơn Hoa Nghiêm viện chủ Pháp húy thượng Trung hạ Quán Vũ Công Hòa thượng Giác linh Thùy từ chứng giám.

Delhi, 10 tháng 09 năm 2003

Du học tăng tại Ấn Ðộ

Thích Quang Thạnh

Thành tâm vọng bái

Bậc Ðạo Sư Tôn Kính

Kính bái bạch Giác linh Hòa thượng

Chúng con là hàng Phật tử chùa Hoa Nghiêm tại Vương Quốc Bỉ, may mắn tạo được chút duyên lành từ nhiều đời nhiều kiếp, nên nay được gặp Hòa thượng trong cõi Sa bà, lại còn được Hòa thượng ân cần dìu dắt chúng con trên bước đường tu học giáo lý giải thoát. Phải chăng Hòa thượng đã tạo dựng cho cuộc đời Phật tử chúng con như một bài thơ bằng ngôn ngữ giản dị, nhưng hàm tàng với bao ý nghĩa thâm trầm?

Suốt chặng đường chúng con đến với đạo, tìm hiểu và học hỏi giáo lý chân thường, trong quảng thời gian đó, mặc dù chưa đáng kể là bao, nhưng nâng cao giá trị kiếp sống con người, khi chúng con được theo gót chân Hòa thượng về đây học hỏi giáo lý, được gần gũi Hòa thượng tu hạnh giải thoát, để tập tành sống một kiếp sống vị tha vô ngã bằng bức thông điệp “Tình thương hòa hiệp hợp chung”. Trong thân tâm của hàng Phật tử chúng con, Hòa thượng là hiện thân của đấng từ phụ với đôi mắt hiền từ với dung nghi khiêm cung và giản dị...

Vâng! Đôi mắt ấy đã bao lần chúng con thấy chứa đựng niềm thương cảm vô biên và tấm thân yếu gầy khiêm hạ kia, nhưng cũng đã bao lần che dựng niềm tin và tạo nên sức mạnh cho chúng con vững tiến trên con đường đạo cho đến ngày nay nơi đất khách quê người:

Những tưởng:

Cái gót tùy duyên vẫn mãi,

Bánh xe cửu trụ còn ngưng.

Nào hay:

Vậy tích đã bay xa,

Ðường huyền vội tách sớm.

Than ôi! Kể từ nay,

Trên pháp tịch vắng bóng Thầy khai đạo,

Chùa Hoa Nghiêm khuất bóng Tôn sư

Ao cửu liên danh nêu thượng phẩm,

Cõi Sa bà an giấc ngàn thu.

Dẫu biết rằng: “Sinh ký tử quy”, có hợp ắt có tan, có tụ ắt có tán, đó là định luật ngàn thu. Hòa thượng ra đi là để xả bỏ huyễn thân, chứng nhập pháp thân, nhưng chúng con làm sao tránh khỏi sự xúc động nghẹn ngào khi hay tin Hòa thượng đã quảy dép về Tây!

Thôi từ đây:

Sương chiều khói mịt mờ, chùa xưa lạnh lẽo,

Ðêm vắng đèn thiền leo lét, trượng thất quạnh hiu.

Chúng con cúi xin, lửa vàng thiêu ngọc, sắc quý hương bay, nguyện giác linh Ngài, thân chơi đất nước thanh lương tâm ngộ đạo mầu giải thoát, sớm lên quả vị, trở lại độ sinh, muôn đức viên thành, mọi người chiêm ngưỡng.

Phật tử Hoa Nghiêm Bruxelles.

Ðược Biết

Xuất thân Nam Ðịnh, chốn địa linh

Chủng tử Thích Ca sớm ngộ minh

Xuất gia học đạo Ðồng Ðắc tổ

Thập giới Sa di sớm thọ truyền

Kim Liên chốn tổ chuyên tu học

Giới đức thanh cao vốn giữ gìn

Diệu Pháp Liên Hoa chuyên trì tụng

Giáo nghĩa đại thừa sớm hạnh thông

Kính trên nhường dưới là tâm hạnh

Hòa nhã đệ huynh giữ phận mình

Trách nhiệm hoằng dương Thầy cung cử

Vào đất Phù Nam giáo pháp truyền

Kỷ hợi năm xưa Ngài xuất chúng

Rời nước Việt Nam đến Chiêm Thành

Làm tròn bổn phận Như Lai sứ

Hạnh sự Như Lai khắp ba miền

Ðộ chúng hữu duyên thành Thích tử

Cứu giúp mọi người khỏi nạn tai

Thiện nam, tín nữ tam quy thọ

Ðệ tử theo Ngài lúc càng đông

Ðến Năm Ðinh Tỵ duyên hội ngộ

Ðất Pháp - trời Tây hiện diện Ngài

Quán Âm thiền viện chuyên truyền dạy

Giáo nghĩa uyên thâm lý đại thừa

Tân dậu, Hoa Nghiêm khai sáng lập

Làm chốn thiền môn để hành trì

Ðạo cao đức trọng càng thêm lớn

Trí tánh thường minh tỏ rạng ngời

Hơn một thập niên Ngài tôn tạo

Tự viện thêm nhiều khắp xứ Âu

Tất cả những nơi Ngài bước đến

Khổ lụy nhân quần được thoát ngay

Hơn tám mươi năm hành đạo nghiệp

Giáo nghĩa Phật Ðà dịch lão thông

Ðến nay nhân thế còn truyền tụng

Ðều nhớ đến Ngài đã dày công.

Delhi, PL. 2547, Ngài 16 tháng 09 năm 2003

Tăng sinh Thích Thiện Quý

Những Kỷ Niệm Sống Mãi Trong Tôi

Chiều vàng trên đất lạ

Mở từng trang giấy hoa

Ðắm mình trong hoài niệm

Chợt thấy bóng Lăng Già

Mùa trăng sáng lại về, những chùm hoa tim tím nở rộn bên hiên. Trời đất khởi sắc huy hoàng. Nắng chiều bao giờ cũng ử vàng mãi cho đến gần về khuya mới tắt. Trời tháng 5 bao giờ cũng vậy, mây thật trắng và trời thật xanh. Trong khoảng khắc giao mùa, lá hoa bừng sức sống. Ði vào căn phòng mỗi khi Sư cụ về dự lễ ngã lưng. Gấp lại chiếc cà sa treo trong tủ áo. Hơi ấm còn vương đâu đây. Mơ màng như thấy bóng thầy đang ngồi trên chiếc ghế cạnh ấm trà không bao giờ cạn. Bất chợt bao nhiêu kỷ niệm ùa về. Như những thước phim quay chậm, thật chậm ngập tràn trong ký ức mà suốt đời tôi không thể nào quên.

Tôi có nhân duyên yết kiến Sư cụ vào năm 1991 là nhờ sư ông Thọ Lạc, một người bạn đồng học, đồng tu nhân dịp sư ông Ðức Thắng và sư cô Ðàm Lương đưa Hòa thượng trở về thăm Tổ Ðồng Ðắc. Nhìn Sư cụ nghiêm nghị, ít nói mà chỉ dùng mắt nhìn, tôi chỉ biết đảnh lễ Ngài nơi Thanh Minh thiền viện. Thâm tình giữa tôi và sư Thắng cũng bắt đầu từ đó. Anh em chúng tôi quý nhau như huynh đệ một nhà dù là lầu đầu tiên gặp mặt. Sư ông Thắng có nhã ý mời tôi sang Pháp để cùng nhau làm Phật sự. Lời đề nghị này mãi cho đến 1995 tôi mới nhận lời.

Nơi đất khách, một thân một mình, tôi đã nương tựa Sư cụ và đảnh lễ xin Hòa thượng làm vị thầy thứ hai trong đời sống xuất gia của mình. Và cũng từ đó Sư cụ đã ban cho tôi một tên gọi mới trong gia đình Hoa Nghiêm: Thích Viên Minh. Tên gọi như một lời phó thác, là một kỳ vọng Ngài muốn gửi gấm cho người đệ tử y chỉ của mình. Tôi trân quý với danh xưng này cũng như đã từng trân quý Pháp danh đầu tiên tôi thế phát xuất gia mà thầy bổn sư đã đặt và lòng tự nhủ lòng: Phải cố gắng làm sao cho sư cụ không phải thất vọng. Tôi và sư ông Ðức Thắng sống an vui dưới mái chùa Pháp Vương yên tỉnh, trầm lặng với không gian bao la, tươi mát.

Tiếng điện thoại reo vang, Sư Thắng chuyền máy và nói: Sư cụ gọi nè. Tôi vừa lo, vừa sợ. Bên kia giọng nói sư cụ rõ ràng: Công việc với Ðức Thắng đã xong rồi mau về đây mà lo coi chùa ở Lille. Tôi vâng dạ cho cụ yên tâm. Nhưng trong tôi chẳng muốn chút nào vì tôi tự hiểu đóng vai trò chăm vóc một ngôi chùa không phải là chuyện dễ. Hai từ Trụ trì với tôi thật xa lạ và nặng nề.

Hồi mới cắt tóc xuất gia, tôi học trong luật đã hiểu ý nghĩa Trụ trì như thế nào rồi. Trụ Pháp vương gia, Trì Như Lai tạng mà xưa nay tôi vốn dĩ luôn sống trong vòng tay Ðại chúng chưa từng đảm nhiệm chức vụ gì quan trọng trong chốn Thiền môn. Chỉ có biết chấp tác theo sự phân công trong chúng, tôi tự biết khó mà gánh vác nổi nhiệm vụ quan trọng này. Bạn bè trang lứa cùng trường hồi đó đều tự nhắc với nhau: Ở trong chúng cho yên thân. Nhưng mỗi khi có dịp về Hoa Nghiêm, sư cụ đều nhắc mãi điệp khúc đi coi chùa. Trong tôi lại không vui.

Tôi tự nghĩ: Sư cụ luôn để tâm tới Ðạo, thấy chùa không có sư, không hương khói, sư cụ không thể nào an lòng. Nếu tôi từ chối thì sẽ làm trái ý Sư cụ, nếu tôi nhận lời không biết có làm nên việc hay không? Bao đêm tôi mất ngủ vì những ý tưởng mâu thuẩn cứ hiển hiện trong đầu. Tôi bèn hỏi ý kiến huynh đệ và những người có duyên với tôi. Ai nấy cũng có lời khuyên nên làm điều gì cho Sư cụ vui thì làm. Tôi chợt hiểu, đây cũng là sự thể hiện Báo Ân với Sư cụ. Thế là tôi đã đóng vai trò Tác Như Lai Sứ tại ngôi chùa to lớn ở miền Bắc nước Pháp từ tháng 11 năm 1997. Một Phật sự mà từ khi cắt tóc xuất gia trãi qua hơn 20 năm tôi không bao giờ muốn nghĩ đến.

Một thân một mình, gửi thân nơi ngôi chùa lạ, tôi gặp nhiều khó khăn thử thách nhưng phúc báu cho tôi; ngoài Sư cụ và các huynh đệ còn có một vài gia đình thuần thành gần chùa luôn động viên, giúp đỡ. Những lời nhắc nhỡ, những lời động viên đã giúp cho tôi vượt bao khó khăn, cực nhọc, vươn mình trong cuộc sống mà cố gắng gìn giữ ngôi Phạm vũ ngày thêm huy hoàng.

Sư cụ đã cho tôi nhiều lời sách tấn. Ngài không sử dụng ngôn từ mà mỗi lần Ðại lễ, Sư cụ đều đi tham quan cảnh chùa với nét mặt hân hoan. Sư cụ không bao giờ khen, không bao giờ chê nhưng nhìn thấy ánh mắt và nụ cười nhẹ nhàng của Ngài là tôi đã hiểu. Có lần Sư cụ nói: “Nhờ ông về trông nom nên chùa được như vậy.” Trong tôi hạnh phúc tràn đầy.

Giờ đây, chiếc ghế Sư cụ hay ngồi còn đó, ấm trà Sư cụ hay dùng còn đây, từng bước chân Sư cụ còn in trên nền gạch hoa, chiếc áo ấm màu rêu đất còn nằm trong ngăn tủ. Tất cả chỉ là dấu ấn, là kỷ niệm, là bóng dáng, là hơi thở của Sư cụ bàng bạc trong ngôi chùa Hộ Quốc. Một ngôi chùa mà Sư cụ luôn để tâm thương tưởng.

Nắng vàng đã tắt ngoài song, trời về đêm, ánh trăng của ngày trưởng tịnh thật sáng, hào phóng trãi khắp nhân gian, quét một vệt dài ánh sáng huyền ảo vào trong căn phòng Sư cụ, con thấy ấm áp cỏi lòng. Bởi vì con nhận biết dù ở bất cứ nơi đâu, làm Phật sự bất cứ nơi nào, hình bóng Sư cụ vẫn sáng trong con, tựa như ánh trăng mầu nhiệm của ngày rằm tháng 4. Nhẹ nhàng, dịu ngọt, trong lành, hiền hòa giúp cho con thêm niềm tin, giúp cho con thêm nghị lực trên con đường xuất gia tu học cũng như làm tròn trách nhiệm của mình với ngôi chùa mà Sư cụ đã hết lòng kỳ vọng.

Cúi xin Sư cụ luôn gia hộ cho con và những đệ tử của Sư cụ tại ngôi chùa Hộ Quốc ở miền Bắc nước Pháp này.

Tưởng nhớ Sư cụ nhân ngày Ðại lễ Phật Ðản vắng bóng Ân sư.

Tiết Hạ, ngày Trăng tròn tháng 4 năm Quý mùi.

Ðệ tử Thích Viên Minh

Kính ghi

Thế Rồi

Tám sáu mùa Xuân ở cõi trần[1]

Ngài tròn bổn phận bậc hiền nhân

Tham gia dịch thuật nhiều kinh điển

Phục vụ giáo truyền rất nhiệt tâm

So lúc thiếu niên tài bậc Thánh

Sách thời cao tuổi trí như Thần

Hoàn thành Thích Tử Như Lai sứ

Ất mão, Quý mùi xả Báo thân[2]

Thích Viên Mãn

Khuất Bóng Thiền Tôn

Kính dâng Giác linh Hòa thượng

Thiền đường vắng bóng tà dương

Ta bà quẳng gánh Tây phương Ngài về

Kim Liên - Ðồng Ðắc tái tê

Ai Lao, Pháp quốc não nề nghìn thu

Hoa Nghiêm mưa lệ bao dòng

Pháp Vương se thắt cỏi lòng tiếc thương

Nhân Vương sâu thẳm diệu buồn

Từ Ân, Hộ Quốc sầu vương dáng Người

Ðề li cách mộ khung trời

Nhớ Ngài, xứ Phật mưa rơi sụt sùi

Con đây ngấn lệ ngậm ngùi

Tấc lòng vọng bái nghẹn lời kính thơ!

Nam mô Kim Liên Ðường Thượng Lịch Ðại Tổ Sư Bồ Tát tác đại chứng minh

Delhi, PL. 2547, 16 tháng 09 năm 2003

Tăng sinh Thích Thanh Chương

Hồi Tưởng Ân Sư

Hoa Nghiêm cảnh cũ còn đây,

Bây giờ lặng lẽ bóng Thầy tìm đâu!

Con hồi tưởng lại năm nào

Thầy ngồi giảng giải đạo mầu Như Lai.

Chúng con huynh đệ hằng ngày,

Khách đường huân tập nghe Thầy dạy răn

Thầy rằng gặp Phật Pháp Tăng

Chúng con tinh tiến siêng năng tu hành.

Mai sau đạo quả viên thành

Tự mình độ thoát siêu sinh cửu huyền

Con nguyền đạo niệm tinh chuyên

Cầu Thầy tự tại ngự trên liên đài.

Pháp tử Tỳ kheo ni Thích Nữ Ðàm Liên

Vài Kỷ-niệm về công đức hành đạo của Cố Ðại lão
Hòa-thượng Thích Trung-Quán tại xứ Lào

Dẫn nhập: Nhân chuyến lên thăm con cháu tại Paris dịp lễ cuối năm 2003; tôi được tiếp xúc với chú Nguyễn Viết Chữ, người rất nhiệt tâm hộ-trì Phật pháp, không phân biệt giáo phái này phái nọ. Chú Chữ cho tôi xem qua bản thảo tập “Kỷ yếu tưởng niệm cuộc đời hành đạo của Cố Ðại lão Hòa thượng Thích Trung-Quán” mà chú đang giúp quý thầy, cô trong ban soạn thảo, sưu tầm hình ảnh, bài vở để thực hiện được hoàn thành vào cuối năm 2003, và chú ngỏ ý xin tôi đóng góp một bài, vì chú biết rõ là tôi đã từng sống gần gũi Cụ một thời gian, từ Vientiane đến Savannakhet. Tôi rất tán-thán về việc làm này của chú Chữ nên hôm nay cố gắng đào sâu ký ức, kể lại những điều mình biết về Cụ, dù không đầy đủ cho lắm nhưng gọi là góp phần nhỏ cho tập Kỷ yếu thêm phong phú. Nếu có khoản nào không đúng sự thật, xin ban soạn thảo hoan hỷ hiệu chính dùm.

Từ khoảng đầu năm 1959, dịp tết Kỷ hợi tôi lên Vientiane sống trong chùa Bàng Long làm công quả giai đoạn đại trùng tu, từ một ngôi chùa bé nhỏ được phá đi để kiến thiết thành một đại tùng lâm hùng vỹ hiện nay. Cũng vào dịp này Cụ Trung-Quán, sau khi hoàn thành xây dựng ngôi chùa Phật Tích ở Luang Prabang, trở lại Vientiane. Lúc đó tôi không rõ là Cụ sẽ thường trú tại chùa Bàng Long hay chỉ là tạm trú một thời gian trên đường trở về Việt Nam. Bổn mạng tôi có diễm phúc là được quý thầy quý cụ thương, nên tôi đã trở nên một trong những đệ tử thân cận của Cụ. Cụ hằng khuyên bảo dạy dỗ tôi, từ việc tu hành đến việc đời riêng tư của tôi. Những lúc nhàn rỗi, Cụ thường đi bách bộ trong khuôn viên chùa, trên tay luôn luôn lần tràng hạt, tôi có ý nghĩ là Cụ chẵng bao giờ dứt câu niệm Phật, trừ những lúc đàm đạo với quý Thầy hoặc giáo hóa các đệ tử. Thời gian mới gặp, Cụ còn rất trẻ nên tôi thường xưng hô với Cụ là Thầy với con, cũng như với Thầy Nhật Liên, Thầy Quảng Thiệp, Thầy Thanh Tuất, v.v.. Tôi xin nói thêm về từ ‘Thầy’, bà con Phật tử tại Lào dùng từ này để xưng hô với quý Thầy nêu trên, còn đối với các thầy tỳ kheo mới thọ giới về sau thì gọi là các sư ông, như sư ông Minh Trí, sư ông Thiện Sơn, sư ông Quang, sư ông Ðức Thắng, v.v... Một điểm đặc biệt về Cụ là không bao giờ tôi thấy Cụ nổi sân, tuy là sân có giới hạn của một tu sỹ, mà nét mặt luôn luôn thanh thoát tươi tắn mỉm cười mỗi khi nói chuyện với ai. Thỉnh thoảng tôi cũng nghe Cụ cười thành tiếng và nói nhỏ ‘bá ngọ’ để nói lên ý nghĩ không mấy hoan hỷ một điều gì. Tôi chân thành xác định Cụ là một bậc chân tu và rất tinh tấn trong việc hoằng pháp lợi sanh, ngay cả với bạn đồng tu Cụ cũng để ý nhắc nhở khuyến khích. Nếu không bận tổ chức lễ lược gì, Cụ thường nhập thất tịnh khẩu để ngồi thiền, niệm Phật hoặc dịch kinh. Cụ rất tinh tấn về việc dịch kinh, ngoài ra Cụ còn trước tác nữa. Tại chùa Bàng Long tôi biết rõ vì đã phụ Cụ đánh máy các bộ kinh Cụ đã dịch như kinh A-Di-Ðà, kinh Hiền-Ngu và các soạn phẩm nhưCuộc Ðời Ðức Phật, Biện Minh Tu Chứng của Phật Giáo...

Thời gian 1960 – 1969 Cụ và Thầy (tức Thượng tọa Nhật Liên), như bóng và hình, thường cùng nhau về hành đạo tại ba tỉnh miền trung hạ Lào, như Thakhek, Savannakhet và Paksé, ít khi thấy Cụ về một mình hoặc Thầy về một mình. Công đức của Cụ ở Thakhek là Cụ đã cho làm lại mặt tiền chùa và đắp tôn tượng mới lớn hơn tượng cũ. Ở hai chùa tại Savannakhet, Cụ cũng cho đắp ba pho tượng mới to lớn hơn tượng cũ lớn nhiều. Tâm nguyện của Cụ là tới đâu Cụ cũng đặt trọng tâm về đắp tượng thật lớn. Ngay cả thời gian mới tới Pháp định cư, lúc đang tạm trú tại chùa Quan Âm, Cụ về làm lễ Vu Lan tại Valence, tỉnh tôi đang ở, tôi hướng dẫn Cụ lên thăm ngôi chùa Lào ở Tournon, cách Valence 18 km, Cụ cũng đã đưa ra ý kiến xin đắp pho tượng cao 7 mét trên chóp núi thuộc phần đất chùa, nhưng vị sư viện chủ chưa tán đồng nên Cụ đã mất một dịp tạo công đức lớn cho vùng nam nước Pháp này.

Tôi tự nhận thấy là có nhiều nhân duyên với Cụ, từ còn sống trong chùa Bàng Long đến lúc gặp lại Cụ bên Pháp, Cụ luôn luôn thương tưởng khuyến khích tôi trong việc hộ trì Phật pháp. Một thí dụ, lúc Cụ mới qua Pháp, thời gian Cụ tạm trú tại chùa Hồng Liên ở Fréjus, trên đường đi nghỉ hè, tôi tạt vào thăm Cụ, Cụ đã cho tôi bộ chuông mõ và khuyến khích về Valence ráng tập cho bà con Phật tử tụng kinh, duy trì hạt giống bồ đề dù chưa có chùa, chưa có thầy hướng dẫn. Nhờ vậy mà từ 1978 đến năm 1989 cộng đồng Phật tử Valence thành hình, mượn phòng Centre Social tụng niệm mỗi tháng một lần, ngay cả tổ chức đại lễ Phật Ðản, Vu Lan ... cho đến năm 1989 thì Valence có chùa. Ngày thỉnh được tôn tượng Bổn Sư từ Việt Nam sang cũng lại Cụ về làm an vị hô thần nhập định. Cụ về đã không quản ngại khổ nhọc, Cụ còn cúng chùa 3000 fr (lúc đó khá lớn). Ðến năm 2001 chùa Phật Quang Valence đại trùng tu, Cụ lại gởi về góp phần xây dựng 5000 fr.

Nay Cụ đã không còn trụ thế nữa, nhưng trong con hình ảnh Cụ vẫn là bất diệt. Lạy Cụ vạn vạn lạy sám hối với Cụ, nếu trong quá khứ con đã làm gì phật ý Cụ, cũng như những điểm nào trong bản ký ức này không xứng đáng với tâm nguyện Cụ, con xin Cụ từ bi hoan hỷ đại xá cho con. Con còn nhớ mãi dịp lên chùa Pháp Vương làm lễ khánh thượng thọ Cụ, lúc con đến lễ chào Cụ, Sư ông Thắng hỏi: “Cụ có nhớ ai đây không?” Cụ trả lời ngắn gọn: “Quên làm sao được”.

Vài lời tưởng niệm Giác linh Cụ,

Xin Cụ từ mẫn chứng giám cho con!

Valence, ngày 02-01-2004

Cẩn bút, Nguyên Quang PHAM Hoàng

Tưởng Niệm Ân Sư

Buồn thay! Buồn thay! kể từ nay,

Hoa Nghiêm tự sẽ vắng bóng Thầy!

Vĩnh biệt ngàn thu bậc Thầy muôn thuở

Thầy đã bỏ lại những đàn con thơ.

Lòng đau không nỗi nào kể xiết

Con nào có tìm được ra lời để viết

Ân đức Thầy rộng lớn như biển cả

Con thơ dại chưa được đền đáp trả.

Ðể tả lên Thầy tấm lòng chân thành,

Con nguyện tinh tấn tu hành

Lành thay! Lành thay!

Những hạt ngọc xá lợi của Thầy

Ðủ chứng minh rằng:

Thầy đã an nhiên tự tại về với Phật

Kính lạy Phật A Di Ðà đã tiếp đón Tôn sư của con.

Nam mô A Di Ðà Phật

Pháp tử Tỳ kheo ni Thích Nữ Ðàm Như


 (xin xem phần tiếp theo)

Ky Yeu Hoa Thuong Thich Trung Quan