Phần II: Tùy Duyên Tại Hương Cảng
35. Tham thiền trong Động Quán Âm.
Cuối năm 1949 nhân vì Thiều Quan giải phóng, không trở về Vân Môn được, nên Ngài đi xe lửa từ Quảng Châu tới Hương Cảng. Tới Hương Cảng được một thời gian, Ngài đi thẳng qua Thái Lan tham gia phái Tăng-già và quán sát công cuộc truyền bá Phật pháp ở phương Nam, đồng thời tham cứu học hỏi những điểm khác biệt giữa Nam, Bắc Tông. Ngài tạm trú tại chùa Long Liên khoảng hơn bốn tháng rồi trở về Hương Cảng. Trên thân vẫn với bộ y phục cũ mèm, lại không có một đồng trong túi. ít lâu sau Ngài gặp một nam cư sĩ, người này biết có một cái động ở núi Phù Dung, Toàn Loan phía Bắc Hương Cảng thích hợp cho Ngài tu hành, nên mời Ngài về động an tu. Hang động là một cái lỗ nhỏ tối tăm nằm ngay mặt tiền của triền núi. Khi vào động phải cúi mình sát xuống, phía trong có một phiến đá lớn bằng phẳng là nơi Ngài dùng để ngồi thiền. Ngoài ra, trong động tuyệt nhiên không có giường, bàn ghế hay dụng cụ nấu ăn.
|
Tham thiền trong Động Quán Âm | | |
Có lần Ngài đã ngồi thiền theo thế kiết già khoảng một trăm giờ; đến lúc muốn đứng dậy, thì hai chân của Ngài không thể động đậy được. Có lẽ vì trong động quá ẩm thấp nhưng Ngài không vì đó mà lo sợ, Ngài liều bỏ thân mạng, coi thường sống chết và tiếp tục ngồi trở lại thế kiết già, tham thiền suốt ngày đêm thêm hai tuần lễ nữa. Sau đó khi xả thiền, thì hai chân của Ngài hoạt động lại như xưa. Kể từ đó, vì phải duy trì thân mạng cho sự tu hành nên vào mỗi buổi sáng Ngài xuống núi đến chùa Đông Phổ Đà gần bên để xin cơm. Ngài dành thời giờ còn lại, bế quan trong động nghiêm trì hành thiền.
Sau đó không lâu, Ngài di chuyển tảng đá lớn bên ngoài chuẩn bị dựng một am tranh ở đó. Có một Sư biết được việc này bèn nói với vị Trụ trì chùa Đông Phổ Đà rằng: Thầy An Từ ỷ mình có tiền nên muốn cất am trên núi. Ngay hôm sau đó khi Ngài xuống núi để xin thực phẩm thì liền bị từ chối. Từ đó Chùa đã cắt đi phần ăn của Ngài. Ngài chỉ biết lặng thinh và trở lên núi tiếp tục hành thiền thêm hai tuần lễ nữa. Bấy giờ Chùa Đông Phổ Đà là nguồn cung cấp thực phẩm duy nhất của Ngài. Ngài cũng chẳng hề than van với ai về điều này.
Trong làng dưới núi Phù Dung có một Ông cư sĩ họ Trần khoảng năm mươi tuổi, dáng người nhỏ bé. Chân ông bị chó cắn đã qua ba tháng nhưng vết thương cứ làm mủ không lành. Nhiều y sĩ và lương y chuyên môn đã cố gắng giúp Ông chữa vết thương nhưng chẳng có hiệu quả gì. Rồi trong một đêm kia ông đã ba lần liên tiếp mơ thấy giống nhau. Ông mơ thấy Ngài đang ngồi thiền trong động và thấy Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát đến bảo rằng: “Ngày mai nếu con mang thức ăn cúng dường pháp sư An Từ đang tu trên núi Phù Dung trong động Quán Âm thì vết thương nơi chân con sẽ được lành.”
Sáng hôm sau, theo lời dạy trong giấc mơ Ông bèn mua hai mươi ký gạo và gom góp được bảy mươi đồng rồi mang lên núi. Vì chân đau nên ông leo núi thật khó khăn. Khi bà đi ngang cửa sau chùa Đông Phổ Đà và bắt đầu đi theo con đường mòn dẫn lên động Quán Âm, thì một vị Sư nhận biết ông là một cư sĩ Hộ pháp đang mang đồ cúng dường lên núi, nên Sư đón tiếp niềm nở. Ông vừa thở hổn hển vừa hỏi:
- Bạch Thầy, Thầy An Từ có ở đây không ạ?
- Tôi là người quản lý vùng này, bà hãy để những phẩm vật cúng dường lại đây. Tôi sẽ giúp bà phân phối cho các thầy thật chu đáo.
- Thầy trông không giống như vị Sư mà tôi thấy trong mộng. Ngài Hộ pháp Vi Đà Tôn Thiên dạy tôi cúng dường cho Pháp Sư An Từ và tôi chỉ xin cúng cho Sư đó thôi.
Nghe lời này Sư kia nổi giận la:
- Tôi là quản lý ở đây, ai đến đây cúng dường đều phải giao cho tôi hết.
- Nhưng Thầy không phải là vị sư mà tôi thấy trong mơ. Tôi phải cúng cho Sư ấy, không phải cho Thầy.
Hai bên to tiếng qua lại với nhau. Nghe tiếng ồn ào bên ngoài, Ngài liền bước ra khỏi động xem xét.
Vừa chợt thấy Ngài, ông Trần vui mừng thốt lớn:
- A! Đây chính là Thầy An Từ mà tôi thấy trong mơ.
Thấy họ dằn co không thôi, Ngài hòa hài bảo ổng:
- Ông cúng dường cho tôi hay cúng dường cho các thầy khác đều không có gì khác biệt cả. Nếu ông muốn cúng dường cho tôi cũng được, nhưng bây giờ lại có thêm một Pháp sư nữa thì bà nên chia thành hai phần vậy.
Ngài bèn phân gạo và tiền thành hai phần.
Nhờ sự cúng dường này, mà Ngài thoát cơn đói kém và chân của ông Trần cũng được lành. Vì được cảm hóa bởi lòng từ bi của Ngài, từ đó Ông trở nên chăm chỉ học hỏi Phật pháp và rất thích nói Pháp đến nỗi người ta đặt cho ông cái biệt hiệu là “Bổn Địa Pháp Sư” (hay Pháp Sư của vùng).
Vừa lúc đó, có Cư sĩ Trần Thụy Xương thỉnh Ngài ra Hương Cảng lập Đàn Thông Thiện để giảng Kinh. Cũng nhân vì vị Sư láng giềng chưa giải tỏa được sự bất bình, Ngài quyết định rời khỏi động Quán Âm.
Một nữ cư sĩ khác tên là Dư Quả Mãn thường hay lui tới động Quán Âm để viếng thăm Ngài. Mỗi lần đến bà đều thỉnh nước suối ở động uống, vì nước này có vị rất ngọt như nước Cam-lồ của Bồ Tát Quán Thế Âm. Nhưng lần sau cùng khi bà lên núi đảnh lễ Ngài, bà đã thất vọng vì Ngài đã đi, và hai con suối dẫn đến hai hồ nước ở hai bên Động Quán Âm cũng từ đó mà khô cạn đi.
36. Đức độ hàng phục tà ma.
Ông Trần Thụy Xương, chủ công ty Đại Xương nổi danh ở Hương Cảng có cô cháu tên Trần Kiến Khai, mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ. Ông bà Trần nuôi dưỡng thương cô như con ruột. Khi Trần Kiến Khai đến tuổi lập gia đình, ông bà lo lắng tìm người tương xứng cho cô. Sau cùng họ gả cô cho một gia đình họ Phan ở Cửu Long. Kết hôn chẳng bao lâu cô khóc tang chồng. Do thương tâm thái quá nên tinh thần bấn loạn. Cả ngày cô nói lảm nhảm nhí và có những cử chỉ như điên dại.
Ông bà Trần thấy cháu gái lâm bệnh như vậy, ruột đau như cắt, hoài nghi là do tà ma nhập vào, cho nên đã thỉnh nhiều Thầy đến nhà để tụng kinh, niệm chú cho Cô. Họ hy vọng sẽ đuổi con ma ra khỏi cô cháu, và tiêu trừ oan khiên đời quá khứ, giúp cô chấm dứt tình trạng điên cuồng. Nhưng trải qua năm, sáu ngày vẫn không có kết quả. Trong các Sư đó có một vị sớm đã biết rõ về Ngài nên nói với ông bà Trần nên tìm đến Pháp sư Độ Luân cầu cứu.
Ngày nọ đúng lúc Ngài vừa rời động Quán Âm đến Tánh Viên có việc cần. Ông Trần nghe biết vội đến tìm Ngài.
Ngài nghĩ rằng đối với loài ma này một mình Ngài không đủ năng lực để nhiếp phục nên từ chối. Ông Trần đã không nản chí, kiên quyết khẩn cầu Ngài một lần nữa vì cháu ông mà giải nạn. Thấy ông kiền thành nên Ngài nhận lời đến nhà quán sát bệnh tình cô cháu.
Khác biệt với các Sư đang ở trong phòng khách, y áo chỉnh tề với nhiều ảnh tượng, pháp khí, hương đèn, hoa quả... Ngài đã không chú trọng đến các hình tướng bên ngoài đó. Ngài vẫn mặc chiếc áo rách cố hữu ngồi lặng yên trên ghế trong phòng bệnh nhân. Ngài không tụng kinh cũng không lớn tiếng trì Chú. Khoảng nửa giờ sau bệnh nhân đứng dậy chạy đến Ngài, quỳ xuống cầu sám hối và xin Ngài tha tội. Ngài liền bảo ma rằng: Ngươi không được nhập vào bất cứ người nào để tác quái nữa nghe chưa? Ma kia chấp nhận và bỏ đi. Từ đó thần trí cô Trần được khôi phục, ngày một mạnh khỏe, dung mạo đoan nghiêm. Ông bà Trần thấy thế mới biết rằng duy chỉ có bậc tu hành chân chánh mới đủ oai đức để hàng phục tà ma. Vì vậy toàn gia đình họ xin Quy y Tam Bảo và tôn Ngài làm Thầy.
37. Đá tuôn nước cam lồ.
Năm 1951 Ngài từ Thái Lan trở về Hương Cảng, và được tín đồ Phật giáo nơi đây rất sùng kính nên thỉnh Ngài đến Đàn Thông Thiện giảng Kinh Địa Tạng. Ngài đã giảng thuyết suốt hơn bốn mươi ngày. Mỗi ngày đều không dưới một trăm người đến tham dự. Thượng tuần tháng chạp, khi khóa giảng kinh Địa Tạng kết thúc, có nhiều vị cư sĩ bàn thảo với nhau về việc tìm mua một khoảng đất cúng dường để Ngài cất Tịnh xá.
Chẳng bao lâu họ đã mua được một mảnh đất hoang trên vùng đất cao, thuộc làng Mã Sơn, Tây Loan Hà, Hương Cảng. Tuy vùng đồi núi khá cao đường xá lại quá xa xôi. Nhưng mỗi tấc đất ở Hương Cảng như một tấc vàng, vì vậy việc tìm được mảnh đất này không phải là chuyện dễ. Duy chỉ có một việc không may là trên triền núi này lại không có mạch nước nào, nên việc dùng nước ở đây là cả một vấn đề nan giải.
Dân cư vùng phụ cận phải dùng đường mòn xuống núi, rồi tiếp đi trên đường lộ đến khu phố chợ để lấy nước, nguồn nước này do thành phố Hương Cảng tiếp tế. Lấy nước xong họ phải gánh trở lên núi và phải leo lên cả ba trăm bậc tam cấp mới đến nơi. Nhiều người dùng nước mà chỉ có một nơi cung cấp, nên họ phải sắp thành những hàng rất dài để chờ đến phiên. Thảo nào dân chúng ở đó khi nghe bàn về vấn đề “nước” là họ sợ thất sắc.
Lúc khởi công xây cất Chùa, các vị cư sĩ đã trình lên Ngài vấn đề hiếm nước nhưng Ngài chẳng chút màng lo mà chỉ để tâm vào việc kiến dựng tu viện. Ngài đã không loan tin quảng cáo xin cúng dường, không phan duyên với các cư sĩ giàu có, và cũng không đến từng nhà để quyên góp; vì làm như vậy coi như lợi dụng sự hưng thịnh của dân Hương Cảng là đi ngược lại với những Tông chỉ mà Ngài đã từng dạy cho các đệ tử:
Dù chết vì rét, không phan duyên
Dù chết vì đói, không xin xỏ
Dù chết vì nghèo, không cầu cạnh
Tùy duyên nhưng không đổi lòng
Không đổi lòng nhưng vẫn tùy duyên
Ba tông chỉ ấy, ta phải giữ gìn
Xả thân vì Phật sự
Tạo mạng vì bổn sự
Chánh mạng vì Tăng sự
Gặp sự, rõ lý
Rõ lý, hiển sự
Lưu hành mạch phái Tổ sư đã truyền.
|
Tây Lạc Viên |
Tất cả công trình xây cất đều do lòng tự nguyện phát tâm của tín chúng, chủ yếu là nhờ đạo lực quyết tâm dõng mãnh của Ngài, luôn muốn cho Đạo-tràng này sớm được đơm hoa kết trái. Ngài đã trang trí khung viên Chùa với những cây thông non nho nhỏ, những hàng đu đủ sai trái và những rặng trúc xinh xinh. Một đạo tràng thanh tịnh đã được hoàn thành vào cuối năm 1951, Ngài đặt tên là “Tây Lạc Viên”. Năm sau đó, lễ khánh thành Chùa Tây Lạc Viên cùng Lễ An vị Tây Phương Tam Thánh đã được tổ chức đúng vào ngày Phật Đản mồng 8 tháng 4.
|
Sau khi dọn về Chùa mới, Ngài phát giác ra một tảng đá có khe nứt ở phía sau Chùa. Ngài bèn cắm vào đó một nhành dương rồi cầu nguyện chư Phật, Bồ Tát gia hộ ban cho một mạch nước nơi khe đá này. Thế rồi mỗi ngày ở bên tảng đá bể, Ngài chân thành khẩn thiết trì chú Đại-bi. Chẳng bao lâu mặt đất nơi ấy trở nên ẩm ướt và sau đó một mạch nước từ khe nứt của tảng đá phun ra, nước chảy ra vừa ngọt vừa sạch thành ao nước đầy. Ngài liền nhờ người xây hồ chứa nước ngay nơi đó. Từ đó nạn khan hiếm nước đã được chư Phật, Bồ Tát từ bi giải quyết.
Khi nghe nói ở Chùa có một hồ nước nhiệm mầu, mọi người trong vùng thảy đều kinh ngạc. Họ đã không tưởng tượng ra được là làm sao mà nước lại có thể chảy ra từ trong một tảng đá khô cằn tại một hòn núi hoang dã này? Họ vốn không tin Phật pháp, nhưng khi thấy rõ sự việc này, họ mới bắt đầu thâm tín ngôi Tam Bảo.
Vào dịp Lễ Quán Thế Âm thành đạo ngày 19 tháng 6 năm 1959, Ngài tổ chức Pháp hội trong bảy ngày tại chùa Tây Lạc Viên, có đến vài trăm người đến tham gia. Khi ấy trời hè nóng bức, chánh phủ Hương Cảng ra lệnh tiết kiệm việc dùng nước. Mỗi ngày chỉ mở nước công cộng ba giờ nên nhân dân Hương Cảng đều than van khổ. Vậy mà hồ nước tại Chùa Tây Lạc Viên vẫn đầy tràn với mạch nước chảy ra không dứt, đủ sức cung cấp nước cho cả trăm người dùng. Đây là một kỳ tích thật không thể nghĩ bàn.
38- Vị “A La Hán” sống
Vào mùa hè sau hai năm kiến lập Chùa Tây Lạc Viên vì muốn tạo duyên tu tập cho đa số Phật tử còn sơ cơ nên Ngài tổ chức đả thất Quán Âm. Sáng sớm ra lúc Lễ Phật ai nấy đều thấy có một cây gỗ giống như thanh kiếm để trước bàn thờ Phật, có người hiếu kỳ hỏi Ngài:
- Sư Phụ! Đó có phải là thanh kiếm gỗ không ạ?
- Không phải kiếm gỗ mà là cây Hương bản dùng để đánh người nào không giữ quy luật và cũng đánh luôn những người ngủ gục biếng nhác ở trong Chùa.
Nghe xong họ nghĩ rằng: Cây hương bản dày như vậy nếu bị đánh chắc là đau lắm, nên thấy ớn vô cùng rồi nghĩ: Không biết ai là người đầu tiên sẽ thử mùi cây hương bản mới này đây? Khóa Quán Âm Thất đã sắp mãn mà cây hương bản vẫn còn nằm yên ở chỗ cũ. Đến ngày thứ bảy khi Chùa làm Lễ Đại hồi hướng, mọi người chợt thấy Ngài cầm cây hương bản đặt ngang tầm mắt rồi đi ra vườn chùa. Ai nấy đều ngơ ngác đưa mắt nhìn theo. Họ thấy có một vị Tăng tuổi trung niên vừa lên núi. Khi thấy Ngài vị này liền quỳ xuống dập đầu sám hối. Mọi người thắc mắc muốn biết nguyên cớ. Sau đó Ngài bèn thuật lại đầu đuôi câu chuyện cho đại chúng như sau. Vị Tăng đó vốn tên là Vô Tấn khi còn ở núi Linh Nghiêm, Tô Châu đã tự xưng là “A La Hán sống” có thần thông, và có thể chữa bệnh cho người. Lúc bấy giờ có rất nhiều người tin tưởng, tôn kính và cúng dường cho ông ta.
Có lần Ngài hỏi ông:
- Ông có tài gì để được coi là một vị A La Hán?
- Tôi chữa bệnh cho người.
- Ồ! Ông chữa bệnh cho người nhưng ông phải tự trị bệnh cho chính ông mới phải, mà ông đã tự chữa cho ông chưa?
- Tôi đau bệnh gì?
- Bệnh cầu danh và trong tương lai ông sẽ mang thêm bệnh cầu lợi.
Rồi Ngài cảnh cáo ông:
- Nếu định lực không kiên cố mà đi chữa bệnh cho người, lại thọ người cúng dường thì nhất định sẽ bị đọa lạc!
- Đại sư An Từ, nếu tôi bị đọa lạc xin Ngài ra tay cứu tôi với!
- Tôi sẽ giúp nếu ông bị đọa, nhưng cốt yếu vẫn chính nơi ông, ông phải tự cứu lấy cho ông thôi!
Chẳng bao lâu sau Ngài rời khỏi Trung Hoa đến Hương Cảng và chợt gặp lại ông, nhưng lúc đó ông đã hoàn tục và lập gia đình; Người vợ chính là một vị đại Hộ pháp lâu năm cho ông khi xưa. Cho nên thành quả bao năm tu hành khổ cực của ông, nay bổng như chim kia tung cánh bay xa. Khi gặp lại Ngài, ông ấy cảm thấy thật là hổ thẹn nên lại phát tâm xuất gia. Nhưng chưa đến được nửa năm ông hoàn tục. Sau này vì hoàn cảnh bức bách ông lại cầu Ngài cho phép xuất gia lần thứ hai. Ngài cũng giúp đỡ, khuyên tấn ông ta. Thế nên ngày đó ông Sư này quyết định tìm đến Tây Lạc Viên để cầu sám hối trước Ngài. Một thời gian sau, nghe nói ông ta lại tiếp tục bước trên con đường lầm lạc và cũng lại hoàn tục.
Chúng sanh thoạt điên điên, đảo đảo vừa sanh lên trời liền rơi xuống đất. Nếu ai có thể phát Bồ-đề tâm mãi không thối chuyển thì nhất định sẽ thành Phật đạo, không nghi ngờ chi cả!
39. Lê Mẫu cầu độ.
Chùa Tây Lạc Viên trở thành một đạo tràng thanh tịnh và tín chúng ngày một thêm đông. Để thuận theo sự tu tập của Phật tử, chùa thường cử hành pháp hội, thiết lập bài vị vãng sanh và truyền U-minh giới ( truyền giới cho người quá vãng.)
Khi Chùa chuẩn bị hành Lễ truyền U-minh giới, đệ tử quy y ngài là Lê Quả Hợp sớm đã đại diện tổ tiên ghi danh để thọ giới U-minh, nhưng lúc đó lại quên mất ghi tên mẹ ông. Sau đó ông ta theo mọi người xuống núi trở về nhà. Trên đường về, bỗng nhiên chân ông đau nhức dữ dội đến nổi muốn nhấc chân bước tới thêm một bước nữa cũng không được. Nhưng khi ông quay lại để trở lên chùa thì đi được như thường, không đau đớn chi cả, mặc dầu phải leo dốc núi và ông thử vài lần đều y như thế cả. Cuối cùng ông chỉ còn cách là quầy đầu đi trở lên chùa. Vừa thấy Ngài, ông liền thuật lại đầu đuôi câu chuyện, Ngài cười đáp:
- Có phải con đã quên thay mặt mẹ con để ghi danh thọ U-minh giới không?
Lê Quả Hợp nghe thế, lòng thầm biết ơn Ngài đã biết ra sự sơ sót của ông nên mau mắn ghi tên cho mẹ cầu thọ U-minh giới. Sau đó ông xuống núi trở về nhà được dễ dàng không hề hấn gì.
40. Vịt đến nghe Kinh.
Mùa Hè năm 1952 tại chùa Tây Lạc Viên, Ngài giảng Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn. Thính chúng tham dự lãnh hội được nhiều điều lợi lạc. Một hôm khi Ngài giảng đến đoạn cuối của phẩm Phổ Môn, chợt có một con vịt nhỏ từ bờ giậu phía ngoài cửa chùa lẻn qua hàng rào, đủng đa, đủng đỉnh băng qua sân vườn và bước vào nằm trước cửa chánh điện. Nó im lặng và chăm chú giống y như là một người đang nghe pháp vậy. Có người thấy vịt nằm chấn lối đi nên dùng quạt đuổi nó, vịt đi không lâu rồi trở vào, họ lại xua nó ra. Vịt ta ỏng ảnh bỏ đi, một lát rồi lại trở vào, cứ vài lần như thế. Cuối cùng vịt ta trở vô ngừng ngay ở cửa chánh điện, kỳ này nhất định không chịu đi.
Khi biết nguyên nhân của tiếng ồn náo phía trước cửa, Ngài bảo đại chúng đừng đuổi vịt nữa rồi truyền Tam Quy cho nó trước sự ngạc nhiên của mọi người. Khi Ngài thuyết Tam Quy xong, vịt bỗng đứng dậy lạch bạch đi thẳng vào chánh điện nhiễu vòng quanh bồ đoàn về phía phải, rồi cúi đầu nằm xuống ra dáng như đảnh lễ. Đợi mãn khóa giảng vịt ta mới rời khỏi pháp hội.
Như lời Phật thuyết, “Chúng sanh đều có Phật tánh,” câu chuyện này là một chứng minh cụ thể vậy.
41. Lòng thành thông Thánh.
Lúc Ngài từ Chùa Nam Hoa đến Hương Cảng không bao lâu thì có một nữ Phật tử thuần thành là La Quả Minh đã dẫn ba đứa con đến quy y Ngài. Mùa Thu năm 1952, Bà La vì quá phiền muộn nên lâm bệnh nặng. Con gái bà là Hoàng Quả Tùng kể lại câu chuyện như sau:
“Mùa Thu năm Nhâm Dần, mẹ tôi không may gặp phải bao chuyện không như ý, nên mắc trọng bệnh, muôn phần thống khổ. Bà trở nên gầy yếu xanh xao đến nổi không thể bước xuống giường. Chúng tôi mời nhiều bác sĩ tới khám nhưng vẫn không chữa trị được. Sau một thời gian, các bác sĩ bảo rằng mạng sống của mẹ tôi chỉ còn kéo dài thêm vài đêm nữa thôi.
Nghe tin này mọi người trong nhà ai nấy đều lo âu, buồn khổ, riêng tôi càng thấy xót xa. Khi ấy tôi chỉ biết lạy cầu chư Phật, Bồ Tát gia hộ. Một hôm tôi đang lạy xuống, bỗng có luồng ánh sáng chiếu trước mắt, rồi tôi thấy có một vị Pháp sư mặc áo cà sa, ngồi kiết già, nhìn kỹ ra thì chính là Sư Phụ tôi. Vừa kinh ngác vừa mừng rở tôi vội vàng niệm Phật. Sau đó chẳng bao lâu sau mẹ tôi thoát khỏi cơn hôn mê, nhưng thần sắc bà vẫn chưa hẳn phục hồi. Sau đó tôi tôi chợt nhớ đến Sư phụ nên tìm người cùng tôi đến diện kiến Ngài. Khi thấy Ngài tôi vụt khóc và thỉnh cầu Ngài cứu cho mẹ tôi. Ngài bảo tôi: Bệnh của mẹ con Ta đã biết trước rồi, con hãy mau trở về nhà chí tâm niệm Phật, Phật và Bồ Tát nhất định sẽ gia hộ cho mẹ con.
Sau khi bái tạ Sư Phụ, tôi trở về nhà và suốt đêm đó tôi đã không ngủ; y lời Ngài dạy mà chuyên tâm niệm Phật, cầu xin chư Phật cứu độ. Sáng hôm sau, mẹ tôi cảm thấy khỏe ra rất nhiều, tinh thần cũng dần dần khôi phục. Qua sự việc này khiến tôi suy nghiệm được Phật pháp linh cảm thật không thể nghĩ bàn.”
42. Ma đến cầu giới
Hồng Kông trong vài năm gần kề thường bị chấn động không an, phần vì thiên tai, phần vì nhân họa đã không ngừng phát khởi. Truy nghiệm điều này cho chúng ta biết đây cũng chính do nghiệp báo của chúng sanh chiêu cảm mà thành.
Vì muốn cứu vãn vận kiếp này, Ngài đã mượn đạo lực của đại chúng nguyện cầu cho chúng sanh thoát khỏi ách nàn. Thế nên nhân ngày Phật Di Đà Đản Sanh, 17 tháng 11 năm 1952, Ngài cử hành pháp hội niệm Phật bảy ngày, mỗi ngày từ 8 giờ sáng đến 7 giờ chiều. Vì Chùa nằm trên núi nên người ta phải vất vả và tốn nhiều thời giờ mới đến nơi, tuy vậy họ vẫn tới tham dự đông đảo.
Đến chiều tối ngày thứ năm của khóa Phật thất, lúc thời hương thứ sáu vừa tàn, bỗng nhiên có một con quỷ nhập vào bà Trương Quả Vũ rồi bà quỳ xuống cầu khẩn Ngài truyền Tam quy, Ngũ-giới. Ngài chấp nhận lời thỉnh cầu, lúc truyền giới vừa xong thì bà Trương cũng vừa tỉnh lại. Những người tham gia pháp hội nức nở khen: Quỷ cũng biết cầu giới, chẳng lẽ con người không biết tu hành sao?
43. Tín giả được cứu.
Cư sĩ Lý Quả Viễn là một cảnh sát viên ở Hương Cảng, ông có cô con gái tên Lý Điệp Nghiên. Một ngày nọ, cô bé vì vô ý bị vấp ngã. Lúc đầu cô không cảm thấy có gì khác thường nhưng qua vài ngày sau, cô phát sốt nặng, và bị đau dữ dội nơi bắp chân. Cha mẹ cô nghi nguyên nhân của bệnh này là do cô trợt té nên cấp bách đem cô đến bác sĩ chuyên sửa trật xương gân để trị liệu. Sau khi chuẩn bệnh Bác sĩ Lý Tử Phi cho biết bệnh đau chân của cô không phải vì trật chân, mà bị mọc ung nhọt nên hành nhức nhối. Trở về nhà ông Lý lại mời thêm bác sĩ khác đến trị nhưng vẫn không có kết quả.
Sau đó bà Lý được người giới thiệu bèn cõng con đến chùa Tây Lạc Viên cầu diện kiến Ngài. Ngài nói rõ với bà là Ngài không rành về y dược nên không có cách chữa trị. Bà Lý vẫn không nản lòng tiếp tục đến thêm hai lần nữa xin Ngài cứu giúp, Ngài vẫn một mực từ chối. Lần thứ ba, Lý Quả Viễn cùng vợ đến Chùa quỳ lạy khẩn cầu Ngài cứu cho con họ. Ngài thấy ông bà thật thành tâm nên cùng họ cầu Phật, Bồ Tát gia hộ. Qua một tuần sau, bệnh của cô bé chợt nhiên lành hẳn và chân của cô bình phục như xưa. Vì cảm thọ được đức hạnh của Ngài cùng oai lực hộ trì của Phật, Bồ Tát nên cả năm người trong gia đình đều xin Quy y Tam Bảo làm đệ tử Ngài. Sau đó Ngài đã dạy họ chuyên tâm niệm Phật.
44. Phật lực vô biên.
Mặc dầu Ngài đã nghiên cứu nhiều tông phái Phật giáo, cùng tham thiền thoại đầu, nhưng đối với chư đệ tử quy y Ngài, Ngài luôn dạy họ niệm “Sáu chữ Hồng-danh” Vì pháp môn niệm Phật A Di Đà đều thích hợp cho mọi người, không kể thông minh hay ngu đần. Điều quan trọng là hành giả thường phải xưng niệm đến nhất tâm bất loạn thì chắc chắc lúc lâm chung sẽ được vãng sanh Tây phương Cực Lạc. Đối với người học Phật, đây là con đường tắt, dễ nhất, hữu hiệu nhất, không nghi ngờ gì cả.
Quả Thiện là đệ tử kiền thành quy y Ngài đã lâu. Ngày nọ bà đến Chùa lễ Phật, sau khi đảnh lễ Ngài, bà khóc kể rằng chồng bà là La Khang Duệ bị bệnh lao phổi đã đến thời kỳ cuối cùng và các bác sĩ đều tuyên bố là không còn phương chước. Nghe thế Ngài an ủi bà ta chớ quá ưu sầu, và dạy bà trở về khuyên chồng nên chí tâm niệm Phật. Nếu thọ mạng của ông ta chưa hết, thì sẽ nương Phật lực khiến ông lành bệnh; Còn nếu kiếp số của ông đã mãn, mà ông chân thành niệm Phật A Di Đà thì ông sẽ được vãng sanh. Ngài còn giảng cặn kẽ cho bà đạo lý “Thiên lý nan trắc, nhân mạng vô thường” nghĩa là Trời cao thật khó đo lường, cũng như mạng sống con người rất đổi vô thường vậy.
Ông La nghe vợ thuật lại lời dạy của Ngài, ông nhận thấy rất có ý nghĩa, liền bảo bà đến cầu Ngài truyền giới Quy-y. Sau khi quy y được ba ngày, ông mơ thấy Ngài đến nhà, đầu đội chiếc mão giống như mão của đức Điạ Tạng và đắp cà sa đỏ, cùng với nhiều vị Bồ Tát, pháp tướng trang nghiêm; và Ngài bảo ông: Bệnh của con sẽ khỏi, con chớ quá ưu phiền!
Ngoài chứng bệnh lao phổi, ông La còn bị bệnh bao tử, bụng bị thủng phình trướng ra. Chỉ riêng chứng bệnh phổi của ông đã làm cho gia đình ông điêu đứng rồi, nên ông dấu người trong nhà chứng bệnh bao tử này. Khi thức giấc, bao tử ông tiết ra chất mặn không ngừng và mửa ra nhiều máu đọng. Kết quả là các bướu làm sưng đã được tống ra. Sau biến cố này ông càng tin tưởng Phật pháp và tinh tấn hơn. Trong bất cứ lúc đi, đứng, nằm, ngồi, tay không rời chuỗi tràng, mỗi ngày ông niệm cả muôn ngàn danh hiệu Phật. Do thành tâm, ông đã được cảm ứng nhiệm mầu; chỉ trong vài tháng sau, ông được bình phục mạnh khỏe và tráng kiện hơn trước. Đến lúc tái chiếu quang tuyến X, kết quả cho thấy bệnh lao phổi của ông đã hoàn toàn biến mất.
45. Người điếc nghe Kinh.
Lúc ở Hương Cảng, Ngài có một đệ tử tại gia tên là Lưu Quả Quyên đã trên sáu mươi tuổi. Bà bị điếc nên không thể trò chuyện với ai hay cùng người bàn lời thị phi. Bà thường lần chuỗi tràng, không ngừng niệm Phật. Lúc Ngài giảng kinh, thuyết pháp, bà tuy tuổi đã cao, nhưng mỗi tối đều leo núi đến chùa đúng 7 giờ để dự khóa giảng. Bà không quản trời mưa hay gió, ngày ngày đều leo lên cả ba trăm bậc thang cấp đến chùa nghe kinh. Người điếc nghe kinh thật hiếm báu vô cùng. Khi buổi giảng kết thúc khoảng 9 giờ hơn, bà lại một mình xuống núi đi trên đường mòn không một ngọn đèn soi lối. Vậy mà bà ta thành tâm, tinh tấn mỗi ngày đều đặn lên Chùa.
Mùa Hè năm 1953, Ngài giảng Kinh A Di Đà. Bà Lưu như thường lệ nhất định mỗi ngày đều sớm đến nghe Kinh. Mồng 2 tháng 5, trước khi khai Kinh đại chúng đồng niệm: “Nam Mô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ Tát,” bỗng nhiên bà Lưu cả mừng bật nói: A! Các vị niệm Nam Mô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ Tát, tôi nghe rõ cả.
Từ đó tai bà nghe được như thường. Đây chính do công đức nghe Kinh mà ra, tuy bà không cầu mà vẫn được cảm ứng. Sau khi hết bị điếc, bà càng siêng năng niệm Phật, nhưng ma chướng lại đến; vì đôi khi để thử thách những vị tu hành nghiêm túc. Một khi người tu nỗ lực học Phật, nghiệp báo của những tội lỗi cũ phát hiện nhanh chóng và làm cho sự tu bị trở ngại. Nên có bài học là, “ Người Phật tử muốn thành Phật thì phải chịu sự khảo nghiệm của quỷ ma.”
Bà Lưu chợt mang bệnh kỳ lạ, mà triệu chứng của bệnh này là bà ta chỉ thích ăn. Bà bị ám ảnh bởi thức ăn và bà ăn uống suốt ngày từ sáng cho đến tối không ngừng. Cứ khoảng hai giờ đồng hồ là bà phải ăn một bữa, trong một ngày bà ta phải ăn ít nhất là mười lần. Nếu không ăn, bà cảm thấy càng khó chịu hơn. Các Bác sĩ Đông, Tây đều không tìm ra được nguyên nhân, lại cũng không phải trong bụng bà có sán lãi. Vậy mà Bà đã ráng nhẫn chịu bệnh này trong hai năm. Đến mồng 7 tháng 2 năm 1954, khi Ngài từ Đại Tự Sơn trở về Tây Lạc Viên, bà bẽn lẽn thưa:
- Sư Phụ, trong bụng con có người nói chuyện.
- Bụng bà có người nói chuyện? Vậy có phải là thai nhi đó không?
- Bạch Sư Phụ, con đã ngoài sáu mươi tuổi rồi ạ!
- Vậy nó nói những gì?
- Sáng sớm này, con lấy bột nếp để làm bánh ăn và khi con vừa ăn được một miếng thì có tiếng trẻ nít trong bụng con nói: “Tôi không thích ăn thứ này.” Con nghe rất rõ ràng và chính xác.
- Vậy bà trả lời sao?
- Con nói: “Mi không thích món nầy vậy mi đòi ăn món nào? Ăn no là đủ rồi, còn kén chọn này nọ làm gì?” Thế rồi con không nghe nó nói chi cả.
- Nếu những đứa bé trong bụng bà đã biết nói chuyện, vậy thì bà phải mau giúp cho chúng nó ra ngoài. Tối nay khi trở về nhà (khi Hòa Thượng đi vắng, bà Lưu ở lại trông chùa) vào lúc nửa đêm, bà hãy nấu cho một tô mì nóng hổi ngon lành, rồi quỳ trước bàn thờ thắp hương cúng dường và tịnh tâm niệm Phật.
Bà trở về nhà làm y lời Ngài, trong lúc niệm Phật, mơ mơ, màng màng bà thấy có ba đứa bé bụ bẩm khả ái từ trong bụng bà thoáng đi ra, chúng tranh nhau để ăn tô mì hấp dẫn kia. Đột nhiên có một luồng khí và bà thấy Ngài Hộ Pháp Vi Đà dùng hai tay, xách lỗ tai của ba đứa bé mà lôi đi, và bà lập tức cảm thấy trong bụng nhẹ nhàng, dễ chịu. Từ đó bệnh đói của bà không cần thuốc mà khỏi.
Trong ba đứa nhỏ kháu khỉnh kia, hai đứa là cắc kè tinh còn đứa thứ ba là nhái tinh; tin hay không là do bạn. Bà bị bệnh lạ lùng này là do quả báo đời trước, bà đã không tin có bệnh kỳ quái như vậy. Thế nên đời nay trong một đêm nọ bà mơ thấy có ba đứa bé khoảng hai, ba tuổi mủm mỉn, tròn trịa tai to đầu bự rồi khởi niệm tham ái mà chiêu cảm ba con quỷ nhỏ kia nhập vào. Do đó việc đầu tiên của người tu đạo là phải khử trừ lòng tham ái.
46- Thị hiện trong mộng.
Một hôm Ngài nhận được thơ của Pháp sư Thân Giác từ Toản Thạch Sơn, Cửu Long với nội dung như sau:
“Mùa Xuân năm Dân Quốc thứ 41 (1952) tôi mua được một ngôi nhà nhỏ tại Toản Thạch Sơn. Sau khi dọn về ở được khoảng hơn một năm thì chủ đất bắt buộc tôi phải phá ngôi nhà để trả lại mảnh đất. Thật là bất ngờ khi nhận được thơ của ông ta. Bấy giờ tôi chỉ thấy việc này thật là một thiệt hại lớn lao nên càng nghĩ tôi càng bối rối, khổ sở.
Một đêm nọ, vào lúc 11giờ, tôi đang đọc quyển Trung Quán Luận Phẩm, Quán Tứ Đế. Xem đến đoạn ‘Tất cả các pháp do duyên sanh, ta bảo đó là không. Các pháp đó cũng là giả danh, vậy đó là lý trung đạo. Vì chưa từng có một pháp nào mà không từ nhân duyên sanh ra. Cho nên tất cả các pháp hiện hữu không phải là không.’
Tôi đã suy ngẫm đoạn văn trên nhiều lần và thâm nhập được đạo lý nên cố gắng xua đuổi mọi chấp trước phiền não, rồi ngủ thiếp đi lúc nào cũng không hay. Sau đó tôi mơ thấy mình bị lạc trong một vùng rừng núi, bỗng nhiên cuồng phong nổi dậy, mưa bão ào ạt đổ xuống; Lúc đó tiếng gió hú, tiếng mưa đổ cùng những tiếng sét đánh ầm ầm nghe như điếc tai. Trong lúc kinh hoàng tôi ngưỡng đầu lên thì thấy có một vị Tăng toàn thân phóng ra một hào quang vàng tía bay từ không trung về phía tôi, và lúc đó mưa bão cũng vừa ngừng. Tôi bèn đảnh lễ Ngài, khi vị Tăng đó bước tới gần tôi nhận ra rõ ràng chính là vị Tôn Chứng Sư, Ngài Độ Luân trong lễ thọ Đại-giới của tôi thuở xưa. Ngài bảo tôi: ‘Chớ có ưu sầu, Thầy sẽ giúp con giải quyết mọi khó khăn. Mơ đến đây tôi chợt thức giấc.’
Không bao lâu sau tôi tìm được một khu đất khác và chuẩn bị cất một Tịnh thất nhưng lại không đủ tài chánh. Khi ấy Ngài đang giảng kinh Địa Tạng tại Chí Liên Tịnh Uyển, nghe được việc này Ngài đã nhân đức ban cho tôi một ngàn đô la, nhờ đấy tôi hoàn tất công trình kiến lập tịnh thất tại Toản Thạch Sơn và có chỗ nương thân cho tới ngày nay.”
Tuy việc này Ngài chưa từng kể cho một ai nghe, nhưng sau đó Ngài lại nhận được lá thơ khác kể lại giấc mộng tương tợ như trên. Có lẽ người này đặt chuyện mong được Ngài trợ giúp tài chánh nên đã bị Ngài dạy cho một bài học nên thân và từ đó không còn lá thơ thứ hai nào như vậy nữa.
47- Quả báo cua kẹp.
Mùa hè năm 1953, cư sĩ Đổng Quả Kỳ và Pháp chủ Chí Liên Tịnh Uyển tại Toản Thạch Sơn, Cửu Long là Sư cô Khoan Huệ thỉnh Ngài đến giảng Kinh Địa Tạng. Các cư sĩ đã không quản đi xe, chuyển tàu để đến nghe Ngài thuyết giảng.
Sư cô Khoan Huệ vốn là đệ tử của Lão Hòa Thượng Hư Vân. Lúc chưa xuất gia, Sư cô làm thuê, giúp người nấu cơm, quét dọn; thế nên khó tránh việc sát sanh giết gà giết vịt... Lần nọ, cô mua một số cua sống về định luộc cho chủ ăn, nhưng vì sơ ý nên bị cua kẹp ngón tay giữa nhứt định không nhả, khiến cô đau thấu tâm can nên cô đành cầm dao chém mạnh xuống một nhát, thân và càng cua đứt đoạn. Cuối cùng cua là món ăn chính của buổi cơm chiều đó.
Chẳng bao lâu sau, ngón tay bị cua kẹp của cô chợt sanh ra một miếng thịt dư (giống như miếng thịt cua) khiến cô đau nhức suốt ngày đêm. Mặc dù cô đã dùng biết bao thuốc men nhưng cũng không trị được. Sau đó Cô theo người lên núi Phù Dung dự Lễ Thủy Sám, qua bảy ngày lễ bái miếng thịt dư chợt biến nhỏ lại, mà ngón tay cũng bớt đau nhiều.
Trong khóa giảng Kinh Địa Tạng kỳ này, Sư cô bạch Ngài đầu đuôi câu chuyện, khẩn cầu Ngài giúp Sư giải mối oan kiết. Nghe qua Ngài liền Quy y cho cua, sau khi truyền Tam Quy, miếng thịt dư trên ngón tay của Sư Cô Khoan Huệ bổng tiêu mất, ngón tay linh hoạt như thường và tuyệt nhiên không thấy đau nhức chi. Nhân quả báo ứng, thật không sai chạy mảy may, chỉ có khác là đến sớm hay muộn mà thôi!
Đây là một trong những câu chuyện về nhân quả hiện tiền mà chính Ngài đã chứng kiến tường tận. Rõ ràng là như vậy chúng ta không thể không tin được. Nên hãy cố gắng thận trọng giữ giới sát sanh, nếu không thì “oan oan tương báo đến bao giờ mới dứt được?” Nếu chúng ta đọc được tác phẩm “Thủy Kính Hồi Thiên Lục” do Ngài Tuyên Hóa diễn giảng thì sẽ rõ thế nào là “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo” tức chuyện lành, dữ đầu đuôi chi rồi cũng có quả báo.
48- Ung nhọt tự lành.
Cư sĩ Cam Quả Ngạn có một cháu gái gọi bằng bà, tên là Hoàng Tuyết Mai, vừa mới chào đời được trăm ngày thì trên đầu bé nổi lên những mụn ghẻ lở và vào mùa hè nóng bức những mụn này bị bể chảy mủ máu ra nên rất tanh hôi, người nào đến gần bé đều cũng phải bịt mũi lại. Bệnh ghẻ càng ngày càng lan ra trầm trọng, chung quanh những mụt nhọt, tóc đều bị rụng hết nên để lộ ra những mảng sói thật khó coi. Trong những năm đó, dù gia đình bé đã bỏ công chạy tìm bác sĩ Đông, Tây gì cũng đều không trị được bệnh của bé. Cuối cùng họ đành dùng những cách chữa bệnh theo pháp gia truyền hy vọng sẽ làm lành được các mụt nhọt nhưng rồi cũng chẳng có công hiệu gì.
Khi đứa bé được ba tuổi cha bé qua đời, còn mẹ phải đi làm thuê để nuôi con. Tiền lương mỗi tháng bà đều đổ dồn vào việc chữa trị cho bé. Nhưng rồi bệnh trạng bé cũng vẫn thế. Mỗi lần nhìn thấy con như vậy thì bà mẹ lại đấm ngực, dậm chân than thân trách phận.
Đến lúc lên mười tuổi, mụn nhọt trên đầu bé vẫn không bớt. Một ngày nọ, nhờ duyên lành bé gặp Ngài và được Ngài truyền Quy y Tam-bảo. Sau khi quy y, những mụt ghẻ bắt đầu khô mặt rồi tóc cũng dần mọc ra. Hơn mười năm mang bệnh nay bỗng chốc được lành. Sau này ai nhìn đầu bé mọc tóc đầy đủ cũng đều không thể tưởng tượng ra cái tướng mạo khó coi của bé lúc trước.
49- Tùy cơ thuyết pháp.
Mồng 10 tháng 8 năm 1954, cư sĩ Trần Thụy Xương cùng người bạn họ Kỉ đến Tây Lạc Viên bái kiến Ngài. Ông Kỉ là bác sĩ chuyên trị bệnh trật xương, gân, lại có thể sắp nối lại những chỗ xương bị gẫy. Vì Ngài thường tùy thuận căn duyên của từng chúng sanh mà ban giáo pháp. Thế nên Ngài hỏi ông Kỉ:
-Xương người bị gẫy ông nối lại được vậy mạng người đứt đoạn ông có thể nối cho sống lại không?
- Không thể được.
- Sao lại không được? Xưa kia trong thời Tam Quốc, Quan Công bị tên độc bắn trúng tay, mạng sống rất là mỏng manh, không thể sống qua được đến một ngày nếu Huê Đà đã không giúp Quan Công nạo xương trị liệu, khiến Quan Công sống lại. Vậy đấy có phải là sanh mạng đã được nối lại hay sao? Nhưng phương pháp nối mạng này cũng không phải là cách cứu cánh hay nhất. Cho nên bây giờ tôi sẽ dạy ông một phương pháp nối mạng khác rốt ráo và hay hơn nhiều. Phương pháp nối mạng là cần phải minh tâm kiến tánh, mà kết quả căn bản là sẽ chấm dứt sanh tử thoát khỏi sáu nẻo luân hồi, khôi phục lại bản lai diện mục đồng Phật không khác. Nhưng muốn minh tâm kiến tánh thì phải tham thiền chứng ngộ. Phương pháp tham thiền thật chứng ví như gà ấp trứng; mèo rình chuột. Nghĩa là phải miên miên, mật mật tập trung tâm ý, đến khi thoạt nhiên khai ngộ thì liền chứng đắc được pháp Vô Sanh. Phương pháp tham thiền cùng niệm Phật vốn không đồng. Tham thiền tức tham thoại đầu, tham cho đến biển cạn non mòn, thì nhất định sẽ “liễu ám hoa minh” tức tâm mê bừng sáng.
Hành giả đã leo lên đến cùng tột của một cây cột cao ngất trời, nhưng còn có thể bước thêm một bước nữa để vào khoảng không vô tận. Rồi trong khoảnh khắc hành giả bước vào sự sống mới, tự trong lòng bàn tay mình sẽ cầm giữ được sự sanh tử và thoát ra khỏi vòng cai quản của Diêm Vương. Đó là phương pháp kéo dài kiếp sống của tôi. Trong thế hệ này đã có người đang áp dụng được như thế, đó là Đại lão Hòa Thượng Hư Vân nay đã ngoài một trăm mười tuổi; hiện vẫn còn tại thế, Ngài chính là vị cao Tăng am tường phương thức nối mạng này.
Nghe Ngài giảng, Bác sĩ Kỉ cảm thấy thú vị vô cùng vì đã thấu rõ tận tường chân lý. Từ đó, ông thường lui đến Tây Lạc Viên để thân cận học hỏi với Ngài.
50- Đồng kết thiện duyên.
Đệ tử Quy y Ngài, Trương Quả Thăng làm chủ một công ty chế tạo dược phẩm nổi tiếng ở Hồng Kông nhưng mắc phải chứng bệnh ung thư. Ngài quán sát thấy hội đủ nhân duyên nên khuyên ông cúng dường Tăng Ni y vải cùng dược phẩm để kết duyên với Tam-bảo cầu tiêu trừ nghiệp chướng.
Nghe Ngài dạy ông Trương quyết định y lời. Sau đó Ngài bèn thông báo đến các Tòng lâm, Tự viện và Tịnh thất tại Hương Cảng, Cửu Long cho biết số mục Tu sĩ để tiện bề chuẩn bị vải, cùng thuốc men như dầu Vạn kim, Thập linh đơn, v.v... Nhưng vì nghe lời người dèm pha nên ông Trương đã giảm bớt số lượng cúng dường như ông đã hứa. Thay vì cúng hai mươi đồng Hồng Kông và một cây vải tốt cho mỗi vị. Nay ông chỉ cúng năm đồng và một cây vải thuộc hạng xấu. (Lúc bấy giờ ở Đại Lục vấn đề tôn giáo bị nghiêm cấm nên có một số đông Tăng Ni di tản qua Hương Cảng, nên họ rất cần giúp đở về mọi phương diện.) Vì vậy Ngài giúp ông bổ túc vào những phần thiếu ấy.
Mồng 9 tháng 6, các phẩm vật đã được chuyển đến và phân phát tại khu Toàn Loan, gồm các Chùa Đông Phổ Đà, Trúc Lâm Thiền Viện, Lộc Dã Uyển. Hôm sau lại đến Nam Thiên Trúc, Niệm Phật Đường Đông Lâm và Hoằng Pháp Tịnh Xá. Ngày 11 thì đến Thanh Sơn Hải Triều Viện. Riêng vùng Nguyên Lãng, Tự viện thì ít mà Tịnh thất lại nhiều nên Ngài thông báo cho quý Tăng Ni tập trung lại một địa điểm để dễ bề phân phát và cũng tiết kiệm thời giờ. Lần cứu trợ này đã khiến nhiều người khâm phục về cách làm việc của Ngài là rất minh bạch. Hầu như tất cả Tu sĩ ở đây đều nhận được phần cúng dường.
51- Tím tâm khó tìm.
Sau khi Chùa Tây Lạc Viên được thành lập, Bà cư sĩ họ La thường đến Chùa lễ Phật, Bà có một người con trai kết hôn đã lâu mà vẫn chưa có con, nên bà than thở với Ngài:”ïSư phụ! Xin Ngài từ bi thương giúp mà khẩn cầu cùng chư Phật, Bồ Tát ban cho con một đứa cháu nội!ọ Nghe xong Ngài chỉ mĩm cười.
Một hôm Ngài vừa từ ngoài làng trở về Chùa và đang rửa chân trong một thau nước. Ngay lúc ấy, có tiếng tiếng leng keng của phong linh (chuông gió) ngoài cửa vườn, thì ra là bà La vừa mới đến. Khi lễ Phật xong, bà chạy đến quỳ lạy dưới chân Ngài, thút thít khóc, van lơn:
- Sư Phụ, Xin Ngài từ bi ban cho con một đứa cháu trai ạ! Gia đình con thật hiếm hoi nên con chỉ cầu có một cháu trai để nối dõi tông đường, nếu không thì con còn mặt mũi nào để nhìn thấy tổ tiên họ La! Nay con thành tâm quỳ trước Sư Phụ, chỉ cần Sư Phụ ban dạy, dù bất cứ chuyện gì con nguyện đều sẽ y theo. (bà thầm nghĩ chắc Ngài sẽ dạy bà phát tâm đúc tượng Phật, in kinh hay tu sửa chùa chiền... thì bà sẽ rất hoan hỷ làm theo.)
- Tín tâm của Bà lớn như vậy à? Thuở xưa, người đệ tử nhất nhất tuân lời Sư phụ, dù phải hy sinh tánh mạng; vì họ xả bỏ được tất cả nên tín tâm mới kiên cố như thế, việc này thật không dễ làm đâu.
- Sư phụ! Chỉ cần có được một cháu trai, thì việc gì con cũng nghe Sư phụ cả.
- Thế thì tôi sẽ giúp bà mãn nguyện. Vậy bà có dám uống nước rửa chân trong thau này không?
- Hả???
Dẫu có nằm mơ đi chăng nữa bà La cũng không thể ngờ là Ngài lại bảo bà như thế, bà há miệng trừng mắt đứng chết trân. Ngoài trừ người có trí huệ, không bị dính mắc bởi sáu trần như: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, chớ ai mà lại dám uống nước dơ trong thau như vậy?
Sau một hồi lâu, biết bà không thế nào làm nỗi, nên Ngài tự bưng thau nước lên, vừa uống vừa nói:
- Đây là nước cam lồ đấy!
Thấy vậy bà hốt hoảng, hối hận thưa:
- Sư phụ, để con uống.
- Nếu bà sớm uống nước này thì không chừng bà sẽ có được một cháu trai trọn lòng ước mong rồi nhưng bây giờ thì đã quá muộn!
Thật là chua xót, bà La không cầm được nước mắt khóc tức tửi nói:
- Sư phụ, con có còn cơ hội nào nữa không vậy?
- Sau này ở nhà bà nên ngày ngày, thành tâm thành ý niệm Phật. Vì Phật và Bồ Tát rất linh cảm, nếu có cầu tất sẽ có ứng.
Vài năm sau đó, bà La thật đã được một cháu trai đúng như ý, bà rất đỗi vui mừng.
Chúng ta muốn thành công trong việc gì, điều cốt yếu là cần phải có tín tâm kiên cố và ý chí cương quyết không gì lay chuyển được, nhẫn những việc khó nhẫn, làm những việc khó làm, có như vậy thì mới “sự bán công bội” tức chỉ cần dụng một ít công mà đạt quả gấp bội.
52- Tâm bệnh kỳ lạ.
Văn Quả Mật là một bé trai duy nhất trong gia đình em, cũng là cháu đích tôn đời thứ Chín dòng họ Văn. Khác hẳn với những bạn đồng lứa, cấp sách đến trường, tung tăng chạy giỡn, tham gia các trận đánh cầu, đá bóng... mà riêng em phải ở trong nhà dưỡng bệnh suốt khoảng hai năm liền từ lúc lên mười ba tuổi; Vì theo lời bác sĩ bảo, tim em có thể ngừng đập bất cứ lúc nào nên rất nguy hiểm đến tánh mạng.
Một hôm em chợt phát hiện, người chị lớn hơn em bốn tuổi đã trốn nhà đi quy y theo Phật giáo, và còn mang về quyển sách Tiểu sử Thiền Sư Độ Luân. Việc này chị em đã bí mật giấu kín vì gia đình em vốn là tín đồ Cơ Đốc giáo. Đọc xong quyển sách trong lòng em cảm thấy rất kính phục vị Sư trong sách nên đã yêu cầu người chị dẫn em đi gặp vị Thầy mà chị đã quy y. Nhưng chị em cứ khước từ mãi và bảo: Phải leo cả ba trăm bậc thềm đá mới đến Chùa Tây Lạc Viên, lúc đó bệnh tim của em chắc tái phát, chị làm sao gánh nổi trách nhiệm này.
Từ ngày đó, em âm thầm đối trước ảnh Ngài trong quyển sách mà đảnh lễ. Ba tháng sau, một hôm em đang lễ bái trong phòng thì thấy vị Sư trong bức ảnh bước ra xoa đầu em; vì thế em nhất quyết đến Tây Lạc Viên bái kiến vị Sư này. Cuối cùng, chị em đã cảm động bởi lòng thành của em nên đồng ý dắt em đi.
Lạ thay! Khi lên núi em không cảm thấy đau nhức ở tim chút nào, hơi thở vẫn bình thường, không có một triệu chứng gì về bệnh tim cả. Từ đó em thường lén nhà đến Chùa lễ Phật. Đến lần tái khám bác sĩ đã không ngờ được là bệnh tim của em đã không còn trong thời kỳ tình trạng nguy hiểm nữa.
Dù em nghĩ học đã lâu nhưng nhờ bản tính thông minh nên khi trở lại trường thì em vẫn học vượt hẳn bạn bè. Em tốt nghiệp trung học lúc lên mười chín tuổi. Ngoài việc gắng sức học hành, em còn biết dụng công tu thiền và có thể nhập định bất cứ nơi đâu kể cả trong phòng vệ sinh.
Có lần tại Phật Giáo Giảng Đường, Ngài ngồi trên pháp tòa nhưng không thuyết một lời nào, mà chỉ có Quả Mật lên diễn giảng, lúc đó thính chúng kê đầu to nhỏ trong tâm tỏ ý không phục nghĩ: Chúng ta đến nghe Ngài thuyết pháp, chớ không phải đến đây để nghe thằng bé chưa đầy mười tuổi này lên đài nói bá láp (Quả Mật có dáng người nhỏ thấp.) Sau buổi giảng, Ngài đã dạy: Chúng ta thường chấp vào hình tướng bên ngoài, như vừa thấy không phải là Pháp Sư thuyết pháp, không luận người đó giảng pháp đúng hay không đúng, liền sanh tâm phân biệt lập tức. Thật ra những lời Quả Mật đã nói đều cũng là những gì tôi muốn nói, vì em đã y theo tâm tôi mà thuyết đó.
53- Trùng hưng cổ tự.
Hương cảng là một thuộc địa của Anh quốc, phần lớn dân cư theo đạo Cơ Đốc nên đạo tràng Phật giáo vắng lặng ít người. Trong thành phố chỉ có Chùa Phổ Đà ở Tuyên Loan và Chùa Bảo Liên ở Ngạng Bình trên núi Đại Tự mà thôi. Vào năm 1953 do thời cuộc chánh trị ngày một rối loạn ở Đại Lục nên một số lớn Tăng sĩ phải lưu lạc sang Hương Cảng, vì không có nơi nương trú thích hợp nên kết quả là đạo nghiệp tu hành, thiền tập của họ trở thành chểnh mãng, định lực bị chi phối, tán thất rất nhiều.
Khi chứng kiến cảnh trạng này, Ngài nhận thấy không thể trì hoãn việc kiến hưng Phật giáo, gầy dựng Tùng lâm hầu giải quyết nạn thiếu cơ sở cho tu sĩ tu hành. Mặc dù Ngài nhiệt tâm hết lòng hộ trì Tam Bảo nhưng Ngài đã không đủ tài nguyên để giải quyết vấn đề to lớn này. Khi ấy ChùaTây Lạc Viên ở trong khu náo nhiệt, diện tích lại nhỏ hẹp, nên không có dư phòng cho Tăng chúng từ các nơi khác đến trú.
Đến mùa Thu năm 1953, cư sĩ Đổng Quả Kì phát đại nguyện cúng dường chư Phật tòa biệt thự hai tầng tọa lạc tại Đại Tự Sơn, Vạn Trượng Bộc. Tòa biệt thự bằng gạch đá rất hợp cho việc kiến tu đạo tràng. Cơ duyên đến và trùng hợp thay là bên trái của biệt thự này là Thiền viện Quốc Thanh đã bị bỏ phế từ lâu vì do quân Nhật đốt cháy trong thời kỳ Hương Cảng bị Nhật xâm chiếm, Hòa Thượng Trụ trì đã bị tử nạn trong cơn tai biến này. Thiền viện nay chỉ còn lại vài bức tường loang lổ, chung quanh chánh điện toàn là cỏ dại mọc um tùm trông thật tiêu điều hoang vắng. Tuy nhiên nơi đây rất tĩnh lặng vì được bao bọc bởi nhiều đồi núi nên thường vang tiếng quạ kêu, chim hót. Đường dẫn lên núi hiểm trở cheo leo vắng người qua lại, nên được yên ổn rất thuận lợi cho sự tu hành. Ngài vui mừng khôn xiết vì được khu đất thánh này. Sau khi thương lượng và được ban chấp hành của cựu thiền viện đồng ý việc phối hợp ngôi biệt thự và Thiền viện lại để tiến hành công trình trùng kiến khu Tu viện. Vì tài lực có hạn, nên Ngài chỉ bắt đầu sửa chữa tòa biệt thự, tạm thời làm ngôi chánh điện, sau này có một số người biết đó chính là viện cánh trái của Thiền viện Từ Hưng. (còn tiếp)